Phát hiện nhờ tăng cường công tác xét nghiệm cho người nhiễm HIV trong cộng đồng
Nhằm kiểm soát và phát hiện người mắc mới HIV trong nhóm nam có quan hệ với nam (MSM), một trong những giải pháp quan trọng nhất là tăng cường việc tự xét nghiệm trong cộng đồng, tuyên truyền rộng rãi, có chiều sâu về vấn đề này. Hiện đã có khá nhiều người thuộc nhóm MSM tham gia hoạt động tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS, xét nghiệm tại cộng đồng và sinh hoạt cộng đồng ở các nhóm MSM. Điều này được Cục phòng chống HIV/AIDS đánh giá cao.
Anh N.N.C. (ngụ Cần Thơ), nhân viên tiếp cận cộng đồng chuyên làm tư vấn xét nghiệm cho cộng đồng MSM cho biết, chỉ trong 2 tháng đầu tiên triển khai, anh đã thực hiện xét nghiệm cho hơn 70 đối tượng, trong đó đã có một số người dương tính với HIV.
H.V.B. (21 tuổi, ngụ Cần Thơ) tỏ ra hoang mang khi nhận kết quả dương tính với HIV, dù theo các tư vấn viên, B. vẫn càn đến bệnh viện để chẩn đoán chuyên sâu. “Em yêu bạn tình đồng giới đã 1 năm nay, chúng em yêu nhau nên không hề đề phòng, không dùng bất cứ biện pháp phòng chống HIV nào. Giờ mới ngỡ ngàng đau đớn thế này” - B. trần tình với báo Lao động.
C. và nhiều bạn khác trong cộng đồng MSM thường tổ chức các buổi tuyên truyền nguy cơ lây nhiễm HIV và cung cấp dịch vụ tự nguyện xét nghiệm HIV cho những người thuộc nhóm đối tượng này. Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều bạn khác chưa được tiếp cận với dịch vụ, chưa quyết liệt tự bảo vệ bản thân.
T.Q.P, trưởng nhóm S Đỏ, tập hợp các thành viên cộng đồng MSM (Cần Thơ) cho biết, hình thức xét nghiệm HIV tại cộng đồng này rất an toàn, bảo mật danh tính, cho ra kết quả nhanh và đáng tin cậy nên nhiều bạn trong nhóm MSM đã tình nguyện đến thực hiện kiếm tra lây nhiễm HIV. Nhờ đó, các bạn chủ động phát hiện sớm được tình trạng bệnh của mình, tự biết cách bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh.
“Thông qua các buổi sinh hoạt của nhóm MSM, em cũng lồng ghép các câu chuyện, chia sẻ những kiến thức đúng, những kinh nghiệm của mình đến các bạn trong nhóm để cùng hiểu và thực hành đúng về phòng, chống HIV/AIDS” - P. nói.
Việc triển khai mô hình xét nghiệm HIV tại cộng đồng và tư vấn xét nghiệm đã đạt được hiệu quả rất cao trong việc tăng tỉ lệ xét nghiệm ở nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV cao. Và, cũng chính từ hoạt động này đã góp phần khẳng định sự gia tăng chóng mặt của những bệnh nhân nhiễm HIV thuộc nhóm này.
“Các bạn MSM còn quá nhiều rào cản để có thể tự tin đối diện với cộng đồng. Từ đó, các bạn thu mình lại, rụt rè và chúng tôi rất khó để tiếp cận với các bạn nhằm tuyên truyền phòng chống HIV. Khi quan hệ đồng giới, có thể bao caosu - phương pháp hiệu quả nhất để phòng chống HIV sẽ không còn nhiều tác dụng. Hơn thế, sự tổn thương lớn giữa những người quan hệ đồng giới nam cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc các bạn mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục” - P. nói thêm.
Tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm đối tượng MSM: Có thể sẽ còn tăng gấp đôi
Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Nguyễn Hoàng Long cho biết, hiện có khoảng 20% người nhiễm HIV ở Việt Nam là người đồng tính nam, nhưng tỉ lệ này có thể tăng lên đến 40% và năm 2025. Để được đánh giá là ngăn chặn thành công đại dịch HIV, cần giảm số ca mắc mới hàng năm xuống dưới 1000 ca, tuy nhiêm số ca mặc mới hàng năm ở Việt Nam hiện là 10.000 ca. Trong đó, đáng lo ngại là nhóm đối tượng đồng tính nam, có tốc độ lây lan HIV chóng mặt.
Theo khảo sát của Cục phòng chống HIV/AIDS, tuổi trung bính của người nhiễm mới HIV ở nhóm đồng tính nam là 23. Phần lớn trong số các bệnh nhân sống tại TP. HCM, tiếp đó là Bình Dương và Hà Nội.
Cũng theo Cục phòng chống HIV/AIDS, một tỉ lệ đáng kể (8-11%) trong số những người được khảo sát cho biết họ từng quan hệ tình dục tập thể. Tuy nhiên, tỉ lệ dùng bao cao su chỉ từ 52-76%, tỉ lệ dùng ma túy từ 9-22%.
