Kế hoạch thành lập khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới
Cuộc đàm phán về việc thành lập RCEP đã bắt đầu từ 7 năm trước, vào tháng 11 năm 2012. Đại diện của 16 quốc gia - 10 nước ASEAN cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, đã quyết định thành lập một khu vực kinh tế với chế độ thương mại tự do và các rào cản thương mại sẽ được giảm. Sau khi ký kết thỏa thuận chung, trên bản đồ thế giới có thể xuất hiện một tổ chức với tổng dân số gần 3,6 tỷ người, chiếm 1/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Các bên đã tổ chức gần 30 vòng đàm phán, vô số cuộc họp, đã không chỉ một lần cam kết hoàn thành cuộc đàm phán và ký văn bản chung vào năm 2018 hoặc năm 2019. Tại cuộc gặp ở Bangkok, những người tham gia đã tuyên bố rằng, tất cả các vấn đề đã được giải quyết và không có trở ngại nào cho việc ký kết thỏa thuận trong năm 2020 tới.
Lý do ông Modi rút khỏi đàm phán RCEP là gì?
Phát biểu tại Bangkok, Thủ tướng Ấn Độ nói:
“Hình thức hiện tại của RCEP không phản ánh đầy đủ tinh thần cơ bản và các nguyên tắc hướng dẫn đã được nhất trí trước đó. Nó không giúp giải quyết thích đáng các mối lo ngại và các vấn đề đang tồn tại của Ấn Độ. Trong tình huống như vậy, Ấn Độ không thể tham gia RCEP”.
Lập trường của Thủ tướng Ấn Độ chịu ảnh hưởng của các tầng lớp cử tri, trước hết là nông dân lo ngại trước sự cạnh tranh từ các quốc gia sản xuất nhiều sản phẩm sữa như Úc và New Zealand. Người Ấn Độ cũng rất lo ngại nước này sẽ bị ngập trong hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc. Ở Ấn Độ, nỗi sợ cạnh tranh đã dẫn đến làn sóng phản đối, yêu cầu Chính phủ khồng tham gia thỏa thuận RCEP. Mặc dù đảng của ông Modi đã giành phần thắng trong cuộc bầu cử quốc hội vừa qua, phe đối lập vẫn sử dụng mỗi cơ hội để chỉ trích đảng Bharatiya Janata Party (BJP).
RCEP. Tồn tại hay không tồn tại?
Một số nhà quan sát so sánh tình hình hiện tại với RCEP với Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là Hiệp định TPP). Như các bạn biết, tổ chức này được thành lập với sự tham gia tích cực nhất của Hoa Kỳ, nhưng, vào năm 2017, tân Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi TPP. Tuy nhiên, 11 thành viên còn lại của TPP đã đạt được thỏa thuận về việc tạo ra một TPP mới. Hầu hết các quốc gia (7/11) đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là Hiệp định CPTPP.
Nhiều khả năng thỏa thuận RCEP sẽ đạt được. Trung Quốc quan tâm nhiều nhất đến điều đó, vì đối với Bắc Kinh, đây sẽ là hiệp định thương mại tự do đa phương lớn nhất. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bày tỏ sự ủng hộ đối với kết quả đàm phán ở Bangkok
Việt Nam cũng có thái độ tích cực đối với tư cách thành viên RCEP, mặc dù một số chuyên gia Việt Nam lo ngại rằng đất nước của họ sẽ phải vật lộn, bởi vì những nước khác tham gia RCEP, ngoại trừ Nhật Bản, New Zealand và Úc, có danh mục hàng hoá xuất khẩu tương tự như Việt Nam .
Liệu Chính phủ Ấn Độ có thể suy nghĩ lại và quyết định thay đổi quan điểm? Không thể loại trừ điều này. Một số đại biểu tại Hội nghị thượng đỉnh ở Bangkok tuyên bố rằng, khi nào Ấn Độ sẵn sàng, họ sẽ được chào đón. Và Ấn Độ, xét theo chính sách Hành động Hướng Đông (Act East Policy) của Thủ tướng Narendra Modi, cũng rất quan tâm đến việc phát triển mối quan hệ với các nước Đông Á và Đông Nam Á. Rất có thể văn bản của thỏa thuận sẽ được điều chỉnh có tính đến lợi ích của phía Ấn Độ.