Mới đây, dư luận TP Đà Nẵng bất ngờ xôn xao thông tin, tháng 2/2019, giá đất bị điều chỉnh tăng khiến hàng ngàn người nợ tiền đất tái định cư bị "ngợp". Họ lâm vào khốn đốn khi phải trả nợ cao hơn nhiều lần.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, có khoảng 7.000 hộ dân nằm trong diện này. Họ là những người mà khoảng 15 năm trước đã nhường đất cho công cuộc chỉnh trang đô thị. Về phía mình, chính quyền TP Đà Nẵng bố trí lại đất tái định cư cho người dân. Nhiều trường hợp vì khó khăn quá đã được tạo điều kiện cho mua nợ.
Đơn cử như trường hợp của bà N.T.H (trú quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), năm 2005, gia đình bà bị giải tỏa và được bố trí lại một lô đất tái định cư, tiền đất nợ là 120 triệu đồng. Mới đây, khi liên hệ với chính quyền sở tại để trả nợ thì bà này tá hỏa biết số tiền của mình phải trả là hơn 2 tỷ đồng. Tiến hành tìm hiểu sự việc thì bà H. mới vỡ lẽ, từ ngày 11/2/2019, Quyết định 06 sửa đổi, bổ sung giá đất mới của UBND TP Đà Nẵng chính thức có hiệu lực. Sau đợt điều chỉnh giá đất này, số tiền mà nhiều hộ dân phải trả tăng lên rất cao.
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc sở Tài nguyên & Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, con số khoảng 7.000 hộ dân còn nợ tiền sử dụng đất tương đương với số tiền 866,562 tỷ đồng.
Tức là, sẽ xảy ra 2 trường hợp. Một là, khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất mà mức giá đất điều chỉnh tăng từ 20% trở lên so với giá đất tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá đất tối thiểu trong bảng giá đất của loại đất tương tự. Hai là, khi giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá đất tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá đất tối thiểu trong bảng giá đất trong khoảng thời gian từ 180 ngày trở lên.
Giá đất của TP Đà Nẵng trước đây được thực hiện theo Quyết định 46/2016/QĐ-UBND ngày 20/12/2016. Qua 2 năm áp dụng, giá giao dịch phổ biến trên thị trường bất động sản tại địa phương có nhiều biến động rất lớn.
Theo chứng thư thẩm định giá thì tại thời điểm nghiên cứu điều chỉnh bảng giá đất này, giá đất tại đô thị tỷ lệ tăng bình quân là 4,13 lần (cao nhất 9 lần, thấp nhất 1,86 lần), về giá đất ở nông thôn tỷ lệ tăng bình quân là 2,66 lần (cao nhất 6,83 lần, thấp nhất 1,2 lần). Trong năm 2017, trên địa bàn TP Đà Nẵng cũng đã đặt mới tên đường một số tuyến, cần phải điều chỉnh bảng giá đất.
Cùng với đó, theo quy định tại Nghị định 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất, đối với hộ gia đình cá nhân được ghi nợ tiền sử dụng đất thì phải trả nợ dần trong thời hạn tối đa là 5 năm; sau 5 năm kể từ ngày ghi nợ mà chưa trả hết nợ tiền sử dụng đất thì người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất còn lại theo giá đất tại thời điểm trả nợ.
Cụ thể, tháng 1/2018, sở Tài chính TP Đà Nẵng thực hiện ký hợp đồng với đơn vị tư vấn để khảo giá đất phổ biến thị trường nhằm điều chỉnh, bổ sung Bảng giá đất và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất trên địa bàn thành phố. Tiếp đó, các đơn vị khảo cùng chính quyền các cấp cơ sở trên địa bàn TP Đà Nẵng cùng nghiên cứu, thống nhất, thông qua bảng giá đất.
Kết quả khảo sát giá đất phổ biến thị trường trên địa bàn năm 2018 này sẽ được chuyển qua sở Tài nguyên & Môi trường để tiến hành các bước tiếp theo. Sau đó thì trình UBND, HĐND TP để ban hành, sửa đổi. "Như vậy, việc điều chỉnh bảng giá đất được xây dựng trong suốt thời gian từ năm 2018. Về việc thông báo cho người dân để tiến hành nộp khoản tiền nợ, thời gian nộp tiền sử dụng đất đã được quy định tại các điều khoản của Hợp đồng giữa người dân với trung tâm phát triển quỹ đất", ông Tô Văn Hùng nói.