Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư TP.HCM Lê Thanh Hải bị xem xét kỷ luật
Theo thông cáo báo chí của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ), từ ngày 3 đến 8.1.2020 tại Hà Nội, cơ quan kiểm tra, giám sát chuyên trách của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp Kỳ họp thứ 42.
Đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp này. Trong khuôn khổ đợt làm việc, UBKTTƯ đã có nhiều nội dung kết luận đáng chú ý về sai phạm của hàng loạt nhân sự cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị Việt Nam quản lý. Đặc biệt là trường hợp của Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư TP.HCM Lê Thanh Hải liên quan đến sai phạm ở Thủ Thiêm và Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng bị đề nghị kỷ luật liên quan dự án TISCO II.
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, vi phạm của Ban thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010-2015, của Ban cán sự Đảng UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2011-2016 và một số cá nhân trong đó có ông Lê Thanh Hải- nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền thành phố, gây bức xúc trong dư luận xã hội, đến mức phải xem xét kỷ luật.
Ban Thường vụ Thành ủy và Ban cán sự Đảng UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Nêu lý do xem xét kỷ luật, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khẳng định Ban Thường vụ Thành ủy và Ban cán sự Đảng UBND đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của một bộ phận nhân dân Thành phố, gây bức xúc trong xã hội.
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương: “Đồng chí Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy”.
Đối với ông Lê Hoàng Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Chủ tịch UBND Thành phố, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận cùng phải chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy và chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng UBND Thành phố.
Vào tháng 9.2018, Thanh tra Chính phủ đã công bố hàng loạt sai phạm của UBND TP HCM và các bộ, ngành liên quan trong quá trình triển khai dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm như thu hồi sai 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch, giao đất trong khu vực được quy hoạch tái định cư cho 51 doanh nghiệp làm dự án.
Đến tháng 9.2019, Thanh tra Chính phủ tiếp tục chỉ ra một loạt sai phạm khác về kinh tế của chính quyền TP.HCM và các sở ngành tham mưu, yêu cầu thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng bị cho là tạm ứng sai quy định, duyệt tổng mức đầu tư các dự án hạ tầng BT không đúng quy định
Sai phạm tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm gắn liền với trách nhiệm của ông Lê Thanh Hải, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM. 160 ha tái định cư đã làm hàng nghìn người dân phải sống cơ cực, “có nhà mà không thể ở”, tha hương trên chính mảnh đất của mình.
Cựu chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Hải nhiệm kỳ 2001- 2006, được xem là người khơi mào cho những sai phạm nghiêm trọng trong quá trình triển khai thực hiện dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, đặc biệt là đã chỉ đạo quy hoạch xé nát 160 ha đất tại định cư của người dân bị giải tỏa.
Ngoài ông Lê Thanh Hải và Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng công bố kết quả giám sát một số tập thể và cá nhân như Ban cán sự đảng và đồng chí Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban cán sự đảng và đồng chí Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh Đồng Tháp và Bình Phước, Ban Thường vụ Đảng ủy và đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Quy chế làm việc, công tác cán bộ, thực hiện nhiệm vụ chính trị và thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Kết quả kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng đối với Ban Thường vụ Đảng ủy và Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Trị, Ban Thường vụ Thành ủy và Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng.
Qua kiểm tra, giám sát, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên phát huy ưu điểm, nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và sớm có biện pháp khắc phục các hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra qua kiểm tra, giám sát.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói về vụ xem xét kỷ luật ông Lê Thanh Hải
Sáng 9.1, trong buổi tiếp xúc báo chí, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã lên tiếng trả lời những vấn đề liên quan đến kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM và nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư thành ủy TP. Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải.
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) đã tiến hành làm việc, kiểm tra công tác đối với Ban thường vụ Thành ủy suốt trong ba tháng. Với những kết quả trên cơ sở đợt làm việc này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận cụ thể.
“Sắp tới, chúng tôi tổ chức kiểm điểm các đồng chí, tổ chức liên quan. Kết quả kiểm điểm sẽ chuyển lên Ủy ban Kiểm tra Trung ương vì đây là nhân sự do Bộ Chính trị quản lý”, Zing dẫn phát biểu của Bí thư Nhân thông tin về quy trình xử lý sai phạm.
Trước đó, Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã tổ chức kiểm điểm cán bộ do UBND quản lý sau kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, kết luận vừa qua của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng để lại những bài học về công tác cán bộ.
“Nguyên tắc là phải làm đúng quy chế của cấp ủy các cấp. Thành ủy có quy chế hoạt động trong đó quy định việc gì phải bàn với Thường trực, Thường vụ để quyết định. Việc gì thường vụ quyết định thì UBND mới làm… Trong đó, dự án di dời trên 1.000 dân thì phải có ý kiến của Thường vụ rồi UBND mới trình lên HĐND để làm. Hoặc các dự án có quy mô lớn thì Thường vụ phải thảo luận trước”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải bị đề nghị kỷ luật
Trước đó, kết luận tại kỳ hợp 41 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ, ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có vi phạm, khuyết điểm khi cho một số ý kiến chỉ đạo đối với Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II – Công ty gang thép Thái Nguyên (TISCO II).
