Mới đây, tổ chức Oxfam đã đưa ra hàng loạt các con số từ các nghiên cứu khoa học cho thấy nhiều người lao động đang có cuộc sống rất khó khăn vì mức thu nhập quá thấp. Cụ thể, một nghiên cứu mới đây của tổ chức này cho thấy có đến 53% người lao động được khảo sát không có đủ tiền trang trải chi phí khám chữa bệnh và thuốc men, không dám đi khám bệnh; 10% công nhân bày tỏ khó khăn về quyết định sinh con. 20% không đủ tiền để mua đồ dùng học tập cho con cái. 37% luôn trong tình trạng vay nợ bạn bè để bù đắp những thiếu hụt trong chi tiêu.
Thế nhưng, theo ông Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện công nhân công đoàn (Tổng LĐLĐ VN) - người nhiều năm công tác, nghiên cứu về các vấn đề công nhân, công đoàn, thực tế đời sống công nhân hiện nay còn nhiều câu chuyện chua chát hơn thế.
"Chỉ cần đến khu công nghiệp Bắc Thăng Long đã thấy được sự tha hóa của một bộ phận người lao động. Họ có thể bán linh hồn, làm nô lệ cho đồng tiền, sẵn sàng chửa đẻ thuê. Nếu như trước kia hiện tượng này chỉ có ở phía Nam thì nay đã có ở cả miền Bắc.
Không thể trách họ, chính những người làm việc trong lĩnh vực lao động, việc làm cũng cần nhìn lại. Con số 12.000 USD cho một lần "đẻ thuê" không phải là nhỏ. Khi không có tiền, họ sẵn sàng bất chấp mọi thứ. Nhiều người nói, em có làm cả đời cũng chẳng tích được số tiền như thế này.
Vấn đề suy cho cùng là tiền lương, lương không đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao đông, đẩy họ vào con đường cùng. Nếu như mức lương đảm bảo cho người lao động mức sống tối thiểu, thì xã hội đã khác", ông Thọ chua xót nói.
Nguyên Viện trưởng Viện công nhân công đoàn cho rằng, hiện nay cách tính lương tối thiểu căn cứ vào mức dãn cách tối thiểu giữa mức sống tối thiểu và mức lương tối thiểu, sự tăng trưởng của nền kinh tế và chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng GDP cao, khoảng 7%, chỉ số CPI duy trì ở mức xấp xỉ 4%. Trong khi nền kinh tế tăng trưởng cao, nhưng mỗi kỳ tiền lương chỉ tăng lên hơn 100.000 đồng, "chỉ hơn 1 gói kẹo Thái".
Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó chủ tịch Công đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội cũng thừa nhận, qua khảo sát của đơn vị này trên địa bàn Hà Nội thì đúng là nhiều doanh nghiệp có chi trả lương cho người lao động trên mức lương tối thiểu vùng, song thực tế đời sống của người lao động vẫn chồng chất khó khăn.
Đó là gánh nặng về nhiều loại chi phí như nhà ở, nhà trẻ, nuôi con… Trong khi đó, hiện Hà Nội có 9 khu công nghiệp, tập trung nhiều lao động ngoại tỉnh nhưng chỉ duy nhất một khu công nghiệp có nhà trẻ, hầu hết công nhân phải gửi con ngoài với chi phí đắt đỏ hơn.
"Nhiều công nhân phải thuê trọ trong các phòng chỉ vỏn vẹn 10m2, kê vừa cái lát giường, nhưng cũng ưu tiên cho mẹ già từ quê lên bế con. Cả gia đình sống thế nào. Nhiều người lựa chọn làm thêm ngày đêm, chỉ để đỡ bữa ăn, đỡ tiền điện ở nhà và để tránh nóng", ông Thắng nói.
Không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của công nhân, theo nghiên cứu của tổ chức Oxfam, lương thấp cũng là nguyên nhân của phần lớn các tranh chấp lao động và đình công ở Việt Nam hiện nay, khiến quan hệ lao động thêm phần phức tạp.