Trong mắt các chuyên gia quân sự quốc tế, Quân đội nhân dân Việt Nam là một trong năm đội quân thiện chiến nhất thế giới trong lịch sử cận đại ở Thế kỷ XX.
Tướng Liên Xô khen ngợi Quân đội nhân dân Việt Nam
Đã có hàng loạt công trình nghiên cứu, bài viết về sức mạnh Quân đội nhân dân Việt Nam cũng như điều kỳ diệu làm nên những chiến thắng lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt khiến cả thế giới ngỡ ngàng, dư luận và nhân dân thế giới cũng phải bày tỏ sự ngưỡng mộ xuyên suốt chiều dài lịch sử các cuộc chiến bảo vệ nền hòa bình, độc lập tự do của dân tộc, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đại tá Nguyễn Thụy Anh trong bài viết “Quân đội Nhân dân Việt Nam trong mắt các chuyên gia quân sự thế giới: Thiện chiến bậc nhất” của mình đăng trên Trí Thức Trẻ đã tổng hợp và phân tích những đánh giá chuyên sâu của các nhà bình luận quân sự hàng đầu thế giới về đội quân thiện chiến khiến cả các quốc gia chiến hữu, anh em lẫn cựu thù đều hết lòng khen ngợi.
Theo chuyên gia quân sự Việt Nam, Đại tá Nguyễn Thụy Anh, trong lịch sử cận đại, giới quân sự và các nhà sử học đã dõi theo, phân tích một cách rất chuyên sâu về lịch sử chiến tranh của nhân loại và đưa ra nhận định: Có 5 đội quân thiện chiến bậc nhất trên thế giới từ giữa thế kỷ 20 tới nay theo đánh giá của giới bình luận quân sự phương Tây gồm Hồng quân Liên Xô, Đức, Nhật, Israel và Việt Nam.
Kể từ khi thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) vào ngày 22.12.1944 chỉ với 34 chiến sĩ.
Ngay sau ngày thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã mưu trí, anh dũng, xuất sắc lập chiến công trong hai trận Phai Khắt và Nà Ngần, mở đầu cho truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam, cùng nhân dân cả nước vùng lên phá tan ách thống trị của thực dân, giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 lịch sử, khai sinh nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc và bảo vệ Tổ quốc, dù phải trải qua nhiều hy sinh, gian khổ, các thế hệ “Bộ đội Cụ Hồ” luôn đoàn kết, mưu trí, dũng cảm, cùng toàn Đảng, toàn dân lập nên những chiến công hiển hách, lần lượt đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975 để giành lại độc lập, hòa bình và thống nhất đất nước.
Chiến dịch Điện Biên Phủ là một trong những chiến dịch có quy mô lớn nhất của lực lượng Bộ đội Cụ Hồ.
“Chín năm làm một Điện Biên. Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”, chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Đại tá Nguyễn Thụy Anh một lần nữa khẳng định giá trị và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ khiến thế giới phải ngỡ ngàng và nể phục. Đây là một trong những đỉnh cao chói lọi, kỳ tích vẻ vang trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, xứng đáng được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa trong thời đại Hồ Chí Minh.
Đó là thắng lợi của khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, của ý chí tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam, thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc, dân chủ nhân dân trên thế giới và của lương tri thời đại.
“Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến trường, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Genève 1954 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm oanh liệt và chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta”, vị chuyên gia viết.
Đánh giá và nhận định về chiến thắng này, giới chuyên gia quân sự trong và ngoài nước đều có chung nhận định:
“Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là một trận chiến chấn động địa cầu khi lần đầu tiên đội quân của một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh bại đội quân nhà nghề của một quốc gia tư bản hùng mạnh và đặt dấu mốc cho sự kết thúc của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới”.
Quả thật, chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử.
