Đồng thời, như Bộ trưởng lưu ý, công ty Huawei của Trung Quốc cũng sẽ tham gia thử nghiệm mạng 5G. Bất chấp những lo ngại của Hoa Kỳ và một số nước phương Tây khác, Malaysia không tin rằng Huawei gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Theo Bộ trưởng Truyền thông và Đa phương tiện, Malaysia chủ trương triển khai mạng 5G càng sớm càng tốt. Ông Gobind Singh Deo chỉ ra rằng, cần phải tập trung vào việc sớm tạo ra các khu vực thử nghiệm thí điểm 5G, các dự án demo 5G trên toàn quốc. Theo Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ di động toàn cầu (GSMA), nếu Malaysia làm như vậy, thì đến năm 2025, 1/5 các kết nối di động ở Malaysia sẽ thực hiện qua mạng 5G. Nhìn chung, theo dự đoán của GSMA, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ số này sẽ lên đến 17%. Và Malaysia sẽ trở thành một quốc gia tiến bộ trong lĩnh vực phát triển mạng di động thế hệ thứ năm.
Malaysia đang tìm cách triển khai mạng thế hệ thứ năm càng nhanh càng tốt, vì thế họ không có ý định từ bỏ thiết bị Huawei. Tập đoàn viễn thông Trung Quốc có số lượng bằng sáng chế tiêu chuẩn 5G nhiều nhất trên thế giới. Theo báo cáo của Hiệp hội không dây CTIA (cơ quan đại diện cho các doanh nghiệp viễn thông Mỹ), Trung Quốc vượt trước Hoa Kỳ trong lĩnh vực áp dụng 5G. Chẳng hạn, chính Trung Quốc chứ không phải Hoa Kỳ đã phân bổ băng tần để phát triển mạng thế hệ thứ năm. Hơn nữa, Trung Quốc đạt được hài hòa tối đa giữa các băng tần này và các dải tần mà các quốc gia khác ở Châu Âu, Châu Á, Úc phân bổ để phát triển mạng 5G. Tại Hoa Kỳ, không có nhà sản xuất nào có thể cung cấp các giải pháp tích hợp cho 5G. Và các đối thủ châu Âu của Huawei - Nokia và Ericsson - không thể cung cấp các giải pháp nhanh với giá vừa phải. Malaysia sẵn sàng hợp tác với mọi người. Vì vậy, vào tháng Tư năm nay, nước này đã tổ chức phiên giao tiếp ba chiều đầu tiên trên thiết bị Ericsson. Tuy nhiên, xét theo mọi việc, Malaaysia không có ý định tham gia vào các trò chơi chính trị của phương Tây và sẽ không loại trừ Huawei khỏi dự án 5G. Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia Zhang Miao, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Malaysia thuộc Đại học Hạ Môn nhận xét rằng, Malaysia xuất phát từ quan điểm thực dụng:
Hiện nay trên thế giới chưa có tiêu chuẩn thống nhất về mạng 5G. Hiện có hơn 10 tổ chức quốc tế tham gia vào việc tiêu chuẩn hóa, kể cả 3GPP, IETF, NGMN. Vào năm 2015, Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) đã đưa ra các yêu cầu chung đối với 5G dưới tên làm việc IMT-2020, và các tiêu chuẩn này phải được phê duyệt trước năm 2020.
Huawei có cơ hội trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ truyền thông thế hệ thứ năm. Tập đoàn Huawei phát triển rất nhanh chóng các sản phẩm hoàn chỉnh và nhận được nhiều bằng sáng chế công nghệ. Điều đó cho thấy rõ rằng, Trung Quốc không thể bị bỏ qua trong thế giới 5G. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn ngoan cố làm như vậy. Quốc gia này vẫn chưa thông qua quyết định về các băng tần cho mạng 5G. Các băng tần hiện được phân bổ ở Hoa Kỳ khác với băng tần mà hầu hết các quốc gia ở Châu Âu và Châu Á đã chấp nhận. Còn Huawei đang tạo ra các thiết bị có chú ý đến các băng tần đó. Có tính đến cuộc đối đầu với Huawei mà Hoa Kỳ đã phát động, có thể giả định rằng, trong tương lai sẽ có hai hệ tiêu chuẩn cho mạng 5G cạnh tranh với nhau. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực 5G sẽ không có lợi cho người dùng và không phục vụ lợi ích phát triển công nghệ, chuyên gia Zhang Miao nhận xét.
Tuy nhiên, vào thời điểm này, tiêu chuẩn của Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua. Đến ngày 1/10, mạng lưới thương mại 5G sẽ bắt đầu hoạt động tại 40 thành phố đầu tiên của Trung Quốc. Các quốc gia khác, bao gồm nhiều đồng minh của Hoa Kỳ, cũng tin tưởng vào công nghệ Trung Quốc. Huawei đã ký kết hơn 50 hợp đồng với nước ngoài về xây dựng cơ sở hạ tầng mạng 5G, đã lắp đặt khoảng 150 nghìn trạm gốc 5G trên toàn thế giới. Đến cuối năm nay, con số này dự kiến sẽ tăng đến 500 nghìn trạm. Dưới áp lực từ Mỹ, một số quốc gia vẫn chưa thông qua quyết định. Ví dụ, Anh, Đức, Canada có nghi ngờ về sự tham gia của Trung Quốc vào việc xây dựng mạng lưới 5G. Ở Úc, Huawei bị cấm tham gia vào dự án 5G. Việt Nam có thể trở thành quốc gia ASEAN đầu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông 5G mà không cần thiết bị Huawei. Tập đoàn Viettel - nhà mạng viễn thông di động lớn nhất Việt Nam tuyên bố sẽ lắp đặt thiết bị 5G của Ericsson tại Hà Nội và thiết bị của Nokia tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng, những quyết định như vậy có thể dẫn đến tụt hậu công nghệ. Huawei nhiều lần tuyên bố rằng, việc từ chối hợp tác với tập đoàn này có thể kìm hãm mấy năm quá trình triển khai mạng 5G.