Viện KSND tỉnh Tây Ninh khẳng định ông Dũng đã bị bắt oan từ năm 1979 đến năm 1983 về tội “cướp tài sản công dân, theo Quyết định đình chỉ điều tra số 15 ngày 11.5.1983 của Viện KSND tỉnh Tây Ninh do không phạm tội.
Nội dung xin lỗi được đăng 3 kỳ liên tiếp trên Báo Thanh Niên và Báo Tây Ninh.
Về việc xin lỗi công khai, ban đầu Viện KSND tỉnh Tây Ninh muốn tổ chức xin lỗi ông Dũng ở địa phương. Tuy nhiên ông Dũng lại muốn Viện KSND tỉnh Tây Ninh tổ chức xin lỗi ở nơi công tác khi bị bắt là Sư đoàn 317 đóng ở Hóc Môn (TP.HCM). Tại buổi làm việc mới đây đại diện Viện KSND tỉnh Tây Ninh cho hay cần xin phép ý kiến lãnh đạo viện.
Trước đó, Báo Thanh Niên có loạt bài chỉ ra những sai sót liên quan đến “vụ cướp năm chỉ vàng” tại nhà máy xay xát ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, H.Trảng Bàng (Tây Ninh) liên quan đến 8 nạn nhân.
Tám người bị bắt là ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng lớn, người được Viện KSND tỉnh Tây Ninh chính thức xin lỗi), Hồ Long Chánh, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Văn Dũng (Dũng nhỏ), Nguyễn Thành Nghị, Võ Thị Thương, Nguyễn Thị Lan.
Sau đó là những ngày tra khảo, ép cung buộc họ phải nhận tội mà không có bất cứ bằng chứng gì. Họ đã bị tù oan (3 năm 9 tháng 14 ngày) đến năm 1983 mới được thả. Đau lòng là trong số người bị bắt có ông Dũng (lớn) là quân nhân tình nguyện Campuchia đang về phép thăm nhà. Hai bà Lan, người có con mới được 2 tháng rưỡi, người mang bầu 5 tháng.
Năm 1983, sau thời gian dằng dặc bị tù oan, 8 người này được ra tù trong cảnh “nhà tan cửa nát”, bị người thân, làng xóm coi khinh. Nhiều người trong số họ phải bỏ quê đến xứ khác mưu sinh vì không chịu được nỗi đau “mình là kẻ cướp”.
Đáng nói trong số 8 người bị tù oan, sau khi được thả nhưng duy nhất ông Dũng (lớn) có quyết định đình chỉ điều tra vụ án. Cũng nhờ quyết định này, năm 2018 ông Dũng kiện Viện KSND tỉnh Tây Ninh đòi bồi thường hơn 40 tỉ đồng nhưng cuối cùng tòa Tây Ninh phán quyết bồi thường 615 triệu đồng.
Bảy người còn lại do không có quyết định đình chỉ điều tra nên vẫn mang thân phận bị can suốt 36 năm qua.
Sau khi Báo Thanh Niên có loạt bài chỉ ra những sai sót liên quan đến vụ việc, trong đó đề nghị cần phải nhanh chóng có quyết định minh oan, trả lại quyền lợi cho các nạn nhân, mới đây ngày 4.4, Viện KSND tỉnh Tây Ninh trao quyết định đình chỉ điều tra vụ án cho 7 nạn nhân còn lại. Sau khi có quyết định đình chỉ vụ án, ngày 10.4, 3 trong 7 nạn nhân là bà Võ Thị Thương, ông Hồ Long Chánh và ông Nguyễn Văn Chiến đã nộp đơn yêu cầu khôi phục danh dự và bồi thường thiệt hại do oan sai tại Viện KSND tỉnh Tây Ninh. Những người còn lại sẽ nộp đơn sau.
Trao đổi với PV sáng 12.4, ông Dũng cho hay do vướng mắc về một số thủ tục, giấy tờ nên đến thời điểm này ông chưa nhận được số tiền bồi thường 615 triệu đồngvì bị bắt oan. Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) đang yêu cầu ông Dũng bổ sung thêm một số giấy tờ liên quan việc bồi thường.