Mở đầu bài phát biểu tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sáng nay, 9.5, Thủ tướng giao Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông xây dựng Chỉ thị, Chiến lược về phát triển doanh nghiệp công nghệ để trình Chính phủ trong tháng 6.
Nhắc lại từ đầu nhiệm kỳ năm 2016 từng yêu cầu thúc đẩy phát triển công nghệ, nhưng các bộ, ban, ngành chưa làm được, Thủ tướng tin rằng lần này, Việt Nam sẽ phát triển nếu có những doanh nghiệp toàn cầu, biết đổi mới sáng tạo và có tinh thần tự tôn dân tộc.
Thủ tướng cũng đưa ra 7 gợi mở cho phát triển các doanh nghiệp công nghệ. Đầu tiên, công nghệ là nhân tố chính cho tăng trưởng, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành nước phát triển. Muốn tăng thu nhập trung bình phải phát triển doanh nghiệp công nghệ để đến 2045, nước ta phải trở thành nước công nghiệp thịnh vượng, hơn 5% dân số ở tầng lớp trung lưu.
Song theo Thủ tướng, Việt Nam mới mua các dây chuyền công nghệ, trong khi mua lại công nghệ nguồn còn rất ít. Trong tương lai, nước ta không chỉ hấp thụ, làm chủ công nghệ mà cần phát minh, sáng chế công nghệ. Đó là con đường duy nhất dẫn đến một quốc gia hùng cường.
Doanh nghiệp công nghệ là hạt nhân để thực hiện khát vọng một dân tộc "hoá rồng". Với xu thế sôi động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và nền kinh tế số, các doanh nghiệp công nghệ có vai trò bản lề trong việc phát triển kinh tế đất nước.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, nền kinh tế dựa vào tài nguyên, nhân công giá rẻ không còn là vị thế, đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn của doanh nghiệp và nền kinh tế. Đây là một trong những động lực mới để phát triển nền kinh tế Việt Nam.
Tiềm năng cho phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam là rất lớn. Đó là con người thông minh, sáng tạo, cần cù, thị trường gần 100 triệu dân, công nghệ đi vào mọi ngõ ngách, tạo ra một quốc gia thông minh.
Ba là, cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 là cơ hội cho những ý tưởng, sáng tạo mới thay đổi nền kinh doanh. Việt Nam cần nhận thức điều đó để đối mặt. Cơ hội đến từ chính sự nỗ lực trong thách thức đó, phát huy lợi thế trong thời đại số. Cần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu nền kinh tế, chủ yếu dựa vào nhân lực công nghệ chất lượng cao.
"Việt Nam cần nhận thức được những thách thức trong thời đại số. Việt Nam dù đi sau vẫn có thể thành công nếu nắm được cơ hội, hành động cụ thể, kịp thời, hành động đồng bộ để chuyển đổi nền kinh tế", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ cùng các bộ liên quan sẽ sớm ban hành chiến lược chuyển đổi số quốc gia, nhằm tạo thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ. Muốn có doanh nghiệp công nghệ cần tạo ra thị trường.
Ông đồng ý với chủ trương thí điểm xây dựng khu công nghiệp, công nghệ sáng tạo để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, cần đổi mới giáo dục để nâng cao năng lực tiếp cận. Chính phủ sẽ đưa các vấn đề cụ thể như liên kết, kêu gọi các doanh nghiệp hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm, nghiên cứu cơ chế chính sách thu hút nhân lực nước ngoài, thúc đẩy doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số...