Liên tục 3 ngày qua, từ 20 đến 22-9, tại TP HCM nhiều nơi xuất hiện lớp sương mù dày đặc. Đặc biệt, lớp sương này duy trì từ sáng đến chiều, ảnh hưởng đến tầm nhìn.
Theo dõi trên các ứng dụng kiểm tra mức độ ô nhiễm không khí cho thấy chỉ số chất lượng không khí (AQI) 3 ngày qua đo được tại 15 vị trí của TP thường xuyên ở mức từ 111 - 153 (có hại cho sức khỏe). Không khí ô nhiễm tập trung ở một số khu vực của quận Bình Thạnh, Thủ Đức, quận 2, quận 5… Riêng kết quả AQI tại Lãnh sự quán Mỹ ở TP HCM (quận 1), mấy ngày qua luôn ở mức trên 150. Thời gian ô nhiễm nặng bắt đầu sau 11 giờ đến nửa đêm.
Anh Nguyễn Anh Giang (ngụ quận Thủ Đức) cho biết hằng ngày anh đi làm qua khu vực quận 2, Bình Thạnh, liên tục nhiều ngày nay xuất hiện sương mù dày. Có lẽ do phải di chuyển thường xuyên trong lớp sương mù này nên 2 ngày qua anh bị đau mắt và mũi, cảm giác ngột ngạt, khó thở.
Trên các trang mạng xã hội những ngày qua cũng có nhiều thông tin cảnh báo sương mù xuất hiện ở TP HCM là do ô nhiễm không khí, kêu gọi người dân hạn chế ra đường. Nếu có việc phải ra ngoài, người dân cần mang khẩu trang, đeo kính để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo ông Lê Đình Quyết, Phó trưởng Phòng Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, tình hình thời tiết tại TP HCM mấy ngày qua diễn biến thất thường với mưa nhiều, độ ẩm tăng cao. Lý do là có sự xuất hiện của dải hội tụ nhiệt đới. Thời tiết hiện nay kết hợp khói, bụi sẽ tạo ra sương mù. Ngoài ra, do độ ẩm tăng cao khiến lớp bụi mù dễ tích tụ và lâu tan.
Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng, cho rằng nhiều người thấy trời mát, sương mù lãng mạn, đẹp nên không mang khẩu trang, kính. Thực tế, sương mù tại đô thị rất độc, bởi lẫn trong những đám sương là lượng lớn chất thải. Do đó khi ra đường, người dân nên mang khẩu trang, kính để bảo vệ mắt và đường hô hấp.
Còn theo Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐHQG TP HCM), hiện tượng sương mù những ngày qua gọi là mù khô. Đây là hiện tượng lớp bụi là đà gần mặt đất. Nguyên nhân của tình trạng này là do tro bụi phát ra từ việc cháy rừng tại Indonesia, do mật độ giao thông lớn, khí thải nhà máy, sinh hoạt của người dân.