Hoãn phiên tòa xét xử gian lận thi cử ở Hà Giang
Hội đồng xét xử phiên tòa ngày 18.9 gồm có, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa là bà Vương Thị Thu Hà. Nắm quyền thực hành công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa là ông Trần Quốc Hùng và bà Vũ Thị Thanh nga, Kiểm sát viên tỉnh Hà Giang.
Trước đó, TAND tỉnh Hà Giang đã triệu tập 177 người đến tòa với tư cách người làm chứng. Tuy nhiên, sau hơn 1 giờ làm thủ tục kiểm tra căn cước bị cáo, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, và người làm chứng, rất nhiều người làm chứng dù đã được triệu tập nhưng vẫn vắng mặt.
Cụ thể, chỉ có 55 trong tổng số 177 người làm chứng có mặt tại tòa. 60 người có đơn xin vắng mặt, trong khi 62 người khác vắng mặt không lý do.
Thẩm phán Vương Thị Thu Hà, chủ tọa phiên tòa, đã hỏi đại diện VKS có ý kiến gì về sự vắng mặt này, có yêu cầu triệu tập thêm hoặc yêu cầu HĐXX đưa thêm vật chứng hay không?
Đại diện VKS cho biết, căn cứ quyết định triệu tập 177 người làm chứng, chỉ có mặt 55 người, sự vắng mặt nhiều người ảnh hưởng đến việc xét xử. Căn cứ điều 293 và điều 297 Bộ luật Tố tụng hình sự, VKS đề nghị hoãn phiên tòa.
Ngoài ra, VKS cũng đề nghị triệu tập hai người làm chứng là Vũ Thị Kim Chung, Hiệu trưởng trường PTTH Chuyên tỉnh Hà Giang và bà Tống Thị Phương, là cô ruột của bị cáo Vũ Trọng Lương, nguyên Phó Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang.
Vẫn câu hỏi trên, khi chủ tọa hỏi cáo bị cáo, các bị cáo đều không đưa ra ý kiến gì.
Trong khi đó, luật sự Hoàng Văn Hướng (luật sự bào chữa cho bị cáo Triệu Thị Chính, nguyên Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang) bày tỏ quan ngại vì có quá ít người làm chứng được triệu tập đến dự phiên tòa.
Trong số 62 người vắng mặt không có lý do, luật sư cho rằng nếu triệu tập hợp lệ, hoàn toàn có thể tiếp tục phiên tòa. Nhưng nếu triệu tập không hợp lệ thì cần thiết phải hoãn phiên tòa. Việc tiếp tục hay hoãn phiên tòa là quyết định của HĐXX.
Chủ tọa Vương Thị Thu Hà cho biết, trong số 62 người làm chứng vắng mặt không có lý do, Tòa đã cho chuyển thư triệu tập đến từng người. Trong thư bảo đảm hồi đáp, có 12 trường hợp “không có người nhận”.
HĐXX đã tiến hành hội ý kín về đề nghị hoãn phiên tòa. Ít phút sau đó, HĐXX tuyên bố hoãn phiên tòa.
Sau khoảng 30 phút thảo luận, HĐXX quay lại phòng xử án và tuyên bố triệu tập thêm 2 người theo đề nghị của VKS. Xét thấy việc người làm chứng vắng mặt (có lý do và không lý do) làm ảnh hưởng đến công tác xét xử, căn cứ điều 293, điều 297, điều 299 Bộ luật TTHS, HĐXX tuyên bố hoãn phiên tòa.
Phiên tòa dự kiến sẽ được mở lại vào ngày 14, 15, 16/10/2019.
Vai trò của các bị can vụ gian lận thi cử Hà Giang
Theo cáo trạng bổ sung của VKSND tỉnh Hà Giang, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh này, bị can Nguyễn Thanh Hoài đã bàn bạc, thống nhất với Vũ Trọng Lương để sửa bài thi, nâng điểm cho các thí sinh.
Cơ quan điều tra xác định, dù ông Hoài không trực tiếp tham gia sửa điểm cho các thí sinh nhưng lại là người đưa danh sách 93 em cho ông Vũ Trọng Lương để tiến hành can thiệp, sửa điểm. Ông Lương đích thân trực tiếp nhận nâng điểm giúp 14 thí sinh.
