Ngăn chặn việc "chạy chức, chạy quyền"
Trao đổi với PV Lao Động, TS Bùi Đức Thụ cho hay: Đối với Đại hội XIII sắp tới của Đảng, công tác chuẩn bị, tham mưu cán bộ cho đại hội đang là công việc khẩn trương, gấp rút, hết sức quan trọng. Việc lựa chọn ra những cán bộ chiến lược quyết định cho sự phát triển đất nước trong những năm tới.
"Về việc này, tinh thần lựa chọn cán bộ dựa trên các văn bản của trung ương, của Bộ Chính trị cũng đã hướng dẫn cụ thể. Vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo cần phải chọn người có tài, đức, liêm, chính, tận tụy vì công việc, lấy trách nhiệm công việc lên hàng đầu, loại bỏ tình trạng lợi dụng cơ hội chính trị, liên kết bè phái chạy chức, chạy quyền, xin phiếu bầu, phiếu tín nhiệm. Đây là một chỉ đạo hết sức hiện thực, cần phải làm nghiêm, quán triệt được tư tưởng tinh thần đó để lựa chọn nhân sự, cán bộ chuẩn bị đại hội" — TS Bùi Đức Thụ cho biết.
Theo TS Bùi Đức Thụ, để hiện thực hóa được tinh thần trên, trong công tác cán bộ cần chú ý: Phát huy tính dân chủ trong công tác cán bộ. Nếu công tác này chỉ dựa vào một số cán bộ sẽ không phát huy tính dân chủ. Từ đó sẽ dễ dẫn tới có hiện tượng chạy chức, chạy quyền, xin cho, mua bán quyền lực. Do đó, cần đảm bảo tính dân chủ rộng rãi trong việc đánh giá cán bộ, quy hoạch sử dụng cán bộ.
Khuôn thước để đánh giá cán bộ
Cũng theo TS Bùi Đức Thụ, phải có tiêu chuẩn đối với từng loại cán bộ. Đó là thước đo, "khuôn vàng thước ngọc" để các tổ chức cá nhân tuyển dụng nhân sự, cán bộ áp dụng và để dân giám sát. Hiện nay, đã có tiêu chuẩn chung về đạo đức, chính trị, tư tưởng, tuy nhiên cần phải cụ thể hóa ngay lúc này thành các tiêu chí và thang chấm điểm cụ thể để đánh giá cán bộ, không được đánh giá chung. Đây là cơ sở để các tổ chức lựa chọn các cán bộ chiến lược, để các cán bộ biết được mình đang ở đâu, vị trí nào để tiếp tục phấn đấu.
Cùng với đó, công tác cán bộ phải công khai minh bạch. Nếu không công khai minh bạch thì nó là "mảnh đất màu mỡ" để cho những tiêu cực, sai phạm diễn ra. Sau khi lựa chọn quy hoạch phải căn cứ công khai để dân giám sát về việc cán bộ có đủ tiêu chuẩn không? Trong trường hợp cán bộ không đủ tiêu chuẩn, phải có phương án chuẩn bị, bổ sung như thế nào cho phù hợp.
"Không được giao quyền lực quan trọng hoặc nếu giao thì phải có cơ chế kiểm soát quyền lực đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân phụ trách công tác cán bộ. Tôi nhấn mạnh, việc này cần phải dân chủ, minh bạch công khai mọi hoạt động để không chỉ các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm giám sát, mà còn để nhân dân giám sát. Không để mảnh đất màu mỡ phát sinh tiêu cực" — ông Thụ nhấn mạnh.