Lực lượng bộ đội Việt Nam, các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ với vũ khí, trang bị thô sơ nhưng lại làm thất bại mọi âm mưu của loạt tướng lĩnh Pháp nổi tiếng cùng đoàn quân lê dương với đầy đủ vũ khí hạng nặng.
Đồng chí Nguyễn Thụy Anh đã trích dẫn những phân tích, bình luận đánh giá của Thượng tướng - Giáo sư, Tiến sĩ A.I.Khiupenen (sinh năm 1928, tốt nghiệp Học viện Pháo binh Liên Xô năm 1961), trưởng thành từ trung đội trưởng tới Tư lệnh binh chủng Tên lửa phòng không quốc gia về “màn trình diễn tuyệt vời” của quân đội và nhân dân Việt Nam.
Giáo sư, Tiến sĩ A.I.Khiupenen là Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô ở Việt Nam giai đoạn tháng 12.1972- tháng 1.1975 và đã được tặng thưởng 35 huân, huy chương các loại, trong đó có huân chương Chiến công hạng Nhất của Chính phủ Việt Nam.
Theo Đại tá Thụy Anh, Tướng A.I. Khiupenen bay tới Hà Nội sáng ngày 15.12.1972 - ba ngày trước khi hàng trăm chiếc B-52 ào ạt tiến vào Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngày hôm sau ông gặp Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam và nhận được thông báo về khả năng có cuộc tập kích lớn của Không quân Mỹ.
Chiều ngày 18.12.1972, buổi tiếp ông của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bị cắt ngang vào khoảng 19h bởi tiếng còi báo động rền vang: Chiến dịch Linerbacker-2 của Không quân Mỹ đã bắt đầu.
Cuộc tập kích đường không chiến lược lớn nhất trong toàn bộ cuộc chiến Việt Nam được Nhà trắng chỉ đạo và Bộ chỉ huy Không quân chiến lược Mỹ tổ chức chặt chẽ với sự huy động tối đa lực lượng của cả lực lượng Không quân, Hải quân thuộc Hạm đội 7 và toàn bộ các căn cứ quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương.
“Họ muốn làm 1 cú sốc buộc Việt Nam phải gục ngã. Và kết quả cuối cùng lại là 1 cú sốc cho chính những kẻ thích dùng sức mạnh của hàng chục chiếc B-52 bị hạ gục tại trận cùng hàng trăm phi công bị chết và bị bắt”, vị chuyên gia cho biết.
Đúng như lịch sử quân sự thế giới chứng kiến, dù từng làm mưa, làm gió khắp nơi trên toàn cầu nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ siêu Pháo đài bay B-52, thần tượng của sức mạnh Hoa Kỳ, lại bị bắn rơi tại chỗ nhiều đến thế, ngay giữa thủ đô Hà Nội và có chiếc còn nguyên cả bom đạn không kịp thả.
Cho đến tận ngày nay, đó vẫn là sự kiện quân sự duy nhất chưa hề được lặp lại trong bất cứ cuộc chiến tranh và xung đột nào trên thế giới.
Trong hồi ký của mình, Thượng tướng A.I.Khiupenen đã viết:
“Giao vũ khí tên lửa cho các chiến sỹ Việt Nam là giao vào những bàn tay vàng của những con người quả cảm và tài trí mà không bom đạn, khó khăn nào có thể khuất phục được”, vị chuyên gia quân sự Nga bình luận.
