Theo bảng xếp hạng Chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu 2019 (Global Talent Competitiveness Index — GTCI 2019) vừa được công bố bởi INSEAD, hợp tác với The Adecco Group và Tata Communications, Việt Nam xếp hạng 92 trên tổng số 125 quốc gia, thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực ASEAN, xếp sau Lào và chỉ trên Campuchia.
Đây là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam bị tụt hàng về chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu. Năm 2018, Việt Nam đứng thứ 87 và năm 2017 xếp thứ 86.
Được biết, Báo cáo Chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu là thước đô hàng năm giúp đánh giá sự phát triển, thu hút và giữ chân nhân tài của quốc gia và thành phố, qua đó khắc họa bức tranh cạnh tranh nhân lực toàn cầu.
Bình luận về xếp hạng của Việt Nam trên bảng Chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu 2019, GS.TSKH Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn, cho biết, có thể coi bảng xếp hạng trên là thông tin tham khảo. Bản thân đơn vị xếp hạng chưa hẳn đã hiểu rõ về Việt Nam, trong khi Việt Nam cũng chưa hẳn đã bộc lộ hết các nội dung của mình.
"Việc xếp hạng phải căn cứ vào trình độ. Chẳng hạn, Việt Nam có bao nhiêu tiến sĩ khoa học, giáo sư, phó giáo sư, kỹ sư, Việt Nam có bao nhiêu trường đại học, hàng năm đào tạo ra bao nhiêu sinh viên, trình độ như thế nào…, từ đó mới có cơ sở xếp hạng.
Trước nay, công tác "marketing" của Việt Nam chưa tốt, Bộ GD-ĐT cũng chưa chú trọng đến việc này. Còn thực tế, các nhà trí thức Việt Nam không thua kém gì thế giới", GS.TSKH Phạm Phố nhận xét.
Bàn về nhân tài Việt Nam, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cho biết, Việt Nam có nhiều tiến sĩ khoa học, giáo sư, phó giáo sư mà phần nhiều những người ấy được đào tạo ở nước ngoài, trình độ nhiều người thuộc loại khá, giỏi.
Vấn đề ở chỗ, không phải đào tạo người tài giỏi rồi họ cứ thế mà đi lên, quan trọng là phỉa bồi dưỡng, phát triển tài năng ấy, tức phải chăm lo cho đội ngũ trí thức để họ phát triển, nâng cao trình độ của mình. Đây lại đang là cái thiếu và yếu của Việt Nam.
Vị chuyên gia khẳng định, điều quan trọng trước hết là phải tạo điều kiện cho nhân tài cho nhân tài được làm việc, cụ thể là chăm lo phương tiện làm việc cho họ.
"Nhà khoa học ở nước ngoài về Việt Nam làm việc phải có phòng thí nghiệm cho họ thực hành, tạo điều kiện cho họ gắn liền với thực tế để giải quyết được những vấn đề mà xã hội đặt ra.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực cơ khí, phải tính đến chuyện sản xuất ra những vật liệu tốt, bền, chịu được nhiệt độ, chịu mài mòn để chế tạo ra các bộ phận của ô tô mà không cần nhập khẩu, hay chế tạo ra những loại thép chống mài mòn nước biển để đóng những con tàu lớn…
Bồi dưỡng trí thức bằng hình thức cho người ta những thiết bị, điều kiện để ứng dụng tri thức của mình sản xuất ra sản phẩm, đó mới là điều quan trọng", GS.TSKH Phạm Phố chỉ rõ.
Thứ hai, vấn đề lương bổng, nhà ở là điều kiện thứ chính. Vị chuyên gia chỉ ra thực tế, ở Việt Nam vẫn tồn tại tư duy phổ biến: cứ trả lương, cấp nhà ở cho nhà khoa học, trí thức và coi đó là bồi dưỡng trí thức rồi, nhưng không phải nhưu vậy.
"Nếu không tạo điều kiện cho trí thức làm việc, không có phương tiện cho họ vận dụng tài năng, trí tuệ để họ vươn lên thì dẫu có cho họ lương cao, nhà đẹp thì rồi tài năng của họ cũng sẽ dần bị mai một", ông nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến cho rằng chất lượng sống là yếu tố quan trọng để thu hút nhân tài. Chẳng hạn, Singapore sở dĩ thành công trong việc thu hút nhân tài vì đây quốc gia này có chất lượng sống tốt. Nhưng theo GS.TSKH Phạm Phố, đây mới chỉ là một phần.
Ông chỉ ra rằng, thực tế, đào tạo của Singapore không khác Việt Nam nhiều, giáo sư Singapore phần đông tốt nghiệp Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), tỷ lệ các giáo sư tầm cỡ thế giới so với Mỹ và các nước châu Âu không hề nhiều hơn. Nhưng quan trọng hơn cả, chính phủ Singapore rất chăm lo cho điều kiện làm việc của các nhà trí thức sau khi tốt nghiệp. Còn Việt Nam lại chưa chú trọng việc đó, thậm chí nhiều khi còn xem thường.
Một điều quan trọng nữa được vị chuyên gia lưu ý, đó là Việt Nam cần tổ chức các trí thức thành các nhóm, tập hợp để cùng phát triển, hỗ trợ lẫn nhau, tạo trí thức thành một khối đoàn kết. Bởi thực tế cho thấy, có hiện tượng kèn cựa lẫn nhau, không muốn người khác hơn mình trong trí thức Việt Nam.
"Việt Nam đã có chính sách thu hút nhân tài từ đây, nhưng theo bảng xếp hạng trên, đây là lần thứ tư Việt Nam bị tụt hàng về chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu, dù đây chỉ là thông tin tham khảo. Khi khó thu hút, giữ chân nhân tài thì đương nhiên nhiên năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh quốc gia cũng bị tụt hạng. Điều này đã được chứng minh Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu thường niên 2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Theo đó, Việt Nam bị tụt 3 bậc so với năm 2017 và trong số 12 trụ cột đánh giá, Việt Nam chỉ đạt 33 điểm ở trụ cột năng lực sáng tạo. Như vậy, vấn đề chính là trong nước quan tâm, chăm lo đến trí thức như thế nào. Làm sao để trí thức, nhân tài phát triển được, cống hiến nhiều cho xã hội. Một xã hội phát triển không thể không có đội ngũ trí thức. Đầu óc thông minh của họ đưa ra nhiều sáng kiến thì mới giúp xã hội phát triển được. Như đã nói, trí thức Việt Nam tốt nghiệp giỏi nhưng sau đó không phát triển lên cao được vì không có phương tiện, Việt Nam cần thay đổi điều này".