Các nhà phân tích của một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới Standard Chartered Bank đã rút ra kết luận này. Bloomberg đưa tin này và giới thiệu biểu đồ tăng trưởng GDP bình quân đầu người trong thập kỷ tới của năm quốc gia châu Á (Ấn Độ, Bangladesh, Việt Nam, Myanmar và Philippines) và hai quốc gia châu Phi (Ethiopia và Côte d'Ivoire) sẽ được kết nạp vào “Câu lạc bộ 7%”. Theo dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ấn tượng nhất: các chuyên gia cho rằng, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sẽ lên đến 10.400 USD vào năm 2030 từ mức khoảng 2.500 USD vào năm 2018. Bài báo lưu ý rằng, Trung Quốc đã vắng mặt trong bảng xếp hạng mới nhất sau khi là thành viên của câu lạc bộ này trong gần bốn thập kỷ. Điều này phản ánh sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, khi thu nhập bình quân đầu người của nước này tăng cao hơn và sẽ khó đạt tốc độ tăng trưởng cao như trước đây.
Chuyên gia hàng đầu của Nga về kinh tế Việt Nam, Giáo sư Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông Nga, không đồng ý với dự báo này của Ngân hàng Standard Chartered. Ông cho rằng, danh sách này bị chính trị hóa phần nào. Bây giờ Hà Nội là một đối tác quan trọng của Washington, và họ đang cố gắng tán dương Việt Nam bằng mọi cách có thể. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường, đáng lẽ điều này phải diễn ra vào năm 2018 và là một điều kiện quan trọng để Việt Nam được gia nhập WTO.
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, Giáo sư Mazyrin nói,
“Tôi tin chắc rằng, trong suốt thập kỷ tới đến năm 2030, Việt Nam sẽ không thể duy trì mức tăng trưởng 7% GDP. Vì ở Việt Nam đang diễn ra quá trình kinh tế mang tính tất yếu khách quan giống như ở Trung Quốc – tốc độ tăng trưởng chậm lại khi đất nước đạt được mức độ phát triển cao hơn. Khi thu nhập bình quân đầu người và mức lương tăng lên, sản phẩm cũng trở nên đắt đỏ hơn và các cơ sở sản xuất sẽ chuyển sang các nước khác có lao động rẻ hơn: Lào, Campuchia, Myanmar, các nơi đã cho thấy mức tăng trưởng GDP cao. Các quốc gia kém phát triển sẽ được kết nạp vào “Câu lạc bộ 7%”, còn những quốc gia thành công nhất sẽ rời khỏi câu lạc bộ này, ví dụ, hiện nay trong số các thành viên không có Malaysia, Indonesia và ngay cả Singapore. Ngoài ra, những dự báo như vậy không tính đến các chu kỳ kinh tế không thể tránh khỏi trong nền kinh tế của mỗi quốc gia và trong nền kinh tế thế giới. Tại Việt Nam, chu kỳ kinh tế là 10-11 năm, và giai đoạn 2019-2020 là đỉnh cao của nó, như tôi đã dự báo trên cơ sở nghiên cứu nền kinh tế Việt Nam trong 30 năm qua, sau đó sẽ đến giai đoạn suy giảm không thể tránh khỏi. Vì vậy, trong mười năm tới, nền kinh tế Việt Nam không thể duy trì mức tăng trưởng 7%. Mức tối đa có thể đạt được là 7,5%, và sau đó sự tăng trưởng sẽ giảm xuống còn 5 hoặc 4,5%”.
Các chuyên gia của Ngân hàng Standard Chartered dự đoán GDP bình quân đầu người Việt Nam sẽ tăng gấp bốn lần, nhiều hơn các thành viên khác của "Câu lạc bộ 7%". Giáo sư Mazyrin nghi ngờ con số này.
