Nội dung Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019 gồm những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển của doanh nghiệp cả nước và các địa phương giai đoạn 2016 – 2018.
Sách gồm 4 phần: bối cảnh phát triển của doanh nghiệp năm 2018, tổng quan phát triển doanh nghiệp Việt Nam năm 2018 và giai đoạn 2016 – 2018, các giải pháp phát triển doanh nghiệp, bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển doanh nghiệp năm 2018 và giai đoạn 2016 – 2018 (toàn quốc), bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển doanh nghiệp năm 2018 và giai đoạn 2016 – 2018 (địa phương).
Dự kiến, ngày 22/7/2019, ấn phẩm Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019 sẽ được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng cục Thống kê.
Ngày 1/8/2019, bản in ấn phẩm Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019 sẽ được phát hành.
Phát biểu tại lễ công bố, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 là bức tranh đầy đủ về bối cảnh, tổng quan sự phát triển của tất cả các loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam trong năm 2018.
"Cuốn sách sẽ giúp các cơ quan hoạch định chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển bền vững và hiệu quả khối doanh nghiệp trên phạm vi cả nước và từng địa phương. Đồng thời, cuốn sách cũng sẽ là các tài liệu quan trọng cho các cơ quan nghiên cứu, tài liệu tham khảo cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong phân tích thị trường, tìm hiểu cơ hội đầu tư", Bộ trưởng nói.
Theo nội dung của Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019, tính đến ngày 31/12/2018, cả nước có 714.755 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 9,2% so với cùng kì năm trước. Theo địa phương, có 26/63 địa phương có tốc độ tăng doanh nghiệp đang hoạt động thời điểm 31/12/2018 so với năm 2017 cao hơn bình quân cả nước như: Bình Dương, Bắc Giang, Sóc Trăng, Long An, Hưng Yên…;
37/63 địa phương có tốc độ tăng doanh nghiệp đang hoạt động thời điểm 31/12/2018 so với năm 2017 thấp hơn mức bình quân cả nước như: Hà Giang, Bắc Cạn, An Giang, Cà Mau…
Xét mật độ doanh nghiệp đang hoạt động bình quân trên 1000 dân trong độ tuổi lao động, năm 2018, bình quân cả nước là 14,7 doanh nghiệp. Có 8/63 địa phương có mật độ cao hơn bình quân cả nước gồm: TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng…; có 55/63 địa phương có mật độ doanh nghiệp thấp hơn mức bình quân gồm: Hà Giang, Sơn La, Bắc Cạn, Tuyên Quang…
Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh do ngành Thống kê điều tra, cập nhật vào thời điểm 31/12/2017 trên phạm vi cả nước là 560.417 doanh nghiệp, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xét theo khu vực kinh tế, tại thời điểm 31/12/2017, khu vực dịch vụ có số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh nhiều nhất với 390.765 doanh nghiệp, tăng 10,3% so với cùng kỳ; khu vực công nghiệp xây dựng có 164.189 doanh nghiệp, tăng 12,2%; khu vực nông lâm ngư có 5.463 doanh nghiệp, tăng 22,8%.
Xét theo loại hình doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp nhà nước có 2.486 doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có 541.753 doanh nghiệp, khu vực FDI có 16.178 doanh nghiệp.
Có 20/63 địa phương có tốc độ tăng số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh tại thời điểm 31/12/2017 so với thời điểm 31/12/2016 thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, gồm: Kon Tum, Yên Bái, Lai Châu, Hậu Giang…
Về lao động, tại thời điểm 31/12/2017, tổng số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh là 14,51 triệu người, tăng 3,6% so với cùng thời điểm năm 2016.
Xét theo loại hình doanh nghiệp, tại thời điểm 31/12/2017, số lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp nhà nước là 1,2 triệu người, chiếm 8,3% lao động toàn bộ khu vực doanh nghiệp, giảm 6,5% so với năm 2016; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước hiện thu hút nhiều lao động nhất với 8,8 triệu lao động, chiếm 60,6%, tăng 2,7%; khu vực doanh nghiệp FDI thu hút 4,5 triệu lao động, chiếm 31,1%, tăng 8,6%.