Các chuyên gia của Trung tâm lưu ý rằng, trong những năm gần đây Nga đã hiện đại hóa hạm đội Biển Đen và tăng cường sức mạnh quân sự trên bán đảo Crưm, điều đó đe dọa cơ sở hạ tầng của NATO. Sau đây là bài của Sputnik phân tích gói các biện pháp mà RAND đã đề xuất cho Mỹ.
Khu vực chống tiếp
Các nhà phân tích của RAND khẳng định rằng, khu vực Biển Đen đang trở thành nơi đối đầu giữa Nga và phương Tây và cuộc đối đầu này sẽ định đoạt tương lai của châu Âu. Đồng thời, Matxcơva đang cố gắng biến Biển Đen và Biển Azov thành vùng biển nội địa của họ với sự giúp đỡ của lực lượng vũ trang, cũng như các công cụ thông tin, kinh tế và năng lượng.
Các chuyên gia Mỹ nhắc nhở rằng, kể từ năm 2015, các hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển đã được triển khai tại Crưm, bán đảo được bảo vệ bởi các hệ thống phòng không tiên tiến nhất trên thế giới - S-400 Triumph. Các trạm radar cảnh báo sớm và các hệ thống tác chiến điện tử hiện đại cũng được triển khai tại đây.
Báo cáo tập trung chú ý đến chương trình hiện đại hóa Hạm đội Biển Đen. Các tác giả nhấn mạnh rằng, kể từ năm 2014, Hạm đội Biển Đen đã được bổ sung thêm 6 tàu hộ tống, 6 tàu ngầm thuộc Dự án 636 Varshirlanka và 3 tàu tuần tra đa năng thuộc Dự án 11356: “Đô đốc Grigorovich”, “Đô đốc Essen” và “Đô đốc Makarov”. Ba tàu thuộc Dự án 11356 mang tên lửa hành trình Kalibr có khả năng tấn công các mục tiêu trên khắp Biển Đen.
Theo RAND, nhờ tất cả điều này, Kremlin có khả năng tạo ra khu vực Chống tiếp cận/ Chống xâm nhập (Anti-Access/Area Denial) ở vùng này, do đó lực lượng NATO sẽ chịu tổn thất nặng nề không hợp lý trong trừơng hợp xảy ra một đụng độ quân sự. Và tất cả các tàu chiến của NATO không thể cảm thấy an toàn ở đây.
Để "ngăn chặn một cuộc tấn công", các chuyên gia đề xuất sớm triển khai các hệ thống phòng không hiện đại ở Romania và Bulgaria, mở rộng khu vực diễn tập của lực lượng hải quân NATO, đồng thời hỗ trợ Ukraina và Georgia phát triển "tiềm năng phòng thủ quốc gia".
Đồng thời, tác giả báo cáo lưu ý rằng, khó có thể phát triển một chiến lược thống nhất chống Nga, vì các quốc gia ở vùng Biển Đen đều có những lợi ích riêng.
NATO ở Biển Đen
Đồng thời, nếu phân tích các sự kiện trong mấy tháng gần đây, thì sẽ thấy rõ rằng, chính NATO chứ không phải Nga đang gây căng thẳng tình hình khu vực.
Vào mùa xuân năm nay, Tổng thư ký Liên minh Jens Stoltenberg đã tuyên bố rằng, các tàu chiến của phương Tây sẽ thường xuyên ghé vào các cảng biển của Ukraina và Gruzia để tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung và trao đổi thông tin tình báo. Đại diện thường trực của Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchinson nói thêm rằng, NATO dự định áp dụng gói biện pháp liên quan đến khu vực Biển Đen, kể cả việc tăng cường trinh sát trên không và hộ tống các tàu Ukraina đi qua eo biển Kerch.
Ngay vào mùa hè năm nay, Liên minh đã chuyển từ lời nói sang hành động. Vào tháng 7, ở cảng Odessa đã tổ chức cuộc tập trận hải quân quốc tế Sea Breeze 2019 với sự tham gia của gần hai chục quốc gia. 32 tàu chiến, 24 máy bay và hơn 900 lính thủy đánh bộ đã tham gia vào cuộc diễn tập. Tàu khu trục Karni của Hải quân Hoa Kỳ đã vào vùng Biển Đen. Một tàu bảo vệ bờ biển của Gruzia và một tàu chống ngầm cỡ nhỏ của Bulgaria, cũng như các chiếc máy bay vận tải quân sự của NATO đã đến khu vực tập trận.
Vào cuối tháng 7, NATO đã tổ chức một cuộc diễn tập quy mô lớn khác ở khu vực Biển Đen - lần này là ở Gruzia. Tham gia cuộc tập trận Agile Spirit 2019 có 3.000 nhân viên quân sự từ 14 quốc gia đồng minh và đối tác. Khi đó Hội đồng Liên bang Nga đã tuyên bố rằng, cuộc tập trận này cho thấy rằng, khối Bắc Đại Tây Dương đang cố gắng phô trương sức mạnh, củng cố sự hiện diện quân sự gần biên giới phía tây và phía nam của Nga, và Georgia đã trở thành một phần của "cơ chế NATO nhằm gây ảnh hưởng đến Matxcơva”.
"Hàng rào vệ sinh"
Các chuyên gia của Nga và phương Tây đều cho rằng, mức độ căng thẳng trong khu vực sẽ tăng lên.
Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Warsaw, nghị sĩ Mỹ, thành viên Ủy ban Lực lượng Vũ trang John Garamendi đã tuyên bố rằng, vào năm 2020, ở châu Âu sẽ tiến hành cuộc tập trận chung của Hoa Kỳ và các đồng minh NATO có quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Như dự kiến, các cuộc diễn tập sẽ được tổ chức dọc theo đường biên giới phía tây của Nga theo các khuyến nghị của Tập đoàn RAND.
Ông Konstantin Blokhin, một chuyên gia nghiên cứu hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga nói: “Những kế hoạch này không có gì mới. Đã từ lâu Hoa Kỳ ấp ủ ý tưởng tạo ra "hàng rào vệ sinh" bao gồm các quốc gia từ Biển Baltic đến Biển Đen có thái độ thù địch với Nga. Washington nhận thức được rằng, họ khó có thể cạnh tranh với Nga ở Biển Đen. Do đó, họ đang cố gắng “tập” cho Nga thích nghi với sự hiện diện của các tàu chiến Mỹ trong khu vực này. Họ đang cố gắng bằng mọi cách tăng áp lực lên Nga, và muốn ép buộc những nước khác, ví dụ, Bulgaria, Romania, Ukraina và Gruzia, cũng phải áp dụng các chiến thuật và chiến lược như vậy".
Chuyên gia Konstantin Blokhin lưu ý rằng, đối với Hoa Kỳ, Biển Đen chỉ là một khu vực căng thẳng mới để khiêu khích Nga. Chứng tỏ về điều đó là những sự cố gần đây ở eo biển Kerch.