Hiệu trưởng trường chuyên Lê Hồng Phong TP HCM bị bác đơn xin thôi việc
Theo đó, ông Trung cho biết ngày 16.5, Sở GD-ĐT TP.HCM nhận được đơn xin nghỉ việc của Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là bà Nguyễn Thị Yến Trinh. Bà Trinh xin nghỉ việc sau khi kết thúc nhiệm vụ 5 năm đảm trách chức vụ hiệu trưởng trường này vào tháng 9.2019 với lý do sức khỏe và chỉ còn 2 năm nữa là đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ.
Sau khi nhận được đơn của bà Yến Trinh, vào chiều hôm qua 20.5, Ban thường vụ Đảng ủy Sở đã có phiên họp và kết luận: Không nhất trí với đơn xin nghỉ việc của hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và sẽ làm việc trực tiếp với bà Trinh cùng tập thể Chi bộ, Ban giám hiệu nhà trường trong thời gian tới.
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Huỳnh Long, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay theo quy trình bổ nhiệm cán bộ quản lý, trước thời điểm kết thúc nhiệm kỳ từ 1 đến 3 tháng, các cá nhân phải hoàn tất hồ sơ xin tái bổ nhiệm để cơ quan quản lý thực hiện công tác về nhân sự. Tuy nhiên, hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong không nộp hồ sơ tham gia quá trình xét tái bổ nhiệm.
Được biết, bà Nguyễn Thị Yến Trinh là vợ của ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, được bổ nhiệm giữ chức vụ hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong từ tháng 8.2014 sau khi kết thúc nhiệm kỳ hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5).
Mới đây, vào tháng 3.2019, sau khi thực hiện công tác chuyên môn, Thanh tra TP.HCM kiến nghị Chủ tịch UBND TP yêu cầu ông Lê Hồng Sơn kiểm điểm trách nhiệm những người liên quan đến việc cử cán bộ tham dự lớp bồi dưỡng ở Đức năm 2018 không đúng quy định. Trong danh sách này có bà Yến Trinh đã đi công tác nước ngoài 2 lần trong năm và vi phạm quy định của UBND TP.
Trước khi xin nghỉ việc, Hiệu trưởng trường Lê Hồng Phong từng đi nước ngoài sai quy định
VTC News cho biết, ngày 20/5, lãnh đạo Trường Trung học Phổ thông chuyên Lê Hồng Phong (Quận 5, TP.HCM) cho biết, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Yến Trinh vừa bày tỏ nguyện vọng xin từ chức tại cuộc họp Hội đồng sư phạm của trường, với lý do là sức khỏe không đảm bảo và mong cơ hội cho nhiều người trẻ thể hiện bản thân.
Đầu năm 2019, Thanh tra TP.HCM có kết luận 2 thành viên của Sở GD&ĐT được cử đi nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước trái quy định này là ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT và bà Nguyễn Thị Yến Trinh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.
Cuối năm 2018, UBND TP.HCM và Thanh tra thành phố nhận được đơn tố cáo có nội dung Sở GD&ĐT cử thành viên dự lớp bồi dưỡng kỹ năng quản lý và nâng cao chất lượng trường công ở Đức không công khai, minh bạch về tiêu chí lựa chọn.
Quá trình xác minh, Thanh tra thành phố xác định Sở GD&ĐT TP.HCM cử thành viên tham dự lớp bồi dưỡng ở Đức năm 2018 có sai sót. Cụ thể, trong danh sách những thành viên được cử đi dự lớp bồi dưỡng ở Đức có 2 người đã đi nước ngoài bằng ngân sách đến 2 lần.
Thanh tra thành phố xác định, Sở GD&ĐT đã tự thêm tiêu chí lựa chọn thành viên tham dự lớp bồi dưỡng gồm: "Đứng đầu điểm thi đua xét theo từng khối" và "Ưu tiên các đơn vị vùng sâu, vùng xa". Các tiêu chí này không nằm trong điều kiện tham dự do Sở Nội vụ TP.HCM ban hành.
Sở GD&ĐT cũng không công khai tiêu chí lựa chọn thành viên tham dự lớp bồi dưỡng để các cán bộ, công chức, viên chức có liên quan được biết và góp ý.
Giải trình về việc này, Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng do thời gian Sở Nội vụ yêu cầu lập danh sách tham dự lớp bồi dưỡng quá ngắn, đơn vị chưa kịp thực hiện công khai tiêu chí lựa chọn thành viên đi nước ngoài.
Trước những sai sót trên, Thanh tra thành phố đã kiến nghị Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong giao Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM kiểm điểm nghiêm túc, xác định cụ thể trách nhiệm của các cá nhân tham mưu và của lãnh đạo Sở có liên quan đến vụ việc trên, tránh để xảy ra trường hợp tương tự.