Các thành viên trong đoàn đã đi kiểm tra thực tế công trình, trò chuyện với công nhân và đại diện các nhà thầu Nhật Bản để trực tiếp nắm bắt những nguyện vọng, kiến nghị của họ.
Trong buổi làm việc với Ban quản lý Đường sắt đô thị ngay sau đó, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, công trình này chỉ có ý nghĩa khi hoạt động như một hệ thống. Vì vậy ông yêu cầu các thành viên trong Ban đặt câu hỏi "Bao giờ cả 8 tuyến hoạt động?" để thúc đẩy các giải pháp cho dự án.
"Vạn sự khởi đầu nan nhưng không có khởi đầu thì không có kết thúc" — ông Nhân nói và cho rằng nếu lâu lâu mới có thêm một tuyến đi vào hoạt động thì phải mất hàng chục năm sau công trình này mới có tác dụng giải quyết ách tắc giao thông. Về tiến độ phê duyệt tổng mức đầu tư dự án, ông Nhân khẳng định Trung ương đã chỉ đạo và thành phố đang gấp rút thực hiện các bước theo quy định. Theo ông dự án đã được quốc tế tư vấn, hồ sơ kỹ thuật cũng ít thay đổi nên việc rà soát cần làm lại nhưng hạn chế tối thiểu điều chỉnh, đặc biệt không tăng tổng mức đầu tư. Đề cập đến việc giải ngân cho dự án, người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cho biết bản đề nghị tạm ứng (2.158 tỷ đồng — PV) của thành phố đã "được báo cáo và đưa tận tay Thủ tướng", tinh thần Thủ tướng sẽ sớm đồng ý phân cấp cho thành phố tạm ứng như đề nghị.
Ngoài ra, ông Nhân nhận định metro là công trình đầu tiên thành phố thực hiện nên chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Do vậy các cán bộ cần nỗ lực, rút kinh nghiệm từ việc thi công thực tế tuyến số 1 để tới đây thực hiện tốt các dự án mới.
Báo cáo với đoàn công tác, Trưởng ban quản lý Đường sắt đô thị Bùi Xuân Cường cũng thừa nhận "nếu chỉ có một tuyến thì không giải quyết vấn đề gì", do vậy cần thực hiện nhanh để tăng sự kết nối.
Về nhân sự, ông Cường cho rằng khi thành phố có cơ chế tài chính rõ ràng cùng những đãi ngộ xứng đáng và đường hướng phát triển tốt thì sẽ thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về đây làm việc.
Metro số 1 được phê duyệt vào tháng 4/2007 với tổng mức đầu tư 17.388 tỷ đồng. Năm 2009 tư vấn chung của dự án đã tính toán và xác định lại tổng mức đầu tư của dự án là 47.325 tỷ đồng.
Theo mục tiêu ban đầu, tuyến sẽ hoàn thành vào năm 2017, vận chuyển được 186.000 hành khách/ngày. Đến năm 2020 số lượng hành khách sẽ tăng lên 620.000 hành khách/ngày. Năm 2040 con số này sẽ là 1.020.000 hành khách/ngày.
Tuyến metro đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP. HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó có khoảng 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga). Hiện dự án hoàn thành hơn 62% khối lượng thi công.