Chia sẻ quan điểm của bản thân, ông Chiểu cho biết trong vài năm qua, chính sách điều hành tiền tệ của Chính phủ chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn một là lạm phát tăng phi mã nợ xấu tăng chóng mặt, nợ công tăng đột biến, yếu kém trong điều hành chính sách tiền tệ.... Nó được thể hiện qua một số lĩnh vực cụ thể.
Tín dụng: Với tín dụng trong nước, giai đoạn này tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá, lấy tăng trưởng tín dụng làm mục đích, chỉ tiêu phấn đấu, làm tiêu chí đánh giá. Với tín dụng nước ngoài thì vay được thì cứ vay, mai sau trả. Như vậy, giai đoạn này có một khối lượng tiền khổng lồ bơm vào nền kinh tế.
Thành lập ồ ạt các tổ chức tín dụng: Trong một thời gian ngắn, Chính phủ đã cho thành lập hàng chục tổ chức tín dụng khác nhau.
Chính sách tiền tệ: Nặng về hành chính, thiếu thậm chí phi thị trường, nâng vốn điều lệ đột ngột, đánh giá tài sản không khách quan, áp đặt trong việc mua ngân hàng 0 đồng….
Đề cập đến giai đoạn thứ hai là giai đoạn hiện nay, ông Chiểu nhấn mạnh: "Kinh tế vĩ mô ổn định và phát triển, lạm phát được kiềm chế. Đặc biệt từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, điều hành chính sách tiền tệ của chính phủ có nhiều năng động, linh hoạt, đáp ứng tốt cơ chế thị trường…".
Vị Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cũng trình bày những khí cạnh mà ông nhận thấy là hiệu quả rõ rệt và có tác động to lớn.
Cung ứng tín dụng: Chính phủ điều hành cung ứng đủ xong gắn chặt với vốn tín dụng, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Tín dụng hiện nay là chất lượng, an toàn và hiệu quả. Chính phủ cũng tập trung chỉ đạo quyết liệt dẹp tín dụng đen, thúc đẩy thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt.
Điều hành lãi suất: Trong bối cảnh xuất hiện nhiều áp lực tăng lãi suất, chẳng hạn như Chiến tranh Thương mại Mỹ - Trung, Chính phủ vẫn chỉ đạo các ngân hàng thương mại có phương án ổn định lãi suất.
Điều hành tỷ giá và thị trường vàng: Chính phủ chỉ đạo NHNN điều hành tỷ giá trung tâm nên thị trường ngoại tệ có thể thích ứng được với các cú sốc phát sinh, giảm thiểu tác động bất lợi tới tỷ giá.
Vị ĐBQH cũng đưa ra một số đề xuất cụ thể. Thứ nhất, sớm và nhanh chóng giảm lãi suất cho vay; thứ hai, cần sớm có phương án huy động ngoại tệ và vàng trong dân bởi hàng năm, nước ta phải đi vay nhiều tỷ USD với lãi suất cao. Cuối cùng NHNN cần xem lại một số đề xuất có thể gây cản trở việc sử dụng ví điện tử và không dùng tiền mặt.