Rúng động vụ đổ trộm chất thải tại khu đầu nguồn nước sạch sông Đà
Những ngày qua, nước cấp cho người dân Hà Nội tại các khu vực Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai…có mùi khét nồng nặc, nổi váng dầu, không thể sử dụng được. Trong khi người dân phải xếp hàng chờ được cấp nước sạch như thời bao cấp thì cái tên Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) lại được nhắc đến nhiều hơn bao giờ hết.
Hiện nay, có 5 đơn vị chính được giao đảm trách hoạt động cung cấp nước sạch cho khu vực nội thành Hà Nội đó chính là: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (Hawacom), Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Wiwaco), Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống và Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco).
Sự cố nguồn nước sạch sông Đà bị ô nhiễm nghiêm trọng hiện vẫn rất thu hút sự chú ý của dư luận và Viwasupco là cái tên đang “nổi đình, nổi đám” vì sự cố chất lượng nước sạch bị nhiễm dầu thải, cụ thể là chất styren, không đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho người dân tại một số khu vực tại Hà Nội.
Đáng chú ý, riêng Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà lại là đơn vị cấp nguồn nước mặt từ nhà máy nước mặt sông Đà và một số nhà máy nước quy mô nhỏ khác cho hầu hết những doanh nghiệp cung cấp nước sạch còn lại với công suất giai đoạn 1 là 300.000 m3/ngày đêm.
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà chính là đơn vị đầu mối cung cấp nước cho toàn bộ khu vực phía Tây Nam Thủ đô Hà Nội, các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông và thêm một số quận nội thành, một vài khu vực thuộc Hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc -Xuân Mai -Miếu Môn- Hà Nội - Hà Đông.
Trước đó, ngày 15.10, tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội thường kỳ, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết: “Sáng 10.10.2019, UBND Thành phố nhận được tin báo phản ảnh của một số người dân tại quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông phản ảnh qua đường dây nóng, tin phản ảnh của một số phóng viên các báo với nội dung “nguồn nước sinh hoạt của người dân tại các khu vực Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai… có mùi khét nồng nặc, có váng dầu”.
Chính quyền Hà Nội xác định đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã có chỉ đạo thành lập ngay tổ công tác do Giám đốc Sở Xây dựng làm trưởng đoàn cùng với sự tham gia của các sở ban ngành như: Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (trực thuộc sở Y tế thành phố), Công ty Cổ phần Wiwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông tổ chức kiểm tra toàn bộ quá trình vận hành Nhà máy nước sạch sông Đà. Tại tỉnh Hòa Bình, các bể chứa nước trung gian, trạm bơm tăng áp, hệ thống đường ống truyền dẫn cấp nước của Nhà máy nước sông Đà, bao gồm cả khu hồ chứa nước mặt.
Kết quả kiểm tra ở thời điểm hiện tại của đoàn công tác bước đầu cho biết: Tại khu vực đầu nguồn tại khe núi xã Phú Minh, Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình có dấu hiệu đổ dầu nhớt thải trộm. Chất thải dầu này đã chảy lan ra suối rồi chảy vào hồ Đầm Bài (là hồ chứa nước để cấp cho nhà máy).
Từ kết quả xác minh, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, mùi “khét” có trong nước đưa đến các nhà dân trong toàn bộ khu vực cấp nước của nhà máy tại các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông là do chất Styren có từ dầu thải gây ra. Kết hợp với mùi nồng nặc của chất clo (kết quả xét nghiệm có hàm lượng 0,8mg/l- Nằm trong giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam).
Điều đáng trách là: “Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) dù đã phát hiện việc đổ trộm dầu thải từ ngày 9.10 nhưng không báo cáo ai, không có hành động gì ngăn chặn, cứ để dầu trôi vào nhà máy, dẫn đến vào nguồn nước”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung thẳng thắn.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, UBND TP.Hà Nội khẳng định đây là trách nhiệm của đơn vị này đồng thời chỉ đạo, yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu Tư nước sạch sông Đà cần tổ chức khắc phục ngay lượng chất thải tại khu vực đầu nguồn tại khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình cũng như vùng dầu hiện còn trên hồ Đầm Bài. Đồng thời, phải thực hiện ngay việc súc xả toàn bộ hệ thống nước sạch sông Đà từ Nhà máy, bể chứa, các tuyến đường ống truyền dẫn, phân phối, kể cả các bể chứa khu chung cư, toàn bộ tại các địa bàn người dân sử dụng nước do Công ty cung cấp. Viwasupco phải chịu trách nhiệm toàn bộ chi phí thực hiện.
