Nhóm G20 đã được thành lập vào cuối những năm 1990 để phản ứng với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Hiện nay G20 là Diễn đàn thảo luận không chỉ các vấn đề kinh tế mà cả các vấn đề chính trị quan trọng nhất trong đời sống quốc tế.
Đây lần đầu tiên Nhật Bản tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20 và có quyền mời khách với tư cách nước chủ nhà. Việt Nam là 1 trong 8 nước khách mời đặc biệt của Nhật Bản. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham gia tích cực vào cuộc thảo luận về các vấn đề được đưa vào chương trình nghị sự. Và trong chương trình nghị sự của Hội nghị G20 tại Osaka có những vấn đề mà Việt Nam rất quan tâm, ví dụ như cải cách quản lý nền kinh tế toàn cầu, phát triển kinh tế số và bảo vệ môi trường. Việt Nam có thể chia sẻ những kinh nghiệm và đề xuất những sáng kiến về tất cả những vấn đề này.
Việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham gia Hội nghị thượng đỉnh G20 cho thấy rõ không chỉ mối quan hệ đặc biệt giữa Nhật Bản và Việt Nam, mà còn đánh giá cao vị trí Việt Nam trên vũ đài thế giới.
Nhật Bản là nước đóng góp chính cho Việt Nam theo chương trình Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA). Các khoản đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào nền kinh tế Việt Nam đạt 57,4 tỷ USD, và Tokyo lên vị trí thứ hai trong danh sách các nhà đầu tư nước ngoài chính tại Việt Nam. Một động lực lớn cho sự phát triển quan hệ thương mại và kinh tế giữa hai nước là sự tham gia của họ trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Quan hệ đặc biệt giữa hai quốc gia tạo điều kiện cho sự trao đổi chặt chẽ. Việt Nam là một trong những địa điểm yêu thích nhất của khách du lịch Nhật Bản, và 330 nghìn người Việt đang học tập và làm việc tại nước Nhật. Tokyo hỗ trợ Hà Nội trong việc đảm bảo an toàn, an ninh và tự do hàng hải ở Biển Đông không chỉ về mặt ngoại giao, mà còn cung cấp cho Hải quân Việt Nam các tàu tuần tra.
Ông Dmitry Mosyakov, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Úc và Châu Đại Dương thuộc Viện Phương Đông học của Viện Hàn lâm Khoa học Nga nói với Sputnik rằng, Hà Nội và Tokyo có mối quan hệ thực sự đặc biệt.
Tokyo đang tìm kiếm đồng minh để chống lại Bắc Kinh. Theo quan điểm của Nhật Bản, ở châu Á có hai đồng minh đáng tin cậy, đó là Việt Nam và Ấn Độ - hai quốc gia với nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng và quân đội hùng mạnh có những tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Theo tôi, chúng ta đang chứng kiến thành công lớn của Việt Nam, nước thực thi chính sách đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế. Những cầu thủ chủ chốt trên trường quốc tế - Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU, Nga – tất cả đều muốn phát triển quan hệ toàn diện với Việt Nam. Và các nhà lãnh đạo Việt Nam khôn ngoan duy trì sự cân bằng giữa các cầu thủ, tiếp tục thực thi chính sách "ba không" và sử dụng tình hình hiện nay để phát triển kinh tế và tăng cường củng cố quốc phòng. Một bằng chứng rõ rệt cho uy tín cao của Hà Nội trên trường quốc tế là việc Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an với số phiếu ủng hộ kỷ lục”.
Trong những năm gần đây, Việt Nam cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế cao ổn định. Các chuyên gia quốc tế lưu ý rằng, nhịp độ tăng trưởng GDP của Việt Nam gây ấn tượng mạnh trong khi nền kinh tế các nước láng giềng ở khu vực Đông Nam Á suy giảm tăng trưởng. Bây giờ Việt Nam đang tận hưởng những lợi ích từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Nhưng, như các nhà lãnh đạo Việt Nam và các chuyên gia lưu ý, những lợi ích này là ngắn hạn. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa lên tiếng chỉ trích Việt Nam - “Việt Nam thậm chí đối xử với Mỹ còn tệ hơn Trung Quốc”, và Hoa Kỳ có thể tăng thuế quan lên hàng hóa Việt Nam. Để sự tăng trưởng kinh tế trở thành một xu hướng dài hạn, nền kinh tế Việt Nam cần phải thực hiện những thay đổi nghiêm trọng, ban lãnh đạo Việt Nam hiểu rõ điều đó và đang làm việc theo hướng này.
Nếu Việt Nam tiếp tục phát triển với nhịp độ cao như hiện nay, thì không còn xa thời gian khi Việt Nam không chỉ là khách mời đặc biệt mà sẽ tham gia câu lạc bộ các nền kinh tế phát triển và mới nổi với tư cách thành viên chính thức.