Như đã đưa tin, ngày 1 tháng 9 năm 2019, thuế mới đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc với tổng giá trị 110 tỷ đô la mỗi năm, bao gồm cả quần áo và đồ điện tử, đã có hiệu lực tại Hoa Kỳ. Tại Trung Quốc, cũng từ ngày dó, phí đối ứng cho việc nhập khẩu các sản phẩm của Mỹ, bao gồm đậu nành, dầu và dược phẩm, cũng bắt đầu hoạt động.
Hôm thứ Hai, Bắc Kinh cho biết họ đã đệ đơn khiếu nại về các khoản thuế mới của Hoa Kỳ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Ngày 15 tháng 12 sẽ có hiệu lực thuế 15% đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc, bao gồm điện thoại thông minh, máy tính xách tay, đồ chơi và trò chơi video, với tổng trị giá 156 tỷ đô la mỗi năm.
Các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bị gián đoạn từ cuối tháng 5 và vẫn chưa được nối lại. Theo Bloomberg, Washington và Bắc Kinh cho đến nay vẫn không thỏa thuận được các điều kiện để bắt đầu nối lại đàm phán. Các nguồn tin của hãng thông tấn này cho biết Hoa Kỳ đề nghị Trung Quốc xác lập thông số nhất định cho vòng đàm phán tiếp theo, nhưng đề xuất này vẫn chưa được trả lời, trong khi đại diện của Trung Quốc đề nghị Washington hoãn đưa ra các thuế mới, nhưng không nhận được sự ủng hộ.
Việc hai nước không thể thống nhất về lịch trình đàm phán trong tương lai càng củng cố thêm sự bi quan về triển vọng của nền kinh tế toàn cầu.
Theo khảo sát của The Wall Street Journal, có sự tham gia của đại diện hơn 670 công ty, trong tháng 8, mức độ tin tưởng vào nền kinh tế Mỹ trong các công ty nhỏ của Mỹ đã giảm xuống mức tối thiểu kể từ tháng 11 năm 2012.
Tỷ lệ người được hỏi dự đoán điều kiện kinh tế sẽ xấu đi trong 12 tháng tới đã tăng lên 40% trong tháng 8, so với 29% vào tháng 7 và 23% vào tháng 8 năm ngoái.
Tại Nhật Bản, lần đầu tiên sau hai năm, các doanh nghiệp công nghiệp đã giảm đầu tư trong bối cảnh xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh. Trong quý II, đầu tư giảm 6,9%.
Trong khi đó, Hàn Quốc báo cáo xuất khẩu giảm 21,3% sang Trung Quốc trong tháng 8 so với cùng tháng năm trước.
Các thuế mới dẫn đến sự gia tăng chi phí của các công ty quốc tế, họ buộc phải tìm cách nào đó bù đắp cho sự gia tăng này. Hơn nữa, sự không chắc chắn về triển vọng đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc khiến các công ty khó lên kế hoạch tiếp theo, tờ The Wall Street Journal viết.
Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều lưu ý rằng hậu quả tranh chấp thương mại đặc biệt nhạy cảm đối với các lĩnh vực như sản xuất linh kiện điện tử và nguyên liệu thô, mà các công ty Trung Quốc mua để lắp ráp sản phẩm cuối cùng sau đó được xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Khảo sát của các giám đốc về mua hàng tại Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Indonesia cho thấy sự suy giảm trong hoạt động sản xuất tháng Tám. Ở châu Âu, sự suy giảm hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp đáng chú ý nhất ở Đức, vốn là đầu tàu xuất khẩu của khu vực và là nhà cung cấp máy móc hàng đầu cho toàn cầu.
"Chiến tranh thương mại và thuế quan là mối quan tâm lớn nhất đối với các nhà sản xuất, sự leo thang cuộc chiến thương mại toàn cầu trong tháng 8 đã gây ra dự cảm rủi ro hơn nữa", - chuyên gia kinh tế Chris Williamson của IHS Markit cho biết.
Các doanh nghiệp trên khắp thế giới buộc phải tự hỏi, liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ áp đặt các thuế mới nào, mức độ quan trọng của chúng và thời gian tồn tại trong bao lâu, vì sự không chắc chắn khiến việc lập kế hoạch trở nên khó khăn và ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp của họ.
"Tất cả những điều này thật đáng buồn, làm cạn kiệt và mất tinh thần. Nhân viên của tôi muốn biết phải làm gì tiếp theo. Đây có lẽ là lần đầu tiên trong sự nghiệp của mình, tôi không thể đưa ra câu trả lời", - ông Susan White Morrisey, người sáng lập thương hiệu cashmere White + Warren nói.
Thuế quan được giới thiệu vào mùa hè này đã làm giảm 50% lợi nhuận từ việc bán các sản phẩm cashmere được sản xuất tại Trung Quốc.
"Rất khó điều chỉnh chi phí sản xuất theo mức tăng thuế, nhưng còn khó khăn hơn khi không có gì chắc chắn về tình hình sẽ phát triển như thế nào trong tương lai", – ông Richard Curten, trưởng bộ phận khảo sát người tiêu dùng tại Đại học Michigan cho biết.
"Đối với các công ty nhỏ hơn, điều này có nghĩa là cần phải có thái độ thận trọng hơn đối với đầu tư và tuyển dụng nhân viên", – ông Richard Curten nhận xét.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump bác bỏ mọi cáo buộc rằng chính sách thương mại của ông ta đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ. Trump cho rằng các vấn đề khó khăn của các công ty là do "quản lý tồi" và kêu gọi Hệ thống Dự trữ Liên bang (FRS) hạ thấp lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.