Đó là liên hệ không chính thức, tự nguyện của dân thường, các tổ chức công cộng của họ, với mục đích cải thiện mối quan hệ giữa các dân tộc, để hiểu rõ hơn về văn hóa, truyền thống và phong tục của công dân các quốc gia khác nhau và hợp tác cùng có lợi. Điều này đã được nhất trí ghi nhận bởi những người tham gia hội nghị được tổ chức tại Moskva theo sáng kiến của Hội hữu nghị Nga-Việt và Hội hữu nghị Việt-Nga.
Hơn một trăm đại diện công chúng ở Nga và Việt Nam đã tham gia hội nghị "Vai trò ngoại giao nhân dân trong sự phát triển quan hệ Nga-Việt". Một sự thật thú vị là tất cả những người Việt Nam phát biểu từ diễn đàn hội nghị đều nói tiếng Nga một cách xuất sắc.
Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh nhấn mạnh rằng Năm chéo Nga Việt mở ra cơ hội mới rộng lớn để tăng cường ngoại giao nhân dân hai nước.
“Đối với Việt Nam, Nga là đối tác truyền thống rất quan trọng. Không có trở ngại nào ngăn cản được sự phát triển quan hệ đối tác giữa hai nước chúng ta và ngăn chặn sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa hai Hội Hữu nghị”, - ông Trần Bình Minh nhấn mạnh.
Những người tham gia hội nghị lưu ý rằng, sau khi Liên Xô sụp đổ, Hội hữu nghị Nga-Việt phải làm việc trong những điều kiện khó khăn hơn so với thời Liên Xô, vì không còn được nhận hỗ trợ tài chính của nhà nước. Tuy nhiên, trong điều kiện như vậy, Hội hữu nghị Nga-Việt vẫn tăng cường hoạt động. Điều quan trọng là hai trong số bốn huân chương mà Việt Nam tặng cho Hội đã được trao trong giai đoạn hậu Xô Viết - năm 2008 và năm 2018.
Phát biểu tại hội nghị, bà Oksana Zaichenko, giám đốc Trung tâm doanh nghiệp của Hiệp hội hữu nghị Nga-Việt cho biết, Hội đã tìm cách tạo điều kiện để doanh nghiệp Nga trở lại Việt Nam với quy mô không kém so với trước đây, đồng thời trở lại trong định dạng khác.
“Năm nay, Trung tâm của chúng tôi đã tổ chức các đoàn đại biểu doanh nghiệp từ một số vùng của Nga đến thăm Việt Nam và khởi xướng việc chuẩn bị thỏa thuận kết nghĩa giữa Khakassia của Nga và tỉnh Bắc Ninh của Việt Nam”, - bà Oksana Zaichenko cho biết.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, phân viện tại Việt Nam là chi nhánh nước ngoài duy nhất của Viện Ngôn ngữ Pushkin Moskva, giám đốc phân viện Nguyễn Thị Thu Đạt lưu ý:
“Chúng tôi không chỉ quảng bá văn học Nga tại Việt Nam, mà còn dạy tiếng Nga cho những người đồng hương có ý định sang Nga làm việc, cấp cho họ chứng chỉ tiếng Nga. Và, tất nhiên, chúng tôi hợp tác chặt chẽ với Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, nơi mà các hoạt động đang ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam”.
Hội người Việt tại Nga cũng nâng cao uy tín của mình.
“Chúng tôi đang tích cực thúc đẩy việc hình thành hình ảnh ngày càng tích cực về nước Nga tại Việt Nam và hình ảnh của Việt Nam tại Nga. Chúng tôi hỗ trợ việc người Việt Nam ở Nga tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp nước sở tại, làm quen sâu sắc hơn với lịch sử và truyền thống của đất nước mà họ hiện đang sinh sống”, - Phó Chủ tịch Hiệp hội Trần Phú Thuận cho biết.
Có một tổ chức tích cực hoạt động ngoại giao nhân dân là Hội cựu chiến binh Nga từng tham gia chiến tranh Việt Nam. Chủ tịch Hiệp hội, người tham gia trận đánh tên lửa đầu tiên chống máy bay Mỹ năm 1965, ông Nikolai Kolesnik cho biết:
“Năm nay, theo yêu cầu của chúng tôi, Bảo tàng Lực lượng Vũ trang Trung ương Nga đã tổ chức một cuộc triển lãm về các tình nguyện viên Hồng quân người Việt Nam, những người đã bảo vệ Moskva khỏi phát xít Đức mùa đông 1941-1942. Cũng trong năm nay, Hội cựu chiến binh Việt Nam đã xuất bản Hồi ký của các cố vấn quân sự Nga tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam. Hồi ký hai tập này được dịch ra tiếng Việt và in tại Hà Nội”, - ông Nikolai Kolesnik lưu ý.
Trả lời phỏng vấn Sputnik sau hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực Hội Hữu nghị Việt-Nga, Thiếu tướng, GSVS Trịnh Quốc Khánh lưu ý rằng Hội được thành lập theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ bốn tháng sau khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Liên Xô công nhận ngoại giao. Toàn bộ lịch sử của Hội Hữu nghị Việt-Nga, cũng như lịch sử của Hội Hữu nghị Nga-Việt, trong năm 2018 đã kỷ niệm 60 năm thành lập, cho thấy các thể chế ngoại giao nhân dân là công cụ quan trọng để tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc. Hội nghị ở Moskva là một đóng góp xứng đáng cho sứ mệnh cao cả này.