Tiếp đến, Đại tá Nguyễn Thụy Anh trích dẫn quan điểm ý kiến của ông A. Khramchikhin Phó giám đốc Viện nghiên cứu chính trị, quân sự (Viện Hàn lâm khoa học Nga) và nhà bình luận quân sự Nga I.Polonski đăng trên tạp chí “Bình luận quân sự” và một số báo khác của Nga:
“QĐND Việt Nam được thành lập từ các đội du kích của những người yêu nước Việt Nam chống lại sự đô hộ của thực dân Pháp và đội quân chiếm đóng Nhật Bản, thường được người dân Việt Nam gọi là “Bộ đội cụ Hồ” hay “Bộ đội Việt Nam”. Quân số lúc đầu vẻn vẹn có 34 chiến sỹ với vũ khí chỉ có 1 khẩu súng máy, 17 súng trường, 14 súng kíp và 2 khẩu súng ngắn. Thế nhưng chính là những chiến binh đó đã giành chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất chống lại đội quân viễn chinh Pháp hùng mạnh với trang bị gấp bội vào năm 1954”, đó là những ngày đầu tiên và những chiến thắng đem lại hy vọng cho đoàn quân Việt Nam.
Tiếp đến, các nhà bình luận quân sự Nga tiếp tục phân tích những thất bại của quân đội Mỹ tại Việt Nam, vì sao quân và dân Việt Nam lại có được sức mạnh, dũng khí thần kỳ để chiến thắng đế quốc hàng đầu thế giới lúc bấy giờ. Đó là gì nếu không phải là đường lối quân sự đúng đắn, sự soi đường của tư tưởng, của khát khao hòa bình và khát vọng tự do của dân tộc và nhất là tinh thần việt nam, sự đoàn kết không gì có thể phá vỡ nổi.
“Rồi sau đó, họ lại đánh bại quân đội hiện đại bậc nhất của siêu cường Mỹ trong cuộc Chiến tranh Đông Dương đẫm máu lần thứ hai và thậm chí đã đánh bật cuộc tấn công biển người của Quân đội Trung Quốc trong 1 cuộc chiến ngắn ngủi và tàn khốc đầu năm 1979. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng 1/4 thế kỷ. Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hiện đại”, giới quân sự Nga bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với sức mạnh, tinh thần chiến đấu “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, tất cả vì hòa bình, tự do, độc lập của Tổ quốc, vì hạnh phúc của muôn dân.
Còn cả cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, sự giúp đỡ, ủng hộ trong sáng của Quân đội nhân dân Việt Nam giúp cứu nhân dân Campuchia khỏi chế độ Pol Pot của Khmer đỏ, nạn diệt chủng trong những năm cuối thập niên 70 (1979). Quân đội Việt Nam đã đánh tan 23 sư đoàn quân Pol Pot chỉ trong vòng nửa tháng với tốc độ tiến công đáng kinh ngạc là 25 km mỗi ngày, dù Việt Nam đang kiệt quệ sau 30 năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Đại tá Nguyễn Thụy Anh cho hay, xét về khía cạnh quân sự, theo các tướng lĩnh phương Tây, đây chính là tốc độ hành binh thuộc loại nhanh nhất trong chiến tranh hiện đại mà chỉ có những đội quân thiện chiến hàng đầu trong lịch sử như Hồng quân Liên Xô, Đức, Israel mới có thể đạt được khi tấn công trên chiến trường.
Có thể nói, tổng hòa tất cả những yếu tố trên, những thắng lợi đã đưa Quân đội nhân dân Việt Nam vào hàng ngũ những lực lượng vũ trang hiệu quả nhất và thiện chiến nhất trên thế giới trong lịch sử cận đại ở thế kỷ 20 mà theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự phương Tây thì đó là 5 đội quân của Đức, Nhật, Israel, Hồng quân Liên Xô và Việt Nam.
Kẻ thù cũng phải nể phục: Vì sao lính Mỹ thất bại trước Quân đội nhân dân Việt Nam?