Công an xác định, bị can Vũ Trọng Lương cũng là người thực hiện thao tác trên máy tính, can thiệp, sửa kết quả 309 bài thi các môn trên 249 ảnh gốc bài thi (phiếu trả lời trắc nghiệm) của 107 thí sinh để nâng điểm.
Ngoài ra, theo kết quả điều tra của cơ quan công an, ông Phạm Văn Khuông (cựu Phó giám Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang) đã nhờ ông Nguyễn Thanh Hoài bàn bạc, nâng điểm cho con trai để đăng ký xét tuyển Đại học Y Thái Bình. Cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT liên tục nhờ ông Hoài “quan tâm đến cháu”. Sau khi can thiệp sửa điểm, con trai ông Phạm Văn Khuông được nâng 13,3 điểm cho 3 môn trắc nghiệm.
Ngoài ra, bà Lê Thị Dung, nguyên là cán bộ Phòng an ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang cũng đã nhờ ông Hoài sửa điểm cho 20 thí sinh. Bà Triệu Thị Chính (Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hướng đối với người khác để trục lợi”, theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 358, Bộ luật Hình sự năm 2015. Bà Chính được xác định đã không thực hiện đúng trách nhiệm, nhiệm vụ của trưởng ban chấm thi, vi phạm quy chế thi, đưa danh sách 13 thí sinh nhờ Nguyễn Thanh Hoài sửa điểm môn Ngữ văn cho 12 thí sinh và xem điểm cho 1 thí sinh.
“Hành vi phạm tội của các bị can nói trên đã xâm hại đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, gian lận trong thi cử không chỉ để lại hậu quả trước mắt mà còn về lâu dài sẽ đào tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng thấp và yếu kém, tác động đến đạo đức xã hội, không còn sự công bằng trong xã hội”, VOV dẫn cáo trạng nêu rõ.
Gian lận thi cử ở Hà Giang
Ngày 11 tháng 7 năm 2018, kết quả điểm thi THPT quốc gia năm 2018 chính thức được công bố và phát hiện dấu hiệu bất thường ở Hà Giang. Sau khi có phản ánh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo điều tra và đề nghị xử lý nghiêm các sai phạm.
Ngày 17 tháng 7, họp báo công bố kết quả chấm thẩm định cho thấy xảy ra sai phạm hơn 330 bài thi của 114 thí sinh. Ngày 19 tháng 7, Công an tỉnh Hà Giang ra quyết định khởi tố hình sự vụ án. Sau đó, ngày 20 tháng 07, ông Vũ Trọng Lương bị bắt vì hành vi nâng điểm cho hơn 330 bài thi của 114 thí sinh.
Ngày 23 tháng 7, công an tỉnh Hà Giang đã khởi tố và bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Thanh Hoài, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, người được cho là tiếp tay cho ông Vũ Trọng Lương thực hiện hành vi phạm tội.
Ngày 8 tháng 4 năm 2019, Cơ quan An ninh Điều tra tỉnh Hà Giang đã khởi tố, bắt tạm giam thêm 3 đối tượng liên quan đến vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang. Ba vị can bị bắt thêm bao gồm Phạm Văn Khuông - Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, Lê Thị Dung - Phó đội trưởng Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang và bà Triệu Thị Chính - Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, Phó chủ tịch Hội đồng, Trưởng Ban chấm thi của Hội đồng thi THPT quốc gia năm 2018 tỉnh Hà Giang (người trực tiếp điều hành Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm), bà Chính bị cáo buộc tội danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi và 2 người còn lại cùng bị khởi tố về tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Tính đến thời điểm này, tổng số các đối tượng bị khởi tố liên quan đến vụ việc là 5 người.
Ngày 18 tháng 6 năm 2019, Kỳ họp thứ 26 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy Hà Giang đã ra thông báo kết quả. Trong đó ngày 17 tháng 6 đã bỏ phiếu kín và ra quyết định cảnh cáo đối với ông Trần Đức Quý là phó chủ tịch Tỉnh và ông Vũ Văn Sử là cựu giám đốc Sở Giáo Dục và Đào Tạo Tỉnh do "vi phạm, khuyết điểm trong việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh". Trước đó hai ông đã bị đưa ra xem xét xử lý vì trách nhiệm để xảy ra sai phạm trên.