Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã xác nhận rằng họ ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria và quá trình giải quyết chính trị, theo một tuyên bố chung mở rộng của hai nước.
Hậu quả đáng tiếc
Trước đó, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence, sau cuộc hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, đã công bố thỏa thuận mà theo đó, Ankara cam kết ngừng hoạt động quân sự ở Syria trong 120 giờ.
Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, nhà phân tích chính trị Grigory Krasovsky đã bày tỏ quan điểm của mình về tình hình này.
"Chính sách đối ngoại của Mỹ được thiết lập không chỉ với việc mời chào những "củ cà rốt", mà còn gợi ý đến cả "cây gậy" nữa. Trong trường hợp này, chính những biện pháp trừng phạt kinh tế khủng khiếp sẽ ảnh hưởng đến không chỉ nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, mà cả đến ngành công nghiệp quân sự. Thổ Nhĩ Kỳ đã mua thiết bị quân sự được sản xuất tại Mỹ, tất cả những thứ này đều cần được bảo trì, cần có phụ tùng thay thế... Vì vậy, tôi nghĩ rằng ông Pence, trong chuyến thăm đến Ankara, rất có thể, đã nhắc nhở ông Erdogan rằng hậu quả của việc không tuân theo các yêu cầu nhất định của Hoa Kỳ có thể sẽ rất đáng tiếc", - chuyên gia Grigory Krasovsky nêu quan điểm.
Lập trường kiên quyết của Moskva
Theo chuyên gia, việc chấm dứt chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria sẽ không thể đạt được nếu không có lập trường vững chắc của Nga trong vấn đề này.
“Tôi tin rằng điều này là do lập trường kiên quyết của Liên bang Nga và cuộc trò chuyện qua điện thoại giữa ông Erdogan với Tổng thống Putin. Đã có những cuộc đàm phán ở cấp lãnh đạo chính sách quân sự và đối ngoại, khi Thổ Nhĩ Kỳ được giải thích rằng, bất chấp sự tôn trọng đối với quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc tự bảo vệ mình khỏi người Kurd, việc xâm nhập chủ quyền lãnh thổ Syria sau khi nó đã được thông qua, là không thể chấp nhận được - cần phải làm việc theo những định dạng đã được thiết lập”, - chuyên gia cho biết.
Chiến dịch “Nguồn hòa bình”
Vào ngày 9 tháng 10, Ankara tuyên bố bắt đầu Chiến dịch “Nguồn hòa bình” ở miền bắc Syria chống lại Đảng Công nhân người Kurd và nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo* bị cấm ở Thổ Nhĩ Kỳ. Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công các thành phố ở biên giới Syria cùng ngày. Sau đó, hoạt động trên bộ của chiến dịch cũng được tuyên bố bắt đầu.
Chính quyền Syria đã nhiều lần lên án chính sách chiếm đóng của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syria. Nga tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ cần tránh những hành động có thể cản trở việc giải quyết cuộc xung đột Syria, đang diễn ra từ năm 2011.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp đặt biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, liên quan đến chiến dịch quân sự này.
* Nhóm khủng bố bị cấm ở Nga