Một tuần trước, tờ báo Pobjeda của Cộng hòa Montenegro đăng bài phỏng vấn ông Vladimir Todorovic, bác sĩ trưởng về chuyên khoa ung thư của đất nước, hiện lãnh đạo Khoa Ung bướu của Trung tâm lâm sàng ở Podgorica, nói về tình trạng gia tăng nhanh chóng số người mắc bệnh ác tính. Theo lời ông, số bệnh nhân được theo dõi tại cơ sở của ông đã tăng gấp ba lần trong vòng chín năm: từ 650 lên đến 20.000 người. Bác sĩ Todorovic xác nhận rằng bệnh ung thư cướp đi mỗi năm ít nhất 1.300 sinh mạng ở Montenegro. Đáng chú ý là thực tế dân số của Montenegro chỉ có cả thảy 620.000 người, tỷ lệ như vậy là rất nhiều: 0,2% dân số tử vong mỗi năm vì ung thư. Chuyên gia Todorovich cũng nhận xét rằng mỗi năm trong nước phát hiện không dưới 3.000 bệnh nhân mới với chẩn đoán mắc căn bệnh tử thần.
Tuy vậy, khi nhà báo yêu cầu, các đại diện chính thức của Viện Sức khỏe Cộng đồng Montenegro, đã đưa ra lời giải đáp “trấn an” các cư dân. Theo lời họ, sổ đăng ký bệnh ung thư ở đất nước này chỉ bắt đầu được lưu vào năm 2013, tức là 6 sáu năm trước, do vậy rất đơn giản là không có dữ liệu thống kê liên quan để đưa ra kết luận về mức gia tăng tỷ lệ mắc bệnh trong 10 năm qua.
“Trong chừng mực hồ sơ đăng ký không bảo lưu đủ dữ liệu về số lượng bệnh nhân và các trường hợp tử vong do ung thư (tối thiểu là 10 năm), thì không nên đưa ra giải thích xác đáng về sự tăng trưởng hay là xu thế nào đó liên quan đến chẩn đoán ung thư”.
Bất kể khẳng định từ đại diện y tế của chính quyền Montenegro, thiên về quy kết lỗi tăng ung thư cho các yếu tố nguy cơ thông thường như hút thuốc, thừa cân, bức xạ mặt trời, ít hoạt động thể chất, nhiều người dân nước này vẫn ngờ rằng xu hướng bệnh tật đầy đe dọa đó có thể liên quan đến những trận ném bom 20 năm trước, khi lực lượng NATO đã sử dụng đạn dược với uranium nghèo trên vùng lãnh thổ này.
Ở Montenegro, không có nghiên cứu khoa học nào xác nhận tính hợp lệ của mối ngờ này. Hơn nữa, kể từ khi Montenegro gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương, trong nước đã ngấm ngầm có lệnh cấm nghiên cứu về tác động tiêu cực từ những vụ đánh bom của NATO, ngay cả khi liên quan đến sức khỏe của các công dân.
Hy vọng có thể thay đổi tình hình thiếu vắng nghiên cứu và sự phớt lờ mối quan hệ nhân quả có thể giữa đạn chứa chất phóng xạ và tỷ lệ mắc ung thư ngày càng tăng, nhân kỷ niệm mốc 20 năm can thiệp của NATO, nhóm sáng kiến đã chuẩn bị bản kiến nghị yêu cầu thành lập Ủy ban độc lập để nghiên cứu về ảnh hưởng của bom NATO với sức khỏe cộng đồng.
Trong cuộc đàm đạo với Sputnik, một trong những người soạn Thỉnh nguyện thư, nhà hoạt động chính trị và nhà báo Montenegro Igor Damjanovic lưu ý rằng, khác với Serbia, ở Montenegro vấn đề về hậu quả y tế lâu dài của vụ đánh bom chỉ đơn giản là bị xếp lại và im lặng.
Ông khẳng định rằng, ngoài tác động của bản thân chất uranium nghèo, cũng không nên quên những hợp chất nguy hiểm cho sức khỏe đã lan tỏa trong môi trường sau những cuộc ném bom vào các cơ sở công nghiệp và chủ thể hạ tầng dân sinh.
Theo lời ông Damjanovic, đã xác định được những địa điểm có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao nhất:
“Dẫn đầu danh sách là Budva và Tivat. Tôi muốn nhắc rằng đây chính là những thành phố nằm giữa bán đảo Lustica mà như chúng ta biết, đã bị bắn phá bằng đạn bom chứa uranium nghèo trong cuộc xâm lược của NATO chống CHLB Nam Tư. Tiếp theo sau là Podgorica và Danilovgrad, nơi từng diễn ra những cuộc không kích ác liệt”.
Bất kể thực tế là phần lớn các cuộc không kích trong thời gian ném bom CHLB Nam Tư đã diễn ra trên lãnh thổ Serbia, nhưng Montenegro cũng có hứng phần đạn dược chứa uranium nghèo, bom ném xuống kho vũ khí và nơi bảo quản nhiên liệu. Ngày 30 tháng 5 năm 1999, lực lượng NATO đã dội xuống bán đảo Lustica nhiều bom đạn chứa phóng xạ, mặc dù ở đây tuyệt nhiên không có cơ sở quân sự hoặc đơn vị quân đội nào. Theo một số nguồn tin, nền phóng xạ ngay sau vụ đánh bom đã vượt quá mức cho phép tới 350 lần.