Năm nay, sinh viên Việt Nam ở MGIMO và nhân viên Trung tâm ASEAN đã tiếp cận việc tổ chức lễ hội truyền thống một cách đặc biệt cẩn thận, bởi hai lý do quan trọng: kỷ niệm 25 năm Hiệp ước các vấn đề cơ bản về quan hệ thân thiện giữa Nga và Việt Nam và Năm chéo Nga-Việt.
“Ngày hôm nay là một dịp đặc biệt: 5 năm trước, Ngày Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại MGIMO. Ngày Việt Nam ở MGIMO là nền tảng để sinh viên Nga làm quen với văn hóa Việt Nam, để trao đổi kiến thức và kinh nghiệm. Năm năm đã trôi qua và việc tổ chức Ngày Việt Nam tại MGIMO đã trở thành truyền thống” - Nguyễn Huyền Trang, chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại MGIMO cho biết.
Chương trình Ngày Việt Nam lần thứ V kéo dài trong hai ngày và tràn ngập các sự kiện rực rỡ cho mọi sở thích: thưởng thức ẩm thực Việt Nam, tìm hiểu nghi lễ trà đạo truyền thống, xem phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của Victor Vũ, xem triển lãm ảnh… Cuộc thảo luận dành cho sinh viên chuyên ngành Việt Nam học có sự tham gia của các bạn trẻ đến từ IAAS MSU, MGIMO, MGLU mang tên Maurice Thorez. Họ đã trả lời xuất sắc tất cả câu hỏi phức tạp nhất về Việt Nam và tiếng Việt.
Kết thúc chương trình kéo dài hai ngày là buổi biểu diễn âm nhạc “Muôn vẻ Việt Nam”, có sự tham gia của các sinh viên Việt Nam học tập tại các trường đại học khác nhau ở Nga. Những người biểu diễn đã làm khán giả ngạc nhiên với tài năng của họ trong lĩnh vực âm nhạc và khiêu vũ, đồng thời cũng thể hiện sự thông thạo tuyệt vời về tiếng Nga và khả năng hòa mình vào văn hóa âm nhạc Nga.
Tầm quan trọng của Ngày Việt Nam đối với quan hệ giữa hai nước chúng ta đã được các vị khách đến dự lễ hội nhiều lần ghi nhận - Đại sứ Việt Nam tại Nga Ngô Đức Mạnh, người đã thuyết trình tại Học viện, chính trị gia Nga Sergei Baburin, Giám đốc Trung tâm ASEAN Viktor Sumsky, cũng như các sinh viên Nga và Việt Nam.
Ông Viktor Sumsky ghi nhận:
“Đôi khi Việt Nam được nhắc đến như một quốc gia nhỏ bé. Đó không phải là đặc điểm mà tôi muốn đánh giá Việt Nam. Theo hiểu biết của tôi, và ngay cả trong những gì chúng ta thấy ngày hôm nay trong chương trình ca nhạc, trước hết, đây là một đất nước mạnh mẽ... Thời điểm mọi thứ đều tốt đẹp đang kết thúc. Việt Nam cũng như Nga cần phải tích lũy hành trang để vượt qua giai đoạn mới đang đến. Tôi nghĩ rằng, một trong những cách để vượt qua giai đoạn khó khăn là cùng nhau vượt qua, nhưng để cùng nhau vượt qua thì chúng ta cần phải hiểu biết lẫn nhau. Cách tốt nhất để tìm hiểu nhau là làm những gì chúng ta đã tiến hành trong những năm qua - làm một cái gì đó cùng nhau. Những người đọc báo trong giai đoạn chiến tranh Đông Dương đều nhớ điều đó, bởi vì điều đó đã được cùng nhau thực hiện. Cần có khả năng tìm tiếng nói chung, cần biết ngôn ngữ và biết về nhau, cần biết những điều hoạt động trong văn hóa như phản xạ. Trong buổi ca nhạc này, điều rất quan trọng đối với tôi là được thấy người Việt Nam cảm thấy thoải mái trong các trường đại học của chúng tôi, nói tiếng Nga tuyệt vời và cảm nhận văn hóa qua các bài hát Nga. Nói chung, tôi nhìn thấy một gợi ý tốt về tương lai của chúng ta trong tất cả những điều này.”
Thật vậy, Ngày Việt Nam lần thứ V là một minh chứng rõ ràng cho những gì được sinh viên Việt Nam và Nga cùng nhau thực hiện. Minh chứng về việc sinh viên Việt Nam biết ngôn ngữ và văn hóa Nga, sinh viên Nga quan tâm đến việc giao tiếp với người Việt Nam và mở rộng quan hệ giữa hai nước. Và nói chung, không thể không lưu ý đến xu hướng quảng bá văn hóa Việt Nam tại Nga. Sinh viên Việt Nam tại MGIMO và nhân viên Trung tâm ASEAN đã đạt điểm “tối ưu” với nhiệm vụ này.