Lộ diện đại gia 8X bí ẩn đứng sau Công ty nước sạch sông Đà
Trước sự cố ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà này, Viwasupco còn mang tai tiếng với nhiều vụ bê bối về chất lượng nước và hạ tầng công trình. Điển hình là doanh nghiệp này đã để xảy ra 22 lần vỡ đường ống nước vì sử dụng ống nhựa do Trung Quốc sản xuất có chất lượng kém khiến hàng triệu người dân thủ đô Hà Nội lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Tuy nhiên, dù xảy ra hàng loạt sự cố, bê bối lớn về chất lượng nguồn nước cung cấp, nhưng Công ty nước sạch sông Đà vẫn đang “thầu” phần lớn thị phần cung cấp nước sạch khi cứ hai đồng lại thu về một đồng (50%) tiền lãi.
Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà có tiền thân là Công ty TNHH MTV Nước sạch Vinaconex được thành lập ngày 21.3.2009. Ngày 22.9.2009, cổ phần hoá chuyển thành CTCP nước sạch Vinaconex. Ngày 1.2.2019, đại hội cổ đông công ty đã họp và thống nhất đổi thành CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà.
Theo báo cáo thường niên năm 2018, năm 2018, Công ty Nước sạch Sông Đà đã bán ra 91 triệu m3 và đạt doanh thu 468 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lên tới 218 tỷ đồng. Đây là mức siêu lợi nhuận của một công ty nước sạch khi cứ 2 đồng thu về công ty lại lãi 1 đồng, VnEconomy cho biết.
Năm 2019, công ty đặt mục tiêu doanh thu 534 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 183 tỷ. Kế hoạch khá thận trọng với sự giảm nhẹ của lợi nhuận nhưng thực hiện lại cao hơn nhiều. Theo cập nhật của công ty, 6 tháng năm 2019 doanh nghiệp đạt doanh thu 263 tỷ, tăng 22,3% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng chỉ 113 tỷ. Trong khi các chi phí tài chính, chi phí bán hàng không đáng kể khiến lợi nhuận từ kinh doanh tăng lên 133 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty cũng đạt 126 tỷ, tăng 37% so với cùng kỳ.
Tính đến thời điểm 30.6.2019, tổng tài sản của công ty đạt 1.477 tỷ đồng. Nợ phải trả của Nước sạch Sông Đà là 453 tỷ, trong đó chủ yếu là người mua trả tiền trước. Công ty có khoản vay nợ dài hạn 387 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đạt 1.023 tỷ, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 271 tỷ.
Đáng chú ý, cổ đông lớn nhất, chi phối và kiểm soát công ty hiện nay là Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex với 45,348 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ 60,46%. REE nắm 35,95% cổ phần, Quỹ đầu tư MB nắm 2,22%. Đây là 3 cổ đông lớn nhất nắm gần 99% cổ phần công ty.
Tuy nhiên, Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex chỉ là công ty con của Tổng CTCP thiết bị điện Việt Nam (Gelex) - một trong những đại gia sản xuất, phân phối, đầu tư thiết bị điện.
Gelex thành lập năm 1990 với vốn điều lệ ban đầu 177 tỷ đồng và doanh thu 300 tỷ đồng. Đến năm 2018, vốn điều lệ của Gelex tăng lên hơn 4.000 tỷ đồng, doanh thu thuần 13.700 tỷ đồng, lợi nhuận ròng gần 1.300 tỷ đồng. Doanh nhân thế hệ 8X nổi tiếng trong giới tài chính Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Năng lượng Gelex chính là ông Nguyễn Văn Tuấn.
Ông Tuấn nổi tiếng trong giới đầu tư chứng khoán với biệt danh “Tuấn mượt”. Ngay từ khi còn trẻ, Nguyễn Văn Tuấn đã nổi tiếng trên thương trường với những thương vụ M&A đình đám như vụ mua cổ phần thoái vốn tại Tổng công ty cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam từ Bộ Công Thương ngay trên sàn.
