Quy trình miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế và Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật
Từ ngày 18/11, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV bước sang tuần làm việc thứ 5. Được biết, Quốc hội sẽ dành thời gian cho công tác nhân sự bổ nhiệm và miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế và Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật.
Trên cơ sở đó, vào ngày 22/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đối với ông Nguyễn Khắc Định. Ông Định vừa được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa.
Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến.
Sau khi trình danh sách, Quốc hội sẽ thảo luận ở đoàn về việc miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế. Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận ở đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến.
Bước tiếp theo, Quốc hội tiến hành thành lập Ban kiểm phiếu. Tiếp nữa, Quốc hội tiến hành bỏ phiếu kín về phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau đó Quốc hội nghỉ giải lao và Ban kiểm phiếu làm việc.
Sau khi làm việc, Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế; Quốc hội tiến hành thảo luận và thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế.
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch nước sẽ ra quyết định miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế.
Nội dung làm việc tuần thứ 5 của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV
Ngoài nội dung về nhân sự, trong tuần tới, Quốc hội dự kiến thông qua một số dự án luật quan trọng.
Theo đó, ngày 18/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn về công tác xây dựng pháp luật.
Ngày 19/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Thảo luận ở tổ về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Sau đó, ngày 20/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi). Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Tiếp thep, ngày 21/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Biểu quyết thông qua Luật Thư viện.
Ngày 22/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua 4 luật, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.