Cách đây hai ngày, Nguyễn Ngọc K.B. (9 tháng tuổi) trú tại xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ được người thân đưa đến Trạm Y tế xã tiêm phòng vaccine ComBE Five mũi 2 và uống vaccine phòng chống bệnh bại liệt.
Sau khi tiêm, sức khỏe của bé bình thường. Đến tối cùng ngày, bé bất ngờ bị sốt cao. Nghĩ con bị sốt sau tiêm là bình thường nên bố mẹ cho uống lá diếp cá, dán băng hạ sốt.
Đến sáng 11/7, K.B vẫn bú sữa mẹ bình thường. Sau đó, K.B bị tím tái và co giật. gia đình đưa bé đến Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ cấp cứu, nhưng bé không qua khỏi.
Ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Nghệ An khẳng định: "Trong 5 năm qua, địa phương chưa ghi nhận trường hợp trẻ chết do chất lượng vaccine".
Cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ nguyên nhân.
TP. HCM: Xuất hiện 2 trường hợp đầu tiên phản ứng vắc xin Com Be Five
Theo báo Công luận, đây là thông tin chính thức được công bố tại Hội nghị giao ban công tác y tế dự phòng tháng 7 vào chiều qua 9/7. Theo đó, công tác cảnh báo đã được đưa ra với các cơ sở tiêm chủng về vấn đề nâng cao công tác phòng vệ cho những trường hợp phản ứng mạnh với vắc xin Com Be Five.
Trường hợp 2 trẻ bị biến chứng nặng phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch sau khi tiêm vắc xin Com Be Five tại trạm y tế được xác định: 1 trẻ tiêm tại trạm y tế phường Bình Chiểu (quậnThủ Đức) và 1 trẻ tiêm tại Trạm y tế phường Sơn Kỳ (quận Tân Phú).
Đối với trẻ tiêm Com Be Five tại Trạm y tế phường Bình Chiểu là bé gái M.L.P.T. (3 tháng tuổi). Bé gái này ngoài tiêm vắc xin Com Be Five còn uống vắc xin OPV lần thứ nhất. Sau khi tiêm vắc xin, bé được theo dõi tại trạm y tế này 30 phút và không phát hiện bất thường nên người nhà đưa bé về nhà.
Tuy nhiên sau hơn 2 giờ sau khi tiêm chủng, bé gái M.L.P.T. đã khóc thét, tím tái và lịm đi nên người nhà đã đưa bé trở lại trạm y tế. Tại đây, bé được bác sĩ của trạm y tế khám và xử trí Adrenaline theo phác đồ xử trí phản vệ của Bộ Y tế. Tuy nhiên do lo ngại với trường hợp của bé, nhân viên Y tế tại trạm Y tế đã báo ngay cho Bệnh viện quận Thủ Đức điều xe cấp cứu đưa bé T. đến bệnh viện để theo dõi và điều trị.
Đặc biệt, trường hợp trẻ tiêm vắc xin Com Be Five bị nguy kịch xảy ra tại Trạm y tế phường Sơn Kỳ (quận Tân Phú) là bé trai H.T.T. (2 tháng tuổi). Bé trai này tiêm vắc xin vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 26/6. Sau khi tiêm chủng, bé được theo dõi 30 phút tại trạm y tế, nhưng không phát hiện bất thường nào.
Tuy nhiên sau khi về nhà được 3 tiếng đồng hồ, bé trai này khóc nấc, khó thở, da xanh tím rồi tím tái, lịm đi nên bé cũng được đưa trở lại trạm y tế. Tại đây, các bác sĩ, điều dưỡng đã kịp thời cấp cứu theo phác đồ phản vệ của Bộ Y tế rồi chuyển bé đến ngay Bệnh viện Tân Phú để điều trị.
Sau sự nỗ lực điều trị của các bác sỹ tại 2 bệnh viện trên, cho đến hiện tại cả 2 bệnh nhi trên đã ổn định và khỏe mạnh trở lại.
Ngay sau khi xảy ra 2 trường hợp bị tai biến nghiêm trọng trên, Hội đồng chuyên môn Sở Y tế TP. HCM đã họp và đánh giá nguyên nhân gây ra tai biến này là do phản ứng phản vệ độ III xảy ra sau khi tiêm vắc xin Com Be Five. Hội đồng chuyên môn cho rằng, cả 2 cơ sở tiêm chủng trên đã phát hiện và xử lý kịp thời đúng phác đồ sốc phản vệ của Bộ Y tế và điều chuyển bệnh nhi đến cơ sở có đủ thiết bị y tế, chăm sóc kỹ lưỡng nên 2 bé đã nhanh chóng được phục hồi.
Tính từ tháng 2/2019 đến nay, TP. HCM đã triển khai tiêm vắc xin Com Be Five được 40.117 mũi, trong đó có 16.891 mũi 1, 13.830 mũi 2 và 9.396 mũi 3. Ngoài 2 trường hợp bị phản ứng nặng, nguy kịch thì có 1.976 trường hợp phản ứng nhẹ thông thường sau khi tiêm, chiếm tỷ lệ 4,9% tương đương với tỷ lệ lâm sàng.
Tuy nhiên, qua đây cũng thấy được việc phản ứng với vắc xin Com Be Five cũng cần được các cơ sở tiêm chủng, y tế lưu ý để phổ biến phác đồ sốc phản vệ của Bộ Y tế cho nhân viên, bác sĩ để có thể kịp thời can thiệp xử lý tránh những trường hợp tương tự.
Đặc biệt, các bà mẹ có con nhỏ khi tiêm vắc xin này cũng cần lưu ý cẩn trọng theo dõi tình trạng của con em mình, trong những trường hợp cần thiết cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để có sự trợ giúp, can thiệp của bác sĩ để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.
Cha mẹ theo dõi các phản ứng đặc trưng trong 1-2 ngày sau tiêm, khi thấy trẻ có các dấu hiệu sau cần đưa các cháu đến cơ sở y tế gần nhất (chú ý cơ sở gần nhất):
- Trẻ có khó thở
- Trẻ có tím tái
- Trẻ bú ít
- Khóc thét (đây là phản ứng rõ với thành phần độc tố trong văcxin ho gà)
- Trẻ có dấu hiệu nằm li bì, không chơi vui như bình thường (có thể là dấu hiệu của giảm trương lực cơ)
- Khóc dai dẳng kéo dài trên 3 giờ.
Ngoài ra, các dấu hiệu như sốt dưới 38 độ C, trẻ có quấy khóc, đau tại chỗ tiêm là các phản ứng khá thường gặp sau tiêm văcxin này.