Hải quân Mỹ và Anh vừa có cuộc tập trận chung ở khu vực Biển Đông, lần đầu tiên ở khu vực biển này.
Đối với Mỹ, chuyện tập trận hải quân ở khu vực này không có gì mới lạ. Tập trận, tuần tra và thực hiện những hoạt động dưới danh nghĩa "tự do đi lại" ở khu vực này vẫn được Mỹ thường kỳ và cả thường xuyên tiến hành. Tần số những hoạt động như thế của Mỹ tăng cùng với mức độ và quy mô hoạt động của Trung Quốc ở nơi này.
Hải quân Anh cũng không phải là đối tác đầu tiên và duy nhất đã cùng hải quân Mỹ tập trận chung ở nơi này. Tàu chiến của hải quân Anh tuy đã tiến hành một vài chuyến đi tuần tra và "tự do đi lại" ở khu vực Biển Đông và cùng tập trận với hải quân của một vài đối tác khác, nhưng chưa khi nào tham gia tập trận ở khu vực Biển Đông.
Chính vì thế mà cuộc tập trận chung đầu tiên này của hải quân Mỹ và Anh ở khu vực Biển Đông càng được để ý đến.
"Kẻ kéo bè, người hoài cổ"
Mục đích của Mỹ với những hoạt động quân sự ở khu vực Biển Đông vốn không còn là bí mật nữa. Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc giả sử có rất tốt đẹp đi chăng nữa thì Mỹ cũng vẫn không để cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm ở khu vực Biển Đông.
Ở khu vực này, Mỹ còn có những đồng minh và đối tác chiến lược mà lợi ích cốt lõi của họ ở khu vực Biển Đông cũng như đặc thù mối quan hệ của họ với Trung Quốc hiện tại cũng như về lâu dài Mỹ không thể không lưu ý thoả đáng, càng không thể có chuyện bỏ qua.
Tranh thủ và thuyết phục các đồng minh và đối tác chiến lược tăng cường hiện diện quân sự và hoạt động quân sự đơn phương hay đa phương ở khu vực Biển Đông trong bối cảnh tình hình như thế rất có lợi cho Mỹ, giúp Mỹ biến chuyện riêng giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực này thành chuyện chung của nhiều bên và của thế giới.
Cũng vì thế mà Anh chỉ là đối tác mới nhất chứ không phải cuối cùng phối hợp với Mỹ tập trận chung ở khu vực này.
Anh đang đắm chìm và bế tắc trong chuyện ra khỏi EU (Brexit) nhưng dù vậy vẫn phải chuẩn bị cho thời hậu Brexit.
Thoát khỏi những ràng buộc vào EU về nhiều phương diện chính sách đồng thời phải thích ứng với vị thế và tình thế mới sau Brexit, đảo quốc này muốn và có nhu cầu tăng cường vai trò và ảnh hưởng trên thế giới.
Ngay từ năm ngoái đã thấy phía Anh chủ động và năng động hơn trước rất nhiều với sự hiện diện và hoạt động quân sự ở khu vực Biển Đông.
Ngay trước cuộc tập trận chung này với Mỹ, chính phủ Anh đã tung ra ý muốn có căn cứ quân sự ở khu vực Biển Đông mà Đài Loan chớp lấy ngay ý tưởng ấy của Anh để đưa ra mời chào cho Anh xây dựng căn cứ quân sự trên hòn đảo mà Đài Loan đã chiếm đóng trái phép ở Biển Đông.
Tập trận chung với Mỹ giúp Anh vừa tăng thế của mình cho quan hệ với Trung Quốc lại vừa tranh thủ được Mỹ. Sau khi ra khỏi EU, mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc trở nên quan trọng hơn trước rất nhiều đối với Anh.
Với Mỹ, Anh chỉ cần tiếp tục thúc đẩy "mối quan hệ đặc biệt lâu nay" trong khi với Trung Quốc thì Anh phải định hướng và định hình lại quan hệ. Cũng vì thế mà lần đầu tiên này sẽ không phải là lần cuối cùng Anh tập trận chung với Mỹ ở khu vực châu Á — Thái Bình Dương và ở khu vực Biển Đông.