Trước đó là Công ty Dây cáp điện Việt Nam (CAV). Doanh nhân này từng làm lãnh đạo tại Công ty chứng khoán Xuân Thành của “bầu Thụy”. Hiện ông Nguyễn Văn Tuấn nắm nhiều chức vụ gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc của Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam, Chủ tịch Công ty Dây cáp điện Việt Nam, Chủ tịch Công ty TNHH Thiết bị điện, Phó chủ tịch Công ty TNHH S.A.S - CTAMAD, Phó Chủ tịch Công ty Hạ tầng Fecon.
Không chỉ là ông chủ của Gelex, ông Tuấn hiện là Chủ tịch HĐQT của Viglacera sau khi cùng nhóm đại gia trẻ thâu tóm hàng chục triệu cổ phần mà Bộ Xây dựng thoái vốn từ công ty này.
Sở hữu tiềm lực tài chính mạnh, thiên hướng đầu tư chủ yếu vào các mặt hàng thiết yếu như điện, nước những ngành dù khó khăn kinh tế cũng không bị ảnh hưởng này đã gia tăng khối tài sản của nhóm này lên tới hàng chục nghìn tỷ. Chỉ tính riêng khối tài sản tại Nước sạch Sông Đà, gia đình đại gia kín tiếng này đã có khối tài sản trên 1.500 tỷ đồng.
Những khu đất vàng của ông chủ nước sạch sông Đà
Ở thời điểm hiện tại, Gelex kinh doanh tập trung ở 4 lĩnh vực chính là công nghiệp, tiện ích, logistics và bất động sản.
Bên cạnh thế mạnh về lĩnh vực công nghiệp, Gelex hiện sở hữu rất nhiều dự bất động sản nổi tiếng kinh doanh khách sạn, bán lẻ, văn phòng. Tại Hà Nội Gelex có các địa điểm như: tổ hợp khách sạn 5 sao Melia Hà Nội và tòa nhà văn phòng HCO; tổ hợp khách sạn, dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê tại số 10 Trần Nguyên Hãn và 27 - 29 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm; tòa nhà văn phòng cao cấp Gelex Tower 52 Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng.
Ngoài thủ đô Hà Nội, Gelex tăng cường phát triển đầu tư tại các khu công nghiệp ở Hải Phòng và Quảng Ninh (khu công nghiệp Cát Hải - Hải Phòng, Tiền Phong - Quảng Ninh).
Trong số các dự án địa ốc mà Gelex đang nắm giữ, nổi bật nhất là Tổ hợp khách sạn Melia Lý Thường Kiệt gồm khách sạn Melia và tòa văn phòng Hanoi Center Office (HCO). Melia có vị trí địa lý đắc địa, từng đón tiếp nhiều nguyên thủ quốc gia đến đây. Đặc biệt, chính khách sạn này đã được phái đoàn Triều Tiên, dẫn đầu bởi Chủ tịch Kim Jong-un, lựa chọn làm nơi lưu trú khi đến Hà Nội tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ- Triều lần thứ hai. Theo hồ sơ kinh doanh, pháp nhân sở hữu khách sạn Melia là Công ty SAS-CTAMAD, liên doanh được thành lập năm 1994 giữa Công ty cổ phần Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM) và Công ty SAS Trading.
Ngoài ra, Gelex còn làm chủ một khu tổ hợp văn phòng cao cấp khác là Gelex Tower tại số 52 Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng. Các văn phòng hạng A cùng nhiều tiện ích kèm theo hiện đại với tổng diện tích xây dựng là hơn 18.000m2 gồm 22 tầng nổi và 3 tầng hầm.
Chưa hết, Gelex còn sở hữu dự án khách sạn Bình Minh, tổ hợp trung tâm thương mại - khách sạn - văn phòng cho thuê đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao tại khu ngã tư Trần Nguyên Hãn - Lý Thái Tổ. Tổng diện tích dự án này vào khoảng 9.934m2, dự kiến khởi công vào quý I 2020.
Đáng chú ý, ngoài 3 khu đất vàng nói trên tại Hà Nội, Gelex cũng sở hữu dự án Cadivi Tower tại quận 1, TP.HCM.