Dù hiện tại thế giới chưa có vắc-xin chủng ngừa HIV/AIDS, Việt Nam đã bắt đầu đưa vào sử dụng loại thuống dùng qua đường uống, mỗi ngày 1 viên, có khả nagw giúp phòng tránh 95% nguy cơ ở nhóm có hành vi nguy cơ cao như nghiện tiêm chích, quan hệ tình dục đồng giới, người bán dâm,… Tính đến nay, đã có khoảng 4000 người áp dụng biện pháp phòng tránh này,
Dịch HIV/AIDS tại Việt Nam giảm trên nhiều tiêu chí
Sau 5 năm cam kết hưởng ứng mục tiêu 90-90-90 (90 % người có HIV biết được tình trạng bệnh của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp) của Liên Hợp quốc, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Theo đó, đại dịch HIV/AIDS tại Việt Nam tiếp tục có xu hướng giảm trên nhiều tiêu chí: giảm số người nhiễm mới, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS.
Đây là thông tin do Tiến sỹ Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) thông báo khi phát biểu tại hội thảo tăng cường vai trò của cộng đồng trong phòng chống HIV/AIDS, do Cục phòng chống HIV/AIDS, Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS và PEPFAR tại Việt Nam cùng đối tác phối hợp tổ chức ngày 14/11 ở Hà Nội.
Tiến sỹ Cảnh cho biết, số lượng người nhiễm HIV được điều trị HIV/AIDS liên tục tăng qua các năm. Hiện ở Việt Nam có 131.000 bệnh nhân đang được điều trị ARV, hơn 52.000 người đang được điều trị bằng Methadone. Mỗi năm, khoảng 2 triệu người được xét nghiệm HIV, hàng chục triệu lượt người được tiếp cận truyền thông, bao cao su, bơm kim tiêm...
Năm 2019, Việt Nam được ghi nhận nằm trong nhóm các nước thực hiện hiệu quả nhất thế giới trong công tác phòng chống HIV/AIDS, đã điều trị ức chế tải lượng virus HIV (số lượng các mảnh hoặc các thành phần của virus chứa trong một thể tích máu) ở mức không phát hiện được.
Việt Nam cũng đang quyết liệt triển khai chiến dịch truyền thông trên quy mô lớn "K=K" (không phát hiện = không lây truyền), nghĩa là người nhiễm HIV, uống thuốc ARV hằng ngày đến mức đạt được và duy trì tải lượng virus không phát hiện, không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục.
Chương trình "K=K" đã giúp các nhóm đối tượng nguy cơ cao tăng cường xét nghiệm sớm HIV; người được chẩn đoán nhiễm HIV sống tích cực, tiếp cận sớm dịch vụ điều trị và tuân thủ điều trị, xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ. Bằng chứng khoa học này giúp người cung cấp dịch vụ và cộng đồng giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.
Sự chung tay góp sức từ cộng đồng
“Đây là thành quả từ sự tham gia mạnh mẽ từ các tổ chức dựa vào cộng đồng trong phòng chống HIV/AIDS. Bởi nếu chỉ hệ thống y tế công làm vai trò này sẽ không thể tiếp cận hiệu quả với nhiều đối tượng, nhất là các đối tượng yếu thế trong xã hội. Ước tính ở Việt Nam, các tổ chức xã hội đã đóng góp từ 20-50% trong số các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS”, Vietnam+/TTXVN dẫn phát biểu của Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh cho biết.
Ông Mark P. Troper - Giám đốc điều phối PEPFAR – Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội ghi nhận những đóng góp của các tổ chức cộng đồng cho chương trình phòng chống HIV/AIDS. Ông Troper cũng bày tỏ ấn tượng về cách thức tổ chức, chia sẻ trách nhiệm, chung tay hướng tới mục tiêu là kiểm soát và cải thiện chất lượng cuộc sống của những người chịu ảnh hưởng bởi HIV.
Các nhóm cộng đồng, mạng lưới và doanh nghiệp xã hội đã giúp hỗ trợ cung cấp dịch vụ như truyền thông, phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, đưa các đối tượng đến các cơ sở y tế nhận dịch vụ thích hợp hay chăm sóc tại nhà. Ngoài ra, thời gian gần đây, các tổ chức xã hội còn cung cấp các dịch vụ khác như tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) hay vận động chính sách, tham gia lập kế hoạch và theo dõi, đánh giá.
Hội thảo lần này được tổ chức để ghi nhận sự đóng góp của các tổ chức cộng đồng trong công tác phòng chống HIV/AIDS, đồng thời huy động sự tham gia của cộng đồng và tổ chức dựa vào cộng đồng trong mục tiêu kiểm soát dịch HIV/AIDS.
Năm 2019, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm chọn chủ đề cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS với chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS”.
Thống kê cho biết, trong 9 tháng của năm 2019, Việt Nam có hơn 7.700 người mới nhiễm HIV, số tử vong do AIDS là 1.428 người. Ước tính, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có khoảng hơn 211.000 người nhiễm HIV.