Trả lời báo chí về quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải với đề xuất hạn chế, cấm xe máy ở các đô thị lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, ở Myanmar hay một số thành phố lớn ở Trung Quốc tiến hành cấm xe máy.
Việc hạn chế hay cấm phương tiện cá nhân như xe máy trong đô thị là một trong những giải pháp nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đi đôi với việc hạn chế hay cấm phương tiện cá nhân như xe máy, Nhà nước phải đáp ứng tốt nhu cầu vận tải công cộng và đáp ứng tốt việc kết nối các loại hình vận tải trong đô thị; kết nối tốt với giao thông tĩnh, kể cả những bến, bãi đỗ, gửi xe để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
“Ở nước ngoài thường có những bãi đỗ xe ngay khu trung tâm tàu điện ngầm hay tàu trên cao hoặc bãi xe buýt, để người dân có thể đi xe cá nhân (ô tô hoặc xe máy) tới gửi tại đó”, ông Ngọc cho hay và khẳng định các giải pháp nêu trên phải thực hiện đồng bộ với nhau mới đem lại hiệu quả.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nêu ý kiến, trước mắt là Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, thậm chí sau này đến các thành phố lớn khác cũng có nhu cầu hạn chế hoặc cấm xe máy. Do đó, việc xây dựng đề án hạn chế phương tiện cá nhân là cần thiết. Tuy nhiên, trong đề án sẽ phải xem xét đến tất cả các phương tiện và các phương thức đi lại để tổ chức giao thông, lộ trình áp dụng. Đây mới là điều quan trọng, để làm sao đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh mới xây dựng đề án, còn rất nhiều khâu phải làm như nghiên cứu, đánh giá: Nhưng quan điểm chung là phải xây dựng đề án và phải tổ chức giao thông với nhiều phương thức khác nhau, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc đảm bảo thuận tiện đi lại cho người dân…