Việt Nam đã rút khỏi các rạp bộ phim hoạt hình “Everest - Người tuyết bé nhỏ”
Ngày 13/10 Việt Nam đã rút khỏi các rạp bộ phim hoạt hình “Everest - Người tuyết bé nhỏ” (Abominable) do một số đoạn trong phim có xuất hiện hình ảnh “đường chín đoạn”, hay còn gọi là đường lưỡi bò.
Vietnam stopped showing Abominable cartoon because it shows the nine-dash line https://t.co/DvC5XL32XM pic.twitter.com/TSHVs8jKef
— Vietnam Insider (@InsiderVietnam) 14 октября 2019 г.
Đường chín đoạn là đường được sử dụng trên các bản đồ Trung Quốc để xác định các yêu cầu lãnh thổ của mình ở Biển Đông mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
Tất nhiên, nói rằng ở Việt Nam đã xảy ra xì-căng – đan chính trị thì hơi quá, nhưng sự việc đã gây làn sóng phẫn nộ lớn trong dân cũng như giới chuyên gia.
Hình ảnh “đường lưỡi bò” trong phim chiếu tại Việt Nam xuất hiện không phải lần đầu
Trước đây, một số sai sót về hình ảnh đã từng xuất hiện trên truyền hình VTV hoặc một số phim tài liệu truyền hình. Ví dụ, VTV cũng từng mắc lỗi này khi truyền hình CCTV của Trung Quốc phát đi tường thuật trực tiếp Lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2010 với logo bản đồ Trung Quốc có đường lưỡi bò ở góc dưới, bên phải màn hình. Mấy ngày sau, phía Việt Nam mới phát hiện ra.
Hơn nữa, đây cũng không phải lần đầu tiên CJ CGV phát hành một phim có thông điệp về lãnh thổ và biên giới trên biển sai lạc của Trung Quốc. Tháng 3.2018, phim Điệp vụ Biển Đỏ cũng do chính đơn vị này phát hành đã phát đi thông điệp Biển Đông là của Trung Quốc.
Trách nhiệm thuộc về ai? Có phải nhà quản lý đã sơ suất?
“Trách nhiệm trước tiên thuộc về Hội đồng Duyệt phim của Cục Điện ảnh – Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch vì đã tắc trách, để lọt hình ảnh có tính chất nhạy cảm về chủ quyền biển-đảo của Việt Nam”, - Nhà phân tích các vấn đề chính trị Nguyễn Minh Tâm nói với Sputnik.
Và nhiều bình luận vang lên gay gắt từ đại diện các tầng lớp trong xã hội Việt Nam.
- Chúng ta phải xác nhận: bộ phim Everest - Người tuyết bé nhỏ vừa rút xuống, như vậy là đã có vấn đề. Nhưng nếu cứ hễ có vấn đề mới rút xuống thì rõ ràng những người "gác cổng", những người quản lý đã để xảy ra sơ suất.
- Vụ này phải truy cứu trách nhiệm hình sự công ty nào đã nhập phim này về ...
- Việt Nam nên có hình thức xử lý hình sự các công ty, chủ doanh nghiệp vi phạm vào chủ quyền quốc gia. Đồng thời lên danh sách cấm và hạn chế với các doanh nghiệp sản xuất phim vi phạm khi họ sản xuất phim.
- Quá ghê gớm, dùng phim hoạt hình tuyên truyền cho trẻ em. Nên xem lại trách nhiệm cũng như khả năng thẩm định.
“Tôi cho rằng đây là phát biểu vội vàng, vô trách nhiệm. Đành rằng hình ảnh “đường lưỡi bò” xuất hiện trên màn ảnh chỉ vài giây, và rất có thể một vài vị trong hội đồng này không biết “đường lưỡi bò” là gì, rất có thể đại bộ phận khán giả không phát hiện ra, nhưng để nó xuất hiện trong một tác phẩm điện ảnh được phổ biến rộng rãi trên toàn quốc là điều không thể chấp nhận được. Điều đó không khác nào gián tiếp thừa nhận Việt Nam công nhận “đường lưỡi bò”. Công chúng có quyền đặt câu hỏi: “Vậy Hội đồng duyệt phim quốc gia tồn tại để làm gì khi không phát hiện ra một hạt sạn to như thế?!”, - Một nhà báo Việt Nam phát biểu với Sputnik.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào cuộc
Chiều 14/10 ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trả lời về sự việc trong bộ phim hoạt hình “Everest - Người tuyết bé nhỏ” xuất hiện hình ảnh đường lưỡi bò mà đã được chiếu ở Việt Nam hai tuần qua.
Cũng theo ông Nguyễn Thái Bình, trong buổi chiều ngày 14/10 Cục Điện ảnh đã tổ chức xem lại bộ phim đang lưu chiểu tại Cục Điện ảnh để làm rõ trách nhiệm Hội đồng duyệt phim, tập thể, cá nhân liên quan khi tham mưu cấp phép, phổ biến phim.
“Động cơ chính trị của những người cố tình đưa hình ảnh bản đồ “đường lưỡi bò” lên phim là rất rõ ràng với ý đồ kích động dư luận trong nước, kích động tâm lý “bài Trung” vốn đã khá nóng kể từ khi Trung Quốc đưa nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 xâm phạm vùng EEZ và thềm lục địa của Việt Nam”, - Nhà phân tích các vấn đề chính trị Nguyễn Minh Tâm bình luận với Sputnik.
Và họ đã thành công. Dư luận tại Việt Nam đang bị kích động, tâm lý “bài Trung” nóng lên. Bộ Văn hóa đang vào cuộc để sửa sai. Nhưng vấn đề có nên chỉ dừng ở đây hay không?
“Nhà quản lý phải có kiến thức cơ bản để cảnh giác. Tất cả những gì liên quan đến biển đảo thì phải có kiến thức, nếu không thì phải lập tức hỏi ý kiến các chuyên gia. Chứ nếu hội đồng thẩm định phim quốc gia mà đụng đến vấn đề biển đảo lại bảo là chúng tôi không biết, chúng tôi chỉ làm đúng quy trình thôi thì không được”, - Luật gia Hoàng Việt - Ban nghiên cứu Luật biển và hải đảo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam nói.
“Theo tôi Hội đồng cần xin lỗi khán giả vì đã để xảy ra sai sót này. Đã đến lúc cần chấn chỉnh thành phần của Hội đồng”, - Một nhà báo Việt Nam nếu quan điểm của mình với Sputnik.