Theo chuyên gia Nguyễn Thụy Anh, không chỉ nhận được những lời khen ngợi từ phía các đồng minh cùng chung lý tưởng xã hội chủ nghĩa thời bấy giờ mà ngay cả từ phía bên kia chiến tuyến, đối phương cũng phải bày tỏ sự nể phục khi nhắc đến tinh thần chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Điều ai cũng có thể thấy chính là, trong chiến tranh với Việt Nam, liên quân Mỹ, kể cả Việt Nam Cộng Hòa và các nước chư hầu luôn có ưu thế hơn hẳn về mọi mặt như quân số vũ khí trang bị rất tối tân và hoàn toàn làm chủ bầu trời. Thế nhưng họ lại không thể nào làm chủ được chiến trường mà luôn phải bị động đối phó với cách đánh của bộ đội Việt Nam, từ vùng rừng núi đến các đô thị, từ năm trước sang năm sau, hết trận này đến trận khác.
“Họ thật là những chiến binh dũng mãnh nhất mà tôi từng gặp, còn tinh thần của lính Sài Gòn thì thấp như ngọn cỏ. Hãy cho tôi 1 đội quân với những chiến binh như vậy, tôi sẽ bình định thế giới này”, một sĩ quan Mỹ trực tiếp theo dõi chiến sự đã phải thốt lên sau nhiều cuộc đụng độ dữ dội giữa quân Mỹ và lính Sài Gòn với quân Giải phóng.
Thậm chí, lực lượng Thủy quân lục chiến, vốn được coi là binh chủng chiến đấu tinh nhuệ bậc nhất của quân đội Hoa Kỳ khi giao chiến với bộ đội Cụ Hộ cũng phải báo cáo với cấp trên của mình rằng: ‘Họ chiến đấu giỏi như chúng ta vậy!”.
Theo Đại tá, chính những chiến sĩ Việt Nam “chân trần, chí thép” ấy đã vượt qua mưa bom, bão đạn của mọi đội quân xâm lược để lập nên chiến công hiển hách như cha ông mình bao thế kỷ trước trong sự nghiệp giữ nước.
“Đất Việt quê hương tôi hiền hòa với những người dân tần tảo, lam lũ sớm hôm trên những cánh đồng lúa, suốt đời chỉ mong mưa thuận gió hòa để có đủ hạt gạo nuôi sống bản thân và gia đình mình. Sống chung với mưa giông, bão tố và thiên tai khắc nghiệt, song hành với lạc hậu và nghèo nàn, người dân Việt bao đời nay chỉ mong được sống bình yên chứ chẳng có mưu cầu gì hơn. Chúng ta không hề gây chiến với ai mà luôn phải nhún nhường, chẳng gây thù chuốc oán hay muốn đối đầu với các cường quốc hiếu chiến”, có lẽ biết bao thế hệ người Việt, các chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ đã phải buông những lời ấy.
Đại tá Nguyễn Thụy Anh cũng nói lên tinh thần của mỗi người dân yêu nước, mang trong mình khát khao bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ dân tộc, như những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Cây muốn yên mà gió chẳng đừng, chúng ta càng nhún nhường thì họ lại càng lấn tới”, để rồi những người nông dân chân đất phải vác tầm vông, giáo mác đứng lên chống lại xe tăng, đại bác của quân xâm lược. Họ buộc phải chiến đấu với quân thù tàn ác và luôn mạnh hơn rất nhiều lần, đương nhiên là dân tộc ta phải gánh chịu những tổn thất vô cùng nặng nề mà không bút nào tả xiết.
Máu xương của hàng triệu chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã thấm đẫm từng tấc đất quê hương, hòa vào hồn thiêng sông núi để giữ vững quê cha đất tổ, mang lại bình yên cho con cháu đời sau. Những người anh hùng liệt sĩ ấy sẽ sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam và trường tồn với lịch sử ngàn năm bi hùng của non sông, đất nước này.
Trải qua biết bao cuộc đấu tranh chống xâm lược với rất nhiều mất mát, hy sinh to lớn, hơn ai hết, nhân dân Việt Nam luôn khát vọng và hiểu rõ giá trị của hòa bình, độc lập, tự do. Và có lẽ, sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với ý chí đoàn kết dân tộc không gì lay chuyển nổi chính là lý do vì sao dân tộc Việt Nam bất khả chiến bại.