Vào ngày 17/7, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ ký kết thỏa thuận dự án "Hệ thống thông tin viễn thám và bảo hiểm cây trồng tại các nền kinh tế mới nổi - giai đoạn 3" (RIICE), như báo Tin Tức cho hay.
Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ (SDC) sẽ tài trợ không hoàn lại 365.000 Franc Thụy Sỹ (khoảng 365 nghìn đô la Mỹ) , tương đương 82% tổng giá trị dự án, nhằm thực hiện những bước cuối cùng để thể chế hóa và tích hợp RIICE vào hệ thống theo dõi canh tác và sản xuất lúa chính thức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đóng góp 18% kinh phí dự án.
Trong hai giai đoạn trước, các đối tác nước ngoài và trong nước đã thực hiện thử nghiệm và hiệu chỉnh các thông số. Tại Việt Nam, Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp (NIAPP) và Đại học Cần Thơ (CTU) đã thực hiện đo đạc và xác thực tại hiện trường, cũng như xử lý số liệu tại hai vựa lúa chính của Việt Nam là Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long.
Các đối tác Thụy Sĩ nói gì?
Đại sứ Liên bang Thụy Sỹ tại Việt Nam, bà Beatrice Maser Mallor cho biết, các đối tác trong nước đã nắm được nghiệp vụ kỹ thuật và sử dụng công nghệ tiên tiến như công nghệ viễn thám và điện toán đám mây nhằm hỗ trợ các bên liên quan trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo, mà trước hết là các nông dân sản xuất nhỏ.
"Với công nghệ này, các cơ quan trong ngành nông nghiệp có thể tiếp cận số liệu chính xác, khách quan và kịp thời để từ đó có thể nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo và nhất là tăng cường trong quản lý rủi ro thiên tai.", bà Beatrice Maser Mallor cho biết.
RIICE là gì?
RIICE là một chương trình đối tác công - tư do SDC và Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức (BMZ) tài trợ nhằm áp dụng công nghệ vào hỗ trợ bảo hiểm cây trồng cho đối tượng nông dân.
RIICE được thực hiện bởi liên danh gồm: Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI), Cơ quan Phát triển Quốc tế Đức (GIZ), Công ty Sarmap của Thụy Sỹ, SDC và Swiss Re.
Từ năm 2013, SDC đã hỗ trợ thực hiện dự án RIICE tại các nước sản xuất lúa gạo chính trong khu vực như Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.
RIICE hoạt động như thế nào?
RIICE sử dụng tín hiệu vệ tinh được cung cấp miễn phí để từ đó tạo ra và cung cấp các thông tin hữu ích cho các cơ quan liên quan như: bản đồ diện tích canh tác lúa, số liệu về diện tích lúa, năng suất lúa… Nhờ các số liệu này, các cơ quan liên quan có thể dễ dàng theo dõi thực trạng sản xuất lúa.
Các bản đồ theo dõi thảm họa như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn… sẽ giúp nông dân và chính quyền địa phương phản ứng kịp thời và hiệu quả hơn.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đánh giá, dự án đã giúp nông nghiệp Việt Nam thúc đẩy hơn nữa tái cơ cấu nông nghiệp với một công nghệ mới, tiên tiến nhất, đặc biệt trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.
Giai đoạn 3 của dự án hướng tới cải tiến hệ thống theo dõi sản xuất lúa và năng lực quản lý của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua thể chế hóa công nghệ như: xây dựng quy trình, công cụ, các sản phẩm áp dụng công nghệ viễn thám trong sản xuất lúa và triển khai chương trình bảo hiểm cây trồng của Việt Nam.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tin tưởng, với thành công của hai giai đoạn trước của dự án cùng với sự quan tâm hỗ trợ của các đối tác trong và ngoài nước, giai đoạn 3 sẽ được thực hiện thành công.
Xuất khẩu gạo Việt Nam
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN-PTNT), khối lượng gạo xuất khẩu tháng 6 năm 2019 ước đạt 625 nghìn tấn với giá trị đạt 275 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 3,39 triệu tấn và 1,46 tỷ USD, giảm 2,8% về khối lượng và giảm 19% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Tính trong 5 tháng đầu năm, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 35,7% thị phần, với giá trị 423,3 triệu USD và khối lượng 1,06 triệu tấn, gấp 4 lần về khối lượng và gấp 3,4 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2019 đạt 429 USD/tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2018.
Ngoài thị trường Phillipines, nhìn chung, xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2019 gặp khó khăn về thị trường, đặc biệt là tại các thị trường lớn, truyền thống như Trung Quốc, Indonesia, Bangladesh.