Không chỉ đánh giá 5 năm, mà phải nhìn lại hơn 30 năm Đổi mới
Tại Trụ sở Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 6/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với tư cách Trưởng ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chủ trì phiên họp của Tiểu ban Văn kiện Đại Hội Đảng, tiến hành cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo Chính trị và dự thảo Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bổ sung, phát triển năm 201 (Cương lĩnh năm 2011).
Ngoài Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, còn các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước là các thành viên Tiểu ban Văn kiện cùng dự họp như: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các thành viên Tổ Biên tập Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
“Việc xây dựng các dự thảo báo cáo, căn cứ vào Đề cương chi tiết đã được Hội nghị Trung ương 10 cho ý kiến chỉ đạo hoàn thiện; căn cứ kết quả nghiên cứu của 34 đoàn khảo sát các vấn đề lý luận và thực tiễn tại các ban, bộ, ngành, địa phương, 5 cuộc tọa đàm khoa học và 36 báo cáo nghiên cứu kiến nghị, đề xuất của các cơ quan nghiên cứu lý luận, khoa học”, theo Vietnam+/TTXVN cho biết.
Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Tiểu ban Văn kiện đánh giá cao việc chuẩn bị chu đáo, công phu, kỹ lưỡng, Tổ Biên tập, Thường trực Tổ Biên tập, trong một thời gian ngắn đã hoàn thành kế hoạch khảo sát, tổ chức nhiều cuộc tọa đàm khoa học, chắt lọc các kết quả nghiên cứu lý luận và thực tiễn để có được dự thảo Báo cáo Chính trị và Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 trình Tiểu ban hôm nay.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước qua đó cũng bày tỏ mong muốn rằng các thành viên Tiểu ban tập trung thảo luận cho ý kiến về các vấn đề lớn nêu trong Tờ trình về dự thảo Báo cóa Chính trị, gồm có: đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội XII và diện mạo đất nước qua 35 năm đổi mới, tầm nhìn và định hướng phát triển các nhiệm vụ trong tâm và xác định các khâu đột phá phát triển.
Trưởng ban Văn kiện lưu ý về những vấn đề, nội dung mới hoặc còn các ý kiến khác nhau như kết cấu, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu phát triển đất nước, những vấn đề mới đặt ra.
Tại cuộc họp, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều thống nhất cho rằng dự thảo luật và các báo cáo được chuẩn bị rất công phu nghiêm túc, có cơ sở lý luận và thực tiễn, bám sát Đề cương, Cương lĩnh, Hiến pháp và tình hình thực tiễn đất nước; các báo cáo khảo sát, tọa đàm khoa học, nhất là ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tiểu ban Văn kiện tại cuộc họp ngày 23/8 vừa qua.
Ngoài ra, Tổ Biên tập Tiểu ban Văn kiện cũng cần tăng cường phối hợp với Tổ biên tập Báo cáo Kinh tế- Xã hội, Báo cáo Xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng tiếp tục cập nhập, chuẩn hóa tình hình số liệu nghiên cứu.
Đánh giá các thành tựu, kết quả đã đạt được, Tổng bí Thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong báo cáo chính trị không chỉ đánh giá 5 năm mà phải nhìn lại hơn 30 năm đổi mới, bám sát các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XII đã nêu và đối chiếu với Cương lĩnh năm 2011.
“Báo cáo tổng quát phải mang tính tổng kết rất sâu. Nhiệm kỳ này, dấu ấn nổi bật là gì? Hạn chế tồn tại là gì cố gắng cô đọng lại. Có thể nói kinh tế 5 năm qua chúng ta liên tục tăng trưởng, ổn định không? Mạnh dạn nói sát thực tế, đừng đi theo lối mòn. Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, nhiệm kỳ này có mạnh mẽ không..?. Tại sao lòng dân hoan nghênh ủng hộ như vậy? Đây là nét tương đối đậm của khóa này”, VOV trích phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Hội nhập sâu, nhưng phải bám sát Cương lĩnh
Về chiến lược mục tiêu phát triển đất nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, chúng ta ngày càng hội nhập sâu rộng, mở nhưng phải bám sát Cương lĩnh, tập trung vào ba đột phá chính: Hạ tầng cơ sở, hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực, đồng thời tiếp tục nghiên cứu thêm.
“Kiểm điểm vừa qua ta xử lý mối quan hệ này thế nào? Bây giờ còn vướng gì? Sắp tới nên làm thế nào để thiết thực giải quyết 8 mối quan hệ cơ bản này. Ví dụ kiên định mục tiêu, sáng tạo sách lược cũng là vấn đề không đơn giản khó lắm. Vấn đề dân tộc và giai cấp như thế nào? Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội? Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa? Cụ thể hơn là quy luật thị trường và sự quản lý nhà nước như nào? Cái nào cần bàn tay nhà nước? Không nắm vững quy luật, làm trái quy luật, thậm chí bóp chết quy luật thì thất bại”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Theo đồng chí Chủ tịch nước, thực tế vừa qua thành công là vì các mối quan hệ được chú ý, không để cựu đoan, phiến diện, không tả, không hữu. Kiên định mục tiêu lý tưởng có nguyên tắc nhưng phải hết sức sáng tạo, luôn đổi mới, phù hợp với tình hình thời đại.
Đồng thuận với nhiều ý kiến phát biểu tại cuộc họp, đặc biệt liên quan đến vấn đề văn hóa con người Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, văn hóa là văn hóa, còn con người là tổng hòa các mối quan hệ, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, mục tiêu phát triển.
Nhằm nâng cao trách nhiệm của Tiểu ban Văn kiện, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu sau cuộc họp này, Tổ Biên tập khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo, hoàn chỉnh các dự thảo báo cáo để trình Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến chỉ đạo hoàn thiện, trình Hội nghị Trung ương 11 sắp tới.