Vụ sai phạm trong công tác tổ chức, chấm thi ở kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn… được đánh giá là nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.
Trong quá trình điều tra, 19 cán bộ ngành giáo dục bị bắt tạm giam và khởi tố. Nhiều vị can trong số này đã bị khai trừ khỏi đảng. Không chỉ có các vị can, nhiều người khác cũng bị cảnh cáo, khiển trách và khai trừ khỏi đảng. Có tới 347 bài thi của 222 thí sinh bị can thiệp điểm.
Hiện một số lượng học sinh gian lận điểm đã bị cho thôi học tại các trường đại hoc, cao đẳng.
Sơn La đã xử lý gian lận thi cử
Vụ việc “đáng hổ thẹn” liên quan đến việc mua, nâng điểm thi ở hai tỉnh này ít nhiều cũng đã được xử lý nghiêm. Ngoài khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với những kẻ trực tiếp tham gia sửa, lên điểm thi cho thí sinh, các cơ quan chức năng cũng đã thi hành kỷ luật đối với cả Giám đốc Sở Giáo dục và Đào ại, cán bộ dưới quyền, các ngành có liên quan đến vụ gian lận thi cử năm 2018.
Theo đó, Ủy Ban Kiểm Tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phạm Văn Thủy- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Sơn La.
Sai phạm trong kỳ thi vừa qua là không thể chối cãi: sau khi kết thúc đợt điều tra đầu tiên, ngày 23/3/2019 Cơ quan điều tra đã công bố kết quả. Có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm bị “hạ điểm”. Có thi sinh giảm tới 26,55 điểm sau khi chấm lại ba môn và 1 bài môn toán của thí sinh giảm đến 9 điểm.
Ông Đinh Hải Sơn (cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, công an tỉnh Sơn La) đã bị tước danh hiệu thiếu tá và bị khởi tố. Tất cả các bị can đều bị khởi tố về Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ, quy định tại điều 356 Bộ Luật Hình Sự năm 2015.
Ngày 28/5 theo lời ông Hoàng Quốc Khánh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm Tra tỉnh ủy Sơn La khẳng định, ông Trần Xuân Yến, Phó GĐ Sở GD&ĐT Sơn La đã bị khai trừ khỏi Đảng cùng 7 nghi can khác vì sai phạm nghiêm trọng trong kỳ thi. Đồng thời cũng có công văn yêu cầu thực hiện nghiêm quy định “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên”, trong việc xem xét, kiểm điểm cán bọ, đảng viên liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018.
Chủ tịch Sơn La cũng chỉ đạo “chưa xem xét đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu cán bộ ứng cử, khen thưởng bổ sung quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ công chức, viên chức có liên quan đến việc nâng điểm cho thí sinh kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La khi chưa có kết luật của cơ quan có thẩm quyền”.
Ngày 26.6.2019, ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc sở GD&ĐT Sơn La bị cách hết tất cả chức vụ trong Đảng. Khoảng 1 tuần sau, ông này cũng bị từ chối đơn xin nghỉ hưu, chờ kết luận sai phạm của cơ quan điều tra.
Gian lận thi cử ở Hòa Bình
Về phần mình, sau khi bị phát hiện có sai phạm trong kỳ thi THPT năm 2018 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra, công an tỉnh Hòa Bình đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại tỉnh Hòa Bình, Mục đích là để điều tra sửa điểm tại đây. Cùng ngày, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định chuyển vụ án hình sự đến Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an để điều tra.
Ông Đỗ Mạnh Tuấn- Phó Hiệu trưởng trưởng Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy và ông Nguyễn Khắc Tuấn- Chuyên viên phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT tỉnh đã bị khởi tố, bắt tạm giam và khám xét nơi ở.
Ngày 14/9/2018, Cơ quan An ninh Bộ Công an đã quyết định khởi tố, bắt giam bị can đối với Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng KT&QLCL, Sở GD&ĐT Hòa Bình. Tất cả đều bị truy tố về Tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Ông Nguyễn Đức Lương- Phó GĐ Sở GD&ĐT, bà Đinh Thị Hường- Phó GĐ Sở GD&T, ông Nguyễn Thành- Phó GĐ Công an tỉnh Hòa Bình, Phó trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
Ủy Ban Kiểm tra tỉnh cũng đã chỉ ra 5 cán bộ “mua điểm” cho con:
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giám đốc Sở khoa học và công nghệ, Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh, Giám đốc Công ty Bảo Việt Hòa Bình, nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải. Xác định phụ huynh thí sinh và các lãnh đạo trên đã vi phạm Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, Ủy ban Kiểm tra tỉnh đã yêu cầu Ban Thường vụ Đảng Ủy khối các cơ quan tỉnh, các đảng ủy liên quan chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện quy trifnhm xem xét, thi hành kỷ luật Đảng các cá nhân theo thẩm quyền, báo cáo kết quả trước ngày 10/8/2019.
