Nhật hoàng Naruhito có tiếp bước phụ thân?
Trường hợp lên ngôi của Nhật hoàng Naruhito rất độc đáo. Nguyện ước của Thiên hoàng Akihito, mong muốn được nghỉ hưu vì tình trạng sức khỏe và tuổi tác, đã gây ra nhiều tranh cãi về sự cần thiết sửa đổi luật pháp và tiến hành cải cách trong vương triều. Tuy nhiên, không chỉ riêng việc nhận ngôi báu không theo chuẩn mực lâu đời khiến Nhật hoàng Naruhito khác biệt với những vị quân vương tiền nhiệm.
Suốt 30 năm, Thái tử sống cùng nhà với cha mẹ và em trai em gái, là điều chưa từng diễn ra xưa nay. Trước đó, các hoàng đế tương lai, kể cả Thiên hoàng thân phụ của Thái tử Naruhito, đều được nuôi dưỡng tách biệt với song thân của họ, sống trong nhà của các quần thần, bởi theo truyền thống thì Nhật hoàng nên gần dân, những người quan trọng với ông hơn cả họ hàng ruột thịt. Hồi những năm 80, Thái tử đã bình luận về sự giáo dưỡng của bản thân như sau:
“Tôi nghĩ rằng khi bạn chia sẻ được cảm xúc của những người thân yêu và gần gũi, thì cũng sẽ dễ cảm thông và hiểu tâm tư của nhân dân hơn”.
Ngoài ra, Thái tử Naruhito trở thành vị hoàng đế đầu tiên nhận học vấn ở nước ngoài. Trong hồi ức của mình, tân Nhật hoàng đã gọi những năm tháng học tập là “thời gian hạnh phúc nhất”.
Đồng thời, một trong những đặc điểm nổi bật của thời kỳ Reiwa-Lệnh Hòa là kế tục việc tổ chức số lượng lớn các sự kiện xã hội trong thời Bình Thành khi Thiên hoàng Akihito gặp gỡ những người dân Nhật bình thường. Có thể chính truyền thống này, được vua cha thân phụ khởi đầu, sẽ được tân Nhật hoàng Naruhito cố gắng bảo tồn.
Vai trò của hoàng hậu
Cuộc gặp của ông Donald và bà Melania Trump với ông Naruhito và phu nhân Masako hồi tháng 5 năm nay là sự kiện giật gân đích thực. Đây là lần đầu tiên cặp đôi hoàng gia giao tiếp với các vị khách nước ngoài mà không cần đến phiên dịch.
Hoàng hậu Masako cư xử trái ngược với những quan niệm vốn đã được chấp nhận thành định kiến không lời: bà vợ của ông Naruhito đứng ngang hàng với hoàng đế chứ không lui về phía sau, và thoải mái chứ không hề kiềm chế gì trong cuộc trò chuyện, thậm chí còn vui vẻ nói đùa với các vị khách.
Cuộc gặp này trở nên rất quan trọng từ góc độ thay đổi cái nhìn của công chúng Nhật với Hoàng hậu Masako, người trong quá khứ đã không chỉ một lần hứng chịu nhiều cuộc tấn công khác nhau và đến giờ vẫn như xưa phải chịu đựng cái gọi là “rối loạn chức năng thích nghi” (bằng ngôn từ của các phương tiện truyền thông cực đoan thì đó là “chứng rối loạn tâm thần trầm cảm”). Dù vậy, như TS Sử học Eiichi Miyashiro TBT “Asahi Shimbun” nói với Sputnik, thái độ này vẫn có thể thay đổi nữa.
“Tiềm thức của người Nhật được cấu trúc theo cách là trong khi chúc mừng họ tránh những chỉ trích, vì vậy bây giờ ngự trị trong công chúng là tâm trạng lễ hội. Đại diện truyền thông được yêu cầu kiềm chế cảm hứng thái quá và tránh soi mói. Nếu bật TV, thì trên màn hình bây giờ chỉ có những từ chào mừng và tung hô. Nhưng tương lai sẽ cho thấy người ta đánh giá cặp đôi hoàng gia mới như thế nào sau lễ đăng quang”.
Thông lệ và cải cách
TS Sử học Eiichi Miyashiro cho rằng, bất kể quan điểm tiến bộ của ông Naruhito, rất khó để dự đoán liệu Nhật hoàng thời kỳ Lệnh Hòa có thể biến các ý tưởng đó thành hiện thực hay chăng, nếu tính đến những hạn chế truyền thống và sự xét nét khắt khe của công luận.
“Tôi nghĩ rằng tân Nhật hoàng là người có nhãn quan đổi mới và không nghi ngờ gì, ông sẽ bày tỏ ý kiến của mình về nhiều vấn đề khác nhau, nhưng bởi các tuyên bố chính trị ở đất nước này nằm trong vòng cấm kị, tôi không biết nhà vua sẽ thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ của mình thế nào ở tình huống như vậy”.
Theo Hiến pháp, hoàng đế không có quyền tham gia vào đời sống chính trị của đất nước hoặc lên tiếng về cách thức tốt nhất để thay đổi luật pháp. Tuy nhiên, TSKH Lịch sử Anatoly Koshkin từ Viện phương Đông (Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga), giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Kinh tế và Luật Osaka thì cho rằng quyền lực của tân Nhật hoàng có thể được nới rộng.
“Những người Nhật theo phái hữu mong nhìn thấy ở hoàng đế không chỉ là một biểu tượng cao cả chung chung của quốc gia. Họ muốn khôi phục đặc quyền và các ưu đãi trước đây của nhân vật ngự trên ngai vàng. Họ cho rằng làm như vậy sẽ có khả năng đoàn kết dân tộc thống nhất quốc gia. Do đó, việc tân Nhật hoàng lên ngôi có thể kèm theo những nỗ lực theo hướng này. Nhưng liệu có đạt thành tựu hay chăng, thật khó để nói chắc, bởi động chạm đến các điều khoản chính yếu của Hiến pháp Nhật Bản. Tuy nhiên, đáng chú ý là Thủ tướng Shinzo Abe ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp, cho nên mọi thứ đều có thể”, - TSKH Lịch sử Anatoly Koshkin tuyên bố với Sputnik.
Ngay từ khi còn là Thái tử, ông Naruhito đã nhận xét: “Cần hiểu chính xác những đòi hỏi gì từ hoàng gia trong khuôn khổ thời đại cụ thể, và điều chỉnh cách tiếp cận tới các công việc của đất nước tương ứng với thực tế hiện đại”.
Những thay đổi trong hoàng gia là yêu cầu khá tự nhiên. Tuy vậy, để quyết định cái gì nên thay đổi còn những gì cần được bảo lưu như trước – rõ ràng không phải là nhiệm vụ giản đơn, và ở đây vai trò của hoàng đế đặc biệt hệ trọng. Bây giờ dân chúng Nhật Bản và toàn thế giới có cơ hội quan sát cách thức Nhật hoàng Naruhito gánh vác trọng trách và đảm đương nhiệm vụ này như thế nào.