Sáng 21/10, bên hành lang Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã có cuộc trao đổi nhanh với báo chí về những trăn trở trước khi Quốc hội miễn nhiệm chức Bộ trưởng Y tế, Vietnamnet đưa tin.
Kết quả 8 năm lãnh đạo ngành y tế
Bà Tiến chia sẻ, trong 8 năm lãnh đạo ngành y tế, bà hài lòng vì sự đổi mới toàn diện của lĩnh vực mình phụ trách.
"Tôi vui vì chất lượng dịch vụ y tế tăng lên và người dân thấy rõ điều đó. Theo đánh giá của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), hiện nay 80% người dân hài lòng với dịch vụ y tế, đặc biệt là tuyến huyện", bà Tiến nói.
Bộ trưởng Y tế cũng nhấn mạnh đến việc triển khai chính sách hỗ trợ mua 100% bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, 70% cho hộ cận nghèo đã giúp "những người yếu thế không bị bỏ lại phía sau".
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế cho rằng bà "có thể làm tốt hơn nữa" với lĩnh vực y tế cơ sở và chăm sóc sức khoẻ cho người chưa bị đau bệnh.
"Trong hai nhiệm kỳ, tôi phải tập trung giải quyết những khó khăn, bất cập ở các bệnh viện để người dân... hạ hoả, vì lâu nay họ đã quá bức xúc", bà Tiến nói.
Tuy nhiên, theo bà, số người bệnh chỉ chiếm 5 - 10% dân số, do vậy việc chăm sóc những người khoẻ cũng rất quan trọng, bao gồm công tác y tế dự phòng, phát hiện bệnh sớm, vận động người dân thực hiện lối sống lành mạnh để phòng bệnh, nhất là ung thư, tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp... Để làm tốt công việc này, bà Tiến cho rằng chất lượng y tế cơ sở phải tốt hơn và Việt Nam cần tiến tới mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế với toàn dân.
Chia sẻ thêm về những trăn trở chưa làm được, bà Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ tiếc nuối vì "nhiều công trình y tế xây dựng chưa xong để phục vụ người dân tốt hơn".
"Trong lĩnh vực dược, có những vấn đề đang được giải quyết, tôi cũng bị mang tiếng thị phi. Nhưng thực chất là có những thông tin không chính xác và tôi nghĩ cơ quan chức năng sẽ xử lý công minh, chính xác, đúng người, đúng tội, không bỏ sót, không oan sai", bà Tiến nói.
Nhìn lại gần trọn hai nhiệm kỳ Bộ trưởng Y tế, bà Tiến từ chối "tự chấm điểm cho mình", song bà chia sẻ những chủ trương, chính sách từ Trung ương, Quốc hội và Chính phủ đưa đến ngành y tế triển khai đều có "áp lực công việc rất lớn".
Trả lời câu hỏi về nhân sự kế nhiệm, bà Tiến nói "tôi chưa biết, việc này sẽ do các cấp có thẩm quyền và Ban cán sự Đảng Bộ Y tế giải quyết".
Vì sao Quốc hội miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế ngay giữa nhiệm kỳ?
Về quyết định miễn nhiệm chức Bộ trưởng đối với đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương Lê Quang Thưởng nhận định với báo Giao thông cho biết:
“Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chưa hết nhiệm kỳ nhưng đã không còn giữ chức Bí thư cán sự Đảng ở Bộ Y tế. Còn về mặt chính quyền thì phải chờ Quốc hội họp. Tại kỳ họp Quốc hội, Chính phủ có thẩm quyền trình ra Quốc hội miễn nhiệm thành viên của mình”.
Nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương Lê Quang Thưởng cho rằng, việc Quốc hội phải miễn nhiệm ngay đang giữa nhiệm kỳ là một trường hợp rất đặc biệt. Xét theo lẽ thường, các Bộ trưởng hay Ủy viên Trung ương Đảng dù đến tuổi nghỉ hưu nhưng nếu đang trong nhiệm kỳ thì vẫn được phép đảm trách nhiệm vụ đến hết thời hạn nhiệm kỳ.
Sau đó, ông Lê Huy Ngọ đã được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm giữ chức Trưởng ban Phòng chống Lụt bão Trung ương.