Có thể nói, dù sai phạm chưa bị xử lý hết, các hình thức kỷ luật đối với những cán bộ đã mua/nâng điểm cho thí sinh ở Sơn La, Hòa Bình vẫn chưa thực sự phản ánh đúng hiện trạng cũng như đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và công luận nhưng phần nào, cơ quan chức năng cũng đã ra án kỷ luật đối với quan chức đứng đầu các tỉnh, các ngành, những người chịu trách nhiệm lớn nhất để xảy ra tiêu cực, tạo hiệu ứng răn đe, cảnh tỉnh.
Trong khi đó ở Hà Giang, mọi thứ vẫn yên ắng một cách lạ thường.
Hà Giang xử gian lận thi cử thế nào?
Từ ngày 17/7/2018, khi có kết quả chấm thẩm định ở tỉnh này đã phát hiện sai phạm đối với 330 bài thi của 114 thí sinh. Liên quann đến những con số sốc này, công an tỉnh Hà Giang đã ra quyết định khởi tố hình sự vụ án và bắt ông Vũ Trọng Lương vì hành vi nâng điểm cho hơn 330 bài thi của 114 thí sinh.
Sau đó, ông Nguyễn Thành Hoài, Trường phòng KT&QLCL giáo dục tỉnh cũng bị bắt và khởi tố vì bị cho là “tiếp tay” cho Vũ Trọng Lương.
Ngày 8 tháng 4 năm 2019, Cơ quan An ninh Điều tra tỉnh Hà Giang đã khởi tố, bắt tạm giam thêm 3 đối tượng liên quan đến vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang. Ba vị can bị bắt thêm bao gồm Phạm Văn Khuông - Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, Lê Thị Dung - Phó đội trưởng Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang và bà Triệu Thị Chính - Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, Phó chủ tịch Hội đồng, Trưởng Ban chấm thi của Hội đồng thi THPT quốc gia năm 2018 tỉnh Hà Giang (người trực tiếp điều hành Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm), bà Chính bị cáo buộc tội danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi và 2 người còn lại cùng bị khởi tố về tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Đến ngày 18/6/2019, Tỉnh ủy Hà Giang đã tiến hành bỏ phiếu kín và ra quyết định cảnh cáo đối với ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch tỉnh và ông Vũ Văn Sử là cựu giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh vì “vi phạm khuyết điểm trong tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia tại tỉnh này năm 2018”.
Tuy nhiên, ngoài sự nghi ngờ dành cho ông Sử, dư luận còn đặt câu hỏi về trách nhiệm của Chủ tịch và Bí thư tỉnh ủy Hà Giang liên quan đến vụ gian lận thi cử này.
Cũng như các trường hợp sai phạm ở Hòa Bình và Sơn La, các thí sinh được nâng điểm ở Hà Giang đều là con cháu của lãnh đạo tỉnh, cán bộ công chức ngành giáo dục, công an, và cả chủ nhiều doanh nghiệp.
Trước đó, đã rộ thông tin về việc, con gái của Bí thư tỉnh ủy Hà Giang lúc bấy giờ là ông Triệu Tài Vinh cũng được nâng 5,4 điểm. Trao đổi trên báo Vietnamnet, vị này cũng xác nhận con gái mình nằm trong danh sách “được nâng điểm”.
Nhưng ông Vinh khẳng định mình không biết, không chỉ đạo gì, chắc ai đó “mượn cái việc đấy để nâng điểm”:
“Cháu luôn luôn nằm trong top 10 của trường. Tôi không phải đi xin điểm. Báo chí cần nắm thêm học lực của cháu ở trường. Cháu học như thế nào thì nhà trường đều biết” - ông Vinh nhắc.
Đến nay, kết luận về việc ai đã chỉ đạo nâng điểm cho con gái ông Triệu Tài Vinh vẫn là một ẩn số. Làm sao để làm rõ “sự trong sạch” của Bí Thư Hà Giang ở thời điểm đó?
Ngoài con của ông Vinh, còn nhiều “cậu ấm cô chiêu” con lãnh đạo tỉnh cũng “bỗng dưng” được lên điểm không biết lý do, điển hình là trường hợp điểm của con Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh này.
Những cán bộ lãnh đạo hàng đầu tỉnh Hà Giang và các bên liên quan có con cháu được thay đổi điểm thi THPT năm 2018 hiện vẫn “bình an vô sự”.
Vì ông Vinh là Bí thư Tỉnh Ủy và vị Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội nắm giữ chức vụ quá cao nên chưa ai dám động đến? Xử lý gian lận thi cử ở Hà Giang thế là đã êm xuôi?
Nếu lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã thiếu nghiêm túc, và còn có tâm lý “e ngại, bao che” trong xử lý sai phạm thì các cơ quan chức năng của Đảng và Trung Ương có cần vào cuộc điều tra và kết luận thỏa đáng những tiêu cực này, nhằm bảo vệ “danh dự” cho chính những vị lãnh đạo kia?
Như thế, công bằng mới được đảm bảo trong hệ thống pháp luật, đúng với tiêu chí, tinh thần làm việc của Đảng, Nhà nước và cơ quan các cấp, đúng kỷ cương phép nước. Qua đó, cũng đảm bảo công minh với những cán bộ đã bị kỷ luật ở Sơn La và Hòa Bình. Để nhân dân thật sự tin rằng, cán bộ sai phạm phải bị xử lý, không có vùng cấm, không có hạ cánh an toàn cho bất cứ ai.