Chủ đề chính của WEF Davos năm nay là "Toàn cầu hóa 4.0: Định hình kiến trúc toàn cầu trong kỷ nguyên Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0)". Ông đánh giá thế nào về chủ đề này?
Tôi cho rằng, chủ đề này rất "đúng và trúng", phù hợp và gắn liền với những vấn đề mà thế giới đang trăn trở cũng như các Hội nghị WEF Davos những năm gần đây đề cập tới. Từ năm 2012 trở lại đây, WEF Davos đã đặt vấn đề cần phải thiết kế và tư duy lại về nền kinh tế thế giới, nhất là trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến chuyển mạnh mẽ…
Vấn đề định hình kiến trúc toàn cầu, tái cấu trúc lại nền kinh tế, theo tôi cần gắn liền với các xu thế mới của thế giới. Đó là xu thế liên kết tự do thương mại đầu tư — dịch vụ và toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu, cấu trúc dân số… Tuy nhiên, xu thế này lại đang gặp khó khăn trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng.
Nói đến tái cấu trúc cũng phải nói đến các thể chế, định chế, đặc biệt là định chế đa phương quốc tế. Nhu cầu cải cách trên thế giới những năm qua đã có những chuyển dịch rất lớn. Nhưng đằng sau những chuyển dịch ấy lại có những "hòn đá tảng" đang ngăn cản quá trình cải cách thích hợp.
Bên cạnh các thể chế quốc tế, đó còn là câu chuyện cải cách của bản thân từng nền kinh tế, làm sao vừa phải thích nghi với những biến động khó lường từ tình hình chính trị, kinh tế thế giới mà còn phải đối phó, giải quyết với những thách thức trong nội tại nền kinh tế.
Chủ đề năm nay hướng tới điểm nhấn là chuyển động của thế giới đang gắn liền với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, những công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), in 3D… — những công nghệ nền tảng của cuộc CMCN 4.0. Làm thế nào để các nền kinh tế có thể thích ứng được với những yêu cầu mới về đổi mới sáng tạo, đột phá trong công nghệ… từ đó đưa ra những khuôn khổ pháp lý phù hợp cũng là một thách thức. Có thể thấy rất rõ phản ứng, cách ứng xử có phần lúng túng của nhiều nước trong thời gian vừa qua trước những hình thức kinh doanh mới như kinh tế chia sẻ (trường hợp của Grab, Uber) hay xu hướng di chuyển dữ liệu tự do…
Theo ông, Việt Nam có thể học hỏi được những bài học cụ thể gì khi tham dự WEF?
Theo tôi, WEF Davos là một "vườn ươm ý tưởng" tuyệt vời của thế giới, nơi Việt Nam có thể học hỏi, chắt lọc được những kinh nghiệm quý báu để vận dụng trong xây dựng, triển khai các chiến lược phát triển đất nước cũng như trong điều hành kinh tế — xã hội.
Việc tham dự Hội nghị WEF Davos sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, là cơ hội tốt cho Việt Nam, trên nhiều phương diện. Những vấn đề mà Hội nghị WEF Davos trong những năm qua và kể cả trong năm nay bàn đến đều là những vấn đề mà Việt Nam đang rất quan tâm và sự quan tâm này đến từ chính đòi hỏi của Việt Nam. Việt Nam đang cần một mô hình tăng trưởng mới, một mô hình dựa trên năng suất, đổi mới sáng tạo, khoa học — công nghệ chứ không đơn thuần là dựa vào lợi thế tài nguyên thiên nhiên, nguồn lao động giá rẻ như trước đây. Và những sân chơi như WEF Davos, ở Việt Nam có thể chia sẻ, lắng nghe và học hỏi các kinh nghiệm, ý tưởng từ thế giới.
So với thế giới, Việt Nam là nước đi sau và đã bỏ lỡ các cuộc CMCN trước đây. Vì vậy, để bắt kịp được "chuyến tàu" CMCN 4.0, Việt Nam cần hành động quyết liệt hơn nữa, nhanh hơn nữa. Việc gặp gỡ, đối thoại với các nhà lãnh đạo, các doanh nghiệp hàng đầu thế giới sẽ mang lại những bài học tốt cho Việt Nam, giúp Việt Nam tiến nhanh hơn trên con đường hướng đến cuộc CMCN 4.0.
Bên cạnh đó, việc tham gia Hội nghị WEF Davos cũng là cách để Việt Nam nói về mình, chia sẻ khát vọng, quan điểm và cách tiếp cận của Việt Nam đối với những xu thế mới hiện nay, dưới góc nhìn của một nước đang phát triển, một nền kinh tế mới nổi.
Ông nhìn nhận như thế nào về cơ hội cho doanh nghiệp Việt tại những diễn đàn đa phương lớn như WEF?
Việc tiếp xúc với các "ông lớn", các lãnh đạo của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới sẽ mang lại cho doanh nghiệp Việt Nam những bài học quý báu. Tuy nhiên, chúng ta cần hướng đến là làm sao không chỉ "săn" được "cá voi" mà phải tiến tới "chơi" được với "cá voi".
Để làm được điều này, doanh nghiệp cần đặt tính hiệu quả, tính thực dụng cao hơn vì đây là câu chuyện kinh doanh, câu chuyện thị trường và là câu chuyện cạnh tranh. Bên cạnh đó, chúng ta phải chân thành, thẳng thắn và phải đưa ra những yêu cầu cụ thể, đi thẳng vào vấn đề. Tôi còn nhớ trong cuộc tiếp xúc với các nhà đầu tư Anh tại một Diễn đàn xúc tiến thương mại cách đây không lâu, phía bạn đã đặt câu hỏi khá thẳng thắn cho cơ quan đại diện ngoại giao của ta rằng: "Tại sao lại là Việt Nam?".
Để Việt Nam cũng như doanh nghiệp Việt thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới, chúng ta không chỉ cần cho họ thấy chúng ta là những đối tác tin cậy, chân thành mà cần cho họ thấy những điểm hấp dẫn, khác biệt của mình. Có như vậy, chúng ta mới thực sự "chơi" được với "cá voi".