Một số người Nga đã chứng kiến sự kiện lịch sử đó, bao gồm cả đạo diễn Roman Karmen và hai nhà quay phim từ Matxcơva.
“Người Việt Nam đã thắng chiến tranh bởi vì căm ghét nó", - tác giả Roman Karmen nhận định trong cuốn sách của ông về chuyến công tác tới Việt Nam.
Công dân Liên Xô đầu tiên tại Việt Nam
Ông Roman Karmen có đủ lý do để rút ra kết luận này. Các nhà quay phim từ Matxcơva đã trở thành các đại diện đầu tiên của Liên Xô chính thức đến Việt Nam bốn tháng rưỡi trước khi thủ đô Hà Nội được giải phóng. Cả ba người đã tham gia cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô chống nước Đức quốc xã.
Vào ngày 25 tháng 5 năm 1954, vài tuần lễ sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nhóm quay phim từ Matxcơva đã được mời tham dự Lễ trao huân huy chương cho các anh hùng Điện Biên Phủ, và địa điểm cuộc gặp lịch sử là trên đất Việt Nam. Như ông Roman Karmen đứng đầu nhóm quay phim nhớ lại sau đó, đón tiếp đoàn Liên Xô có các nhân vật quan trọng như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Tùng và Tố Hữu. Vào buổi tối, nhóm chuyên gia Liên Xô đã giới thiệu tại Việt Nam “tấm danh thiếp” là bộ phim do họ thực hiện về lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5 và cuộc diễu binh trên Quảng trường Đỏ Matxcơva. Màn ảnh trong rừng được treo trên những cây cọ. Các khán giả đã thấy Matxcơva, Điện Kremlin, Quảng trường Đỏ. Ông Roman Karmen nhớ mãi những lời mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thốt lên sau khi xem phim:
“Chúng ta vừa xem những chiếc máy bay tuyệt đẹp. Chúng tôi thường thấy máy bay trên bầu trời nước Việt, nhưng đó là máy bay của kẻ thù và chúng tôi căm ghét. Còn máy bay Liên Xô là những cánh chim câu của hòa bình. Tôi tin chắc rằng sắp tới những cánh chim hòa bình này sẽ sớm bắt đầu đưa những người bạn trung thành từ Matxcơva đến đất nước chúng tôi, để giúp đỡ cho công việc sáng tạo của chúng tôi”.
Giải phóng Hà Nội trong con mắt người Nga
Những con đường trung tâm hầu như không một bóng người. Náo nhiệt sống động là ở vùng ngoại ô, nơi ngày hội mừng giải phóng đã bắt đầu. Khắp nơi vang tiếng nói cười vui vẻ. Có bóng dáng một người lính Pháp bơ phờ đứng trên trạm canh, còn ngay đối diện với bốt gác là hiệu may nhỏ với mấy chiếc máy chạy xành xạch không ngừng - ông chủ hiệu và những người thợ làm việc luôn tay mà không đáp ứng xuể nhu cầu của khách hàng chờ nhận những lá cờ biểu tượng chiến thắng của đất nước. Mỗi lúc càng xuất hiện thường xuyên hơn những chiếc xe chở các sĩ quan của Quân đội Nhân dân Việt Nam công tác trong Ủy ban Kiểm soát. Cư dân phấn khởi hoan nghênh những chiếc xe này bằng những tràng vỗ tay và lời chào vui mừng. Từ cổng những ngôi nhà có người Pháp sinh sống, vài chiếc xe tải chạy ra, bên trên xếp đầy tủ gương, giường, máy lạnh, bồn rửa, những chiếc vali chồng chất…
Các chuyên viên điện ảnh Matxcơva lập tức giơ máy ghi lại tất cả. Thoạt đầu, họ làm vậy một cách thận trọng, vì trong quyết định cho phép nhóm vào thành phố chẳng nói gì đến việc quay phim. Nhưng ngay sau đó, tin chắc rằng người Pháp không có tâm trạng và thì giờ để phản ứng với máy quay phim, nhóm chuyên viên này bắt đầu tác nghiệp công khai thoải mái.
Hôm 9 tháng Mười là ngày quân Pháp rút khỏi để những nhóm đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp quản thành phố. Pháp cấm các cư dân không được ra khỏi cửa, cấm lưu thông tất cả các loại xe cộ. Tuy nhiên, lệnh cấm này không áp dụng với chiếc xe chở các nhà điện ảnh Matxcơva, họ chạy xe trong sự bảo trợ của Ủy ban Kiểm soát Quốc tế. Sớm tinh mơ hôm ấy, 6 giờ sáng, họ đến phố Duy Tân, điểm tiếp xúc đầu tiên của các sĩ quan cả hai bên ở phía nam thành phố. Giữa đường là những chiếc xe cắm cờ Việt Nam và cờ Pháp. Viên chỉ huy đoàn xe Pháp ra lệnh. Đoàn xe thiết giáp khởi động và tăng tốc chạy lên phía Bắc. Những cỗ xe chở bộ đội Việt Nam vượt qua giao lộ và di chuyển tiếp sau người Pháp.
“Và ở đây đã diễn ra phép lạ, - Roman Karmen viết trong cuốn sách về những ngày ở Việt Nam. - Con đường vắng vẻ phút chốc trở nên sống động. Còn chưa ngớt tiếng ồn của những cỗ xe thiết giáp đang lùi xa, thì phút chốc đã mọc lên hàng nghìn lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay lên những ngôi nhà”.
Trong thời gian bảy tháng, các cộng sự Việt Nam đã giúp ông Karmen hoàn thành bộ phim. Trong số đó có đạo diễn Mai Lộc, sau một phần tư thế kỷ ông đã dựng bộ phim truyện nổi tiếng "Cánh đồng hoang".
Và trong năm 1954, ông đã quay một số thước phim quan trọng cho bộ phim của Roman Karmen, chứng tỏ mình là một nghệ sĩ có tài. Chính Mai Lộc đã quay cảnh sau đó trở thành biểu tượng của cuộc giải phóng Hà Nội: trên cây cầu, ở phía trước, có lính gác Việt Nam, và những người lính Pháp cuối cùng đang từ trên cầu xuống.
Còn buổi sáng ngày 10 tháng Mười, thủ đô Hà Nội long trọng đón chào lực lượng chính của Quân đội Nhân dân là Trung đoàn Thủ đô huyền thoại. Các chiến sĩ vừa bước qua ranh giới vào thành phố đã chìm ngập trong trận mưa hoa, lời hoan hô chào mừng không ngớt trong suốt cuộc diễu hành qua thành phố. Người Hà Nội hát vang, hô khẩu hiệu và vỗ tay rộn ràng chào đón đoàn quân giải phóng.
Ngày hôm ấy, các nhà làm phim Liên Xô đã gặp gỡ các nhà báo từ các tờ báo trung ương Matxcơva vừa đến Việt Nam. Nhờ đó, ngay sau đó báo chí Liên Xô đã đưa tin chi tiết về Chiến thắng lớn của Việt Nam. Và sau đó, bộ phim tài liệu của Roman Karmen đã ra mắt khán giả. Ngoài Liên Xô, bộ phim này đã được trình chiếu ở hàng chục quốc gia. Sau khi được phục chế, bộ phim này đã được tặng cho Việt Nam vào dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.