Tại kỳ họp từ ngày 3-8.1, Ủy ban Trung ương tiến hành xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Thép Việt Nam và một số cá nhân liên quan đến các vi phạm đã được kết luận tại Kỳ họp 41 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Liên quan đến nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm tại Tổng Công ty Thép Việt Nam, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức “Khai trừ ra khỏi Đảng” đối với các đồng chí: Mai Văn Tinh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT, Đậu Văn Hùng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam, Trần Văn Khâm, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT, Trần Trọng Mừng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc, Ngô Sỹ Hán, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Gang thép Thái Nguyên.
Cũng liên quan đến vi phạm, khuyết điểm tại dự án TISCO II, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật bằng hình thức “Cảnh cáo” đối với hàng loạt cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ: ông Văn Trọng Lý, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Nguyễn Văn Tài, nguyên Hàm Vụ trưởng Văn phòng Chính phủ, Đỗ Cảnh Dương, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên cán bộ Văn phòng Chính phủ. Khiển trách đối với các đồng chí Nguyễn Hữu Vũ, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Đặng Thúc Kháng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT, Lê Phú Hưng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam.
“Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Ủy viên BCSĐ, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Thép Việt Nam các nhiệm kỳ 2005 - 2010, 2010 – 2015”, thông cáo Kỳ họp 42 khẳng định.
Sai phạm của Nguyên Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ở dự án TISCO II
Được phê duyệt năm 2005 dự án TISCO II có tổng vốn đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng (khoảng hơn 242 triệu USD) với hai gói thầu chính.
Thứ nhất là gói thầu mỏ sắt Tiến Bộ đã hoàn thành đưa vào sử dụng với giá trị thanh toán là trên 224 tỷ đồng. Thứ hai là gói thầu EPC dây chuyền công nghệ luyện kim được tổ chức đấu thầu và tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) trúng thầu với giá hơn 161 triệu USD. Hai bên cam kết mức giá là “trọn gói, không thay đổi trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng, và đã bao gồm các khoản thuế phí”. Thời gian thực hiện hợp đồng EPC được ấn định là 30 tháng, kể từ ngày ký. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, TISCO và MCC đã ký với nhau 10 phụ lục điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng trong hợp đồng EPC đã ký.
Dự án được Chủ tịch HĐQT Công ty gang thép Thái Nguyên phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư hơn 8.100 tỷ đồng (tăng trên 4.200 tỷ đồng) năm 2013. Tuy nhiên Thanh tra Chính phủ cho rằng việc điều chỉnh này là hoàn toàn “không có cơ sở”.
Năm 2017, khi Thanh tra Chính phủ cùng nhiều cơ quan kiểm tra, kiểm soát vào cuộc, tổng giá trị TISCO thanh toán cho dự án là hơn 4.400 tỷ đồng. Trong đó, thanh toán cho MCC trên 92% giá trị hợp đồng nhưng các hạng mục đều chưa hoàn thành. Đến năm 2013, MCC và các nhà thầu đã dừng thi công.
“Hiện một số thiết bị đã gỉ sét, hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng dự án, thiệt hại vốn đầu tư”, Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ được công bố cuối tháng 2.2019 cho thấy, dự án của TISCO có nhiều sai phạm, xảy ra ở tất cả các khâu, có liên quan đến trách nhiệm của TISCO, VNS, Bộ Công thương, các cơ quan Chính phủ.
Sai phạm lớn nhất được chỉ rõ là việc điều chỉnh tổng mức đầu tư thiếu cơ sở pháp lý, thanh toán trái nguyên tắc cho nhà thầu. Những sai phạm này đều gắn với trách nhiệm của ông Hoàng Trung Hải, khi đó là Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, thời điểm TISCO xin điều chỉnh tổng mức đầu tư, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản 7650 ngày 28.12.2012 gửi các bộ: Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư cùng Ngân hàng Nhà nước đề nghị cho ý kiến “để có cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.
Điều đáng nói là, trong khi hầu hết các bộ, ngành đều phản đối vì việc đội vốn của dự án không đủ cơ sở pháp lý, thì ngày 21.4.2013 Văn phòng Chính phủ lại ra Văn bản số 3136 thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải gửi Bộ Công thương và VNS đồng ý cho HĐQT VNS quyết định, chịu trách nhiệm việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án. Văn bản cũng đồng ý về nguyên tắc các Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương xem xét, cho vay tiếp.
Căn cứ văn bản này, TISCO đã nâng tổng mức đầu tư dự án lên hơn 8.104 tỷ đồng “không có cơ sở”. Với đề xuất của Bộ Công thương và TISCO, ngày 20.11.2014, ông Hoàng Trung Hải ký Văn bản số 2339 đề cập “tiếp tục thực hiện dự án với tổng mức đầu tư điều chỉnh 8.104 tỉ đồng”. Đến ngày 11.6.2015, Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản số 196 thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải “đồng ý để TISCO thanh toán các khoản chi phí trả cho MCC (vật tư thiết bị hư hỏng bởi gỉ sét, lão hóa do lưu kho lâu ngày)”.
Những ý kiến chỉ đạo cũng như văn bản do ông Hoàng Trung Hải ký trong dự án này được Thanh tra Chính phủ và cơ quan chức năng khẳng định là “không đúng với hợp đồng EPC cũng như các quy định pháp luật về đầu tư”.
Đến tháng 4 năm 2019, cơ quan cảnh sát điều tra (C03) thông báo đã khởi tố vụ án về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” khi điều tra mở rộng 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại dự án. Hai cựu sếp của Tổng công ty Thép Việt Nam.
Ba cựu lãnh đạo Công ty gang thép Thái Nguyên bị bắt, bị khởi tố liên quan đến vụ án này.