“Theo chuyên khảo của tôi, GDP bình quân đầu người Việt Nam từ năm 1986 đến 2017 đã tăng 26 lần, tức là gần gấp 8 lần trong một thập kỷ, mặc dù ở những giai đoạn khác nhau tốc độ tăng trưởng là khác nhau, - người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN nhận xét. - Ví dụ, trong năm 2008, Việt Nam đã lọt vào danh sách các quốc gia có thu nhập bình quân đầu người 1.000 USD. 10 năm đã trôi qua, và năm ngoái GDP bình quân đầu người Việt Nam là 2.500 USD, tức là tăng gấp 2,5 lần. Do đó, theo tôi, nói về mức tăng gấp 2,5-3 lần là khách quan hơn. GDP của Việt Nam được tính toán lại theo tỷ giá hối đoái hiện tại, năm 1990 là 31 tỷ USD, năm 2000 - 101 tỷ USD, tức là tăng gấp 3,25 lần, và trong năm 2017 - 221 tỷ USD, tức là gấp 2,2 lần. Có thể thấy rằng, tốc độ tăng trưởng GDP tăng chậm hơn GDP bình quân đầu người. Điều này được giải thích bởi thực tế là, khi xác định GDP bình quân đầu người, giá trị hàng hóa và dịch vụ sản xuất trong nước được tính toán cùng với dòng kiều hối từ nước ngoài, bao gồm cả từ những người Việt Nam đi làm ở đó. Việt Nam đứng thứ hai trên thế giới sau Philippines về dòng tiền từ đồng bào ở nước ngoài. Số tiền này bằng với số tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nền kinh tế Việt Nam, đây là một hiện tượng hiếm có, và xu hướng này sẽ tiếp tục”.
Tất nhiên, Việt Nam đã đạt được kết quả ấn tượng, Giáo sư Mazyrin nhấn mạnh. – Bài báo của Bloomberg liệt kê bốn con đường để gia nhập “Câu lạc bộ 7%”. Đây là sự phát triển nhanh chóng của ngành xuất khẩu và tham gia vào chuỗi giá trị; giai đoạn phục hồi sau suy thoái kinh tế hoặc chính trị; nền kinh tế tăng trưởng nóng, bao gồm tăng trưởng tiền hoặc sự bùng nổ của thị trường bất động sản; công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu, đặc biệt là trong ngành sản xuất. Ở những giai đoạn phát triển kinh tế khác nhau kể từ đầu thời kỳ Đổi mới, Việt Nam đã chú trọng một con đường, nhưng cả bốn con đường nêu trên đều có mặt trong nước. Có lẽ điều này đã bảo đảm kết quả nổi bật trong quá trình tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, theo báo cáo, các thành viên của "Câu lạc bộ 7%" thường có tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư ít nhất 20-25% GDP. Tại Việt Nam, con số này là 30% và cao hơn nữa. Dòng vốn từ nước ngoài được gửi vào ngành công nghiệp và ngành xây dựng cơ bản là một yếu tố quan trọng bảo đảm sự thành công của đất nước. Và dòng tiền này sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam chừng nào trong nước có các ưu thế, trong đó ưu thế chính là lao động giá rẻ. Tuy nhiên, như tôi đã nói, thu nhập bình quân của người Việt sẽ tăng, và ưu thế này sẽ cạn kiệt. Mặc dù Việt Nam vẫn duy trì những ưu thế khác như cơ sở hạ tầng được cải thiện và môi trường đầu tư thuận lợi. Ngoài ra, có những yếu tố phi kinh tế như chính sách của Tổng thống Trump dẫn đến cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, kết quả là nhiều cơ sở công nghiệp từ Trung Quốc chuyển sang Việt Nam bảo đảm dòng đầu tư bổ sung.
Theo các tác giả nghiên cứu, ngoài Việt Nam, trong danh sách các thành viên “Câu lạc bộ 7%” sẽ có thêm hai quốc gia Đông Nam Á - Philippines và Myanmar. Giáo sư Mazyrin cho rằng, hai nước này cũng sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì mức tăng trưởng cao như vậy. Có hai lý do cho điều này. Tất cả các nền kinh tế của Đông Nam Á đều gắn chặt với Trung Quốc, và suy thoái kinh tế của Trung Quốc chắc chắn sẽ gây ra những khó khăn cho các nền kinh tế của Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng của họ sẽ chậm lại. Trụ cột và động cơ thứ hai của nền kinh tế Đông Nam Á là thị trường Mỹ. Các chuyên gia Nga về Đông Nam Á, kể cả ông Viktor Sumsky, Giám đốc Trung tâm ASEAN thuộc Học viện MGIMO, đều cho rằng, với các chính sách mà Tổng thống Trump theo đuổi hiện nay, các nước ASEAN sẽ không thể duy trì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Chính sách bảo hộ, cuộc chiến thương mại và các biện pháp trừng phạt không tạo điều kiện cho sự tăng trưởng “bùng nổ” ở khu vực này trên thế giới.