Nhiều nước trên thế giới không có tần số cho 5G
Ngày 7/12/2019, Hội Vô tuyến Điện tử và Cục Tần số Vô tuyến điện đã tổ chức Hội nghị Quốc gia lần thứ XXII về điện tử, truyền thông và công nghệ thông tin 2019 (REV-ECIT 2019).
Năm 2019, với chủ đề “Thúc đẩy phát triển thông tin di dộng 5G và ứng dụng”, hội nghị thu hút sự tham gia của 200 đại biểu đại diện cho các bộ, ngành trung ương, các hội, hiệp hội trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực điện tử, truyền thông và công nghệ thông tin (CNTT).
Phát biểu tại phần khai mạc REV-ECIT 2019, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho biết báo cáo trình bày trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ các ưu tiên trọng tâm của ngành công nghệ thông tin.
Theo ông Tâm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần phát triển hạ tầng số trên nền tảng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại, đồng hành cùng thế giới đưa mạng 5G vào hoạt động với thiết bị sản xuất trong nước.
Việt Nam cần phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái số Việt với các nền tảng dùng chung, các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, từng bước tiến đến làm chủ các công nghệ nền tảng cho chuyển đổi số sang nền kinh tế số.
Để cụ thể hóa các chỉ đạo của Chính phủ trong thời gian qua, Bộ TT&TT đang đẩy mạnh các chính sách mới, phương thức thực thi mới để phát triển CNTT và truyền thông Việt Nam đáp ứng các yêu cầu phát triển của đất nước.
“Để hỗ trợ cho việc xây dựng và triển khai hiệu quả các chính sách này, chúng ta cần có nhiều nghiên cứu phát triển công nghệ phục vụ để triển khai cung cấp dịch vụ 5G thương mại ở Việt Nam cũng như nghiên cứu phát triển các thiết bị đầu cuối 5G, thiết bị mạng 5G. Bên cạnh đó, phải nghiên cứu các công nghệ hạ tầng ICT băng rộng- công nghệ nền tảng của cách mạng công nghiệp 4.0 như AI, IoT, Big data. Bộ TT&TT cũng đang nghiên cứu quy hoạch tần số cho mạng di động thế hệ mới, các sản phẩm và giải pháp IoT”, Thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.
Chia sẻ về tần số cho 5G, ông Lê Văn Tuấn, Phó cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết có một thực tế rất nhiều nước trên thế giới không có tần số cho 5G. Các nhà cung cấp thiết bị có thể nói rất hay về 5G nhưng thực tế những nhà quản lý phải tính đến nhiều yếu tố cho phù hợp. Hội nghị Vô tuyến Thế giới đưa ra rất nhiều khuyến nghị về băng tần cho 5G ví dụ như 700 MHz, 2,3 MHz.
Phiên kỹ thuật và Diễn đàn tại REV-ECIT 2019
REV-ECIT 2019 được tổ chức thành hai phiên chính thức gồm phiên kỹ thuật và Diễn đàn.
Tại các phiên kỹ thuật, các đại biểu, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các diễn giả sẽ trình bày các báo cáo khoa học, các công trình nghiên cứu, thảo luận về thực trạng, các định hướng nghiên cứu khoa học công nghệ trong các lĩnh vực về điện tử, truyền thông và công nghệ thông tin.
Được biết, có 66 báo cáo, công trình nghiên cứu được gửi đến Hội nghị, trong đó 54 báo cáo đã được chấp nhận và 22 báo cáo được trình bày trong 4 tiểu ban là: tiểu ban Truyền thông và Vô tuyến; tiểu ban Kỹ thuật điện tử; tiểu ban Công nghệ thông tin và mạng; tiểu ban xử lý tiến hiệu cùng với 32 báo cáo được trình bày bằng poster.
Tại Phiên Diễn đàn “Thúc đẩy phát triển thông tin di động 5G và ứng dụng” trên cơ sở các báo cáo từ các tập đoàn sản xuất thiết bị phục vụ cho phát triển mạng 5G như Qualcomm, Huawei, và các doanh nghiệp thông tin di động của Việt Nam VNPT, Viettel, Mobifone, các đại biểu sẽ thảo luận về các bước chuẩn bị thiết yếu cho việc phát triển mạng 5G tại Việt Nam cũng như việc khai thác các lợi thế khi mạng này được phủ sóng rộng khắp trên cả nước.
Bên lề Hội nghị, Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam tổ chức lễ chúc mừng các tân GS, PGS mới được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận năm 2019 và Nhà Khoa học tiêu biểu do Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam vinh danh.
Đại diện 10 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông cũng mang đến các giải pháp, sản phẩm để giới thiệu với các nhà khoa học cũng như các đơn vị truyền thông để có những trao đổi học thuật hướng đến hoàn thiện cho phát triện mạng 5G ở Việt Nam.