Bị áp giải từ đại sứ quán
Nhà lập trình và nhà báo người Úc Julian Assange đã trở nên nổi tiếng sau khi trang web WikiLeaks do ông thành lập năm 2010 công bố các tài liệu bí mật của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cũng như các tài liệu liên quan đến các hành động quân sự ở Iraq và Afghanistan.
Nhưng thật khó để nhận ra một Assange râu xám đang bị cảnh sát Anh đưa khỏi tòa nhà đại sứ quán. Người này hoàn toàn không giống chàng trai trẻ đầy nghị lực trên các bức ảnh cũ.
Theo Tổng thống Ecuador Lenin Moreno, Assange đã bị tước quyền tị nạn vì liên tục vi phạm các công ước quốc tế.
Như dự kiến, Assange sẽ ở lại đồn cảnh sát ở trung tâm Luân Đôn cho đến khi đứng trước thẩm phán tại Tòa án Westminster.
Tại sao Tổng thống Ecuador bị cáo buộc phản bội
Cựu Tổng thống Ecuador, ông Rafael Correa, gọi quyết định của chính phủ là sự phản bội lớn nhất trong lịch sử nước này. Những gì anh ấy (Moreno) đã làm là một tội ác mà nhân loại sẽ không bao giờ quên, - ông Correa nói.
Nhưng, London đã cảm ơn Moreno. Bộ Ngoại giao Anh tin rằng, công lý đã chiến thắng. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova có ý kiến khác.
“Bàn tay của “nền dân chủ” siết chặt cổ họng của tự do”, - bà viết trên Facebook. Điện Kremlin bày tỏ hy vọng rằng, quyền của người bị bắt giữ sẽ được tôn trọng.
Ecuador đã cho Assange tỵ nạn vì cựu Tổng thống nước này theo quan điểm trung tả, chỉ trích chính sách của Hoa Kỳ và hoan nghênh việc Wikileaks tiết lộ các tài liệu bí mật về các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Ngay cả trước khi tìm kiếm nơi trú ẩn, Assange đã gặp gỡ với Correa: đã có buổi phỏng vấn vị tổng thống trên kênh Russia Today.
Tuy nhiên, vào năm 2017, tình hình ở Ecuador đã thay đổi, chính quyền mới chủ trương thiết lập mối quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ. Tân Tổng thống miêu tả Assange như "viên đá trong giày", và cho rằng việc Assange tiếp tục ở sứ quán tại London là không thể kéo dài. Theo ông Correa, khoảnh khắc của sự thật là chuyến thăm Ecuador của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Michael Pence vào cuối tháng 6 năm ngoái. Khi đó hai bên đã quyết định mọi việc. “Bạn có thể chắc chắn: Lenin chỉ là một kẻ đạo đức giả. Anh ta đã đạt thỏa thuận với người Mỹ về số phận của Assange. Và bây giờ anh ta cố gắng để chúng tôi nuốt viên thuốc này, quả quyết rằng Ecuador đang tiếp tục cuộc đối thoại”, - ông Correa nói trong cuộc phỏng vấn của kênh Russia Today
Những đối thủ mới của Wikileaks chống lại Assange
Một ngày trước khi bị bắt, người phát ngôn của Wikileaks Kristinn Hrafnsson đã nói rằng, Assange đang bị giám sát. “Wikileaks đã phát hiện ra rằng, Assange đang bị theo dõi bên trong đại sứ quán, nơi ông đã cư trú nhiều năm qua, mọi di chuyển của Assange bên trong tòa nhà, cũng như các cuộc họp với khách đều được theo dõi qua camera an ninh. Và các thông tin thu được chuyển đến chính quyền của Donald Trump”.
Ông Hrafnsson cho biết những chi tiết: một tuần trước đây Assange đã có thể bị trục xuất khỏi đại sứ quán. Điều này không xảy ra chỉ vì WikiLeaks đã công bố thông tin này. Một nguồn tin cao cấp đã nói với WikiLeaks về kế hoạch của chính quyền Ecuador, nhưng, Ngoại trưởng Ecuador Jose Valencia bác bỏ tin này.
Ngay trước khi chính quyền thông qua quyết định tước quyền tị nạn của Assange, tại Ecuador đã bùng nổ một vụ bê bối tham nhũng liên quan đến Moreno. Vào tháng 2, WikiLeaks đã công bố một gói dữ liệu INA Papers về hoạt động của công ty nước ngoài INA Investment do anh trai của nhà lãnh đạo Ecuador thành lập. Chính quyền Quito đã tuyên bố, đây chỉ là một âm mưu của Assange cùng với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và cựu lãnh đạo Ecuador Rafael Correa nhằm lật đổ Moreno.
Đầu tháng 4, Moreno đã phàn nàn về các hành vi của Assange tại đại sứ quán Ecuador ở London. Ông nói, “chúng tôi phải bảo vệ cuộc sống của ông Assange, nhưng ông ta vượt quá giới hạn đấy - vi phạm thỏa thuận với chúng tôi. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ông ta không thể nói công khai, nhưng, không được để ông ta nói dối và tham gia hack”.
Điều tra về cáo buộc hiếp dâm dẫn đến đâu
Assange đã đến Thụy Điển vào mùa hè năm 2010, với hy vọng ở đó ông sẽ được bảo vệ khỏi lệnh truy nã của chính quyền Mỹ. Nhưng, ông ta bị điều tra cáo buộc hiếp dâm. Vào tháng 11 năm 2010, chính quyền Stockholm đã ban hành lệnh bắt giữ Assange và ông đã bị liệt vào danh sách truy nã quốc tế. Ông đã bị bắt ở London, nhưng, sớm được chấp thuận tại ngoại với số tiền thế chân là 240 ngàn bảng Anh.
Vào tháng 2 năm 2011, Tòa án của Anh đã quyết định dẫn độ Assange về Thụy Điển, sau đó đã có một loạt các kháng cáo thành công đối với người sáng lập WikiLeaks.
Chính quyền Anh đã thông qua quyết định: trước khi dẫn độ về Thụy Điển, Assange sẽ bị quản thúc tại gia. Nhưng Assange đã vi phạm lời hứa với chính quyền Anh và xin tị nạn tại đại sứ quán Ecuador. Kể từ đó, Vương quốc Anh đưa ra những yêu sách riêng với người sáng lập Wikileaks.
Điều gì chờ đợi Assange
Theo cảnh sát, Assange bị bắt theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ. Washington cáo buộc Assange tiết lộ các tài liệu mật. Tại Anh, Assange có thể sẽ ra tòa vào chiều ngày 11 tháng Tư. Điều này được nêu trên trang Twitter WikiLeaks.
Có lẽ, tại Anh, Assange sẽ phải đối mặt với mức án tối đa 12 tháng tù giam, mẹ của Assange cho biết, trích dẫn luật sư của ông.
Đồng thời, các công tố viên Thụy Điển đang xem xét khả năng nối lại cuộc điều tra về tội hiếp dâm. Người biện hộ Elizabeth Massey Fritz, đại diện cho lợi ích của nạn nhân, đang tìm cách làm như vậy.
"Khách hàng của tôi và tôi vừa nhận được tin Assange bị giam giữ. Cuối cùng, những gì chúng tôi đã chờ đợi và hy vọng trong bảy năm qua đã xảy ra. Chúng tôi dự định sẽ làm mọi thứ để các công tố viên nối lại cuộc điều tra, để Assange bị dẫn độ về Thụy Điển và bị xét xử về tội hiếp dâm ", - bà Fritz nói với tờ Expressen hôm thứ Năm.