Sau cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia Vương quốc Anh, Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố vẫn cho phép Huawei tham gia các mạng 5G, nhưng chỉ trong việc xây dựng các mạng truy cập vô tuyến, đồng thời, sẽ cấm công ty Trung Quốc cung cấp hàng cho các phần "nhạy cảm", được gọi là mạng lõi. Quyết định của London có thể ảnh hưởng đến lập trường của Liên minh châu Âu trong vấn đề này.
Chính quyền Trump đã tuyên bố, họ vô cùng thất vọng với quyết định của Boris Johnson. Hoa Kỳ đã nhiều lần kêu gọi tất cả các đồng minh của họ loại bỏ hoàn toàn thiết bị của các công ty Trung Quốc, bao gồm cả Huawei, khỏi mạng viễn thông 5G. Nếu không, Hoa Kỳ đe dọa sẽ ngừng trao đổi thông tin tình báo nhạy cảm với các đối tác, bởi vì, như Washington khẳng định, Huawei có mối liên hệ chặt chẽ với nhà nước Trung Quốc và có thể gián điệp cho Trung Quốc. Huawei đã bác bỏ cáo buộc công ty làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc và đề nghị mời các chuyên gia độc lập để kiểm tra kỹ lưỡng độ an toàn của các sản phẩm.
London đã xem xét khả năng thiết lập sự hợp tác với Huawei trong việc xây dựng mạng 5G ngay cả dưới Chính phủ Theresa May. Nhưng, quyết định phức tạp này đã bị hoãn mấy lần. Hoa Kỳ đã liên tục gây áp lực lên London. Ngay trước thềm cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia, một phái đoàn do Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Matt Pottinger dẫn đầu đã đến Vương quốc Anh. Phía Mỹ đã cố gắng vào phút cuối ảnh hưởng đến quyết định của Boris Johnson và nhấn mạnh rằng việc cho phép công ty Trung Quốc tiếp cận mạng di động 5G Anh Quốc là “điên rồ”. Tuy nhiên, lần này Vương quốc Anh phớt lờ Mỹ và cho phép Huawei tham gia dự án này.
London quyết định hành động như trước: cấm công ty Trung Quốc cung cấp hàng cho các phần "nhạy cảm",ví dụ, nơi đặt máy chủ lưu trữ dữ liệu và bộ định tuyến và chuyển mạch. Mặt khác, phía Anh không thấy có gì nguy hiểm trong việc sử dụng thiết bị Trung Quốc trong các mạng truy cập vô tuyến, bao gồm ăng-ten và trạm gốc. Đồng thời, để duy trì sự cạnh tranh lành mạnh và không phụ thuộc vào một nhà cung cấp, Vương quốc Anh đã đặt giới hạn: Huawei chỉ được cung cấp tối đa 35% trong "vùng ngoại biên" của mạng 5G. Ngoài ra, Huawei cũng bị cấm ở các khu vực gần căn cứ quân sự, cơ sở hạt nhân, v.v.
“Chúng tôi đã được đảm bảo rằng chính phủ Anh sẽ cho phép công ty tiếp tục làm việc với các nhà mạng để phát triển mạng 5G. Quyết định này sẽ giúp chúng ta có một cơ sở hạ tầng viễn thông tiên tiến hơn, an toàn hơn và hiệu quả hơn về chi phí, phù hợp với tương lai. Chúng tôi cung cấp các công nghệ tiên tiến cho các nhà khai thác viễn thông của Anh trong hơn 15 năm. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác bằng cách hỗ trợ khách hàng của chúng tôi trong việc phát triển mạng 5G, kích thích tăng trưởng kinh tế và giúp Vương quốc Anh cạnh tranh thành công trên thị tường quốc tế. Chúng tôi tin rằng một thị trường rộng lớn của các nhà cung cấp và sự cạnh tranh công bằng là cần thiết để đảm bảo độ tin cậy và phát triển hệ thống liên lạc - cũng như để thuyết phục người tiêu dùng về việc họ đang sử dụng các công nghệ tiên tiến nhất”.
Phía Mỹ khẳng định rằng, trong tương lai sự phân chia giữa mạng lõi và mạng truy cập vô tuyến sẽ bị xóa mờ, bởi vì theo kiến trúc công nghệ của các mạng mới, mạng lõi không phải là phức hợp phần cứng, như ở 4G, mà chủ yếu là phức hợp phần mềm. Dữ liệu được lưu trữ đám mây, còn các tính toán được thực hiện gần các trạm gốc để giảm thiểu độ trễ và tăng tốc độ truyền dữ liệu. Do đó, theo phía Mỹ, cách tiếp cận của Vương quốc Anh không thể bảo vệ họ khỏi rò rỉ dữ liệu nhạy cảm. Tuy nhiên, như tuyên bố của Bộ trưởng Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Nicky Morgan, London đã thông qua quyết định đặc biệt này chỉ vì lý do cụ thể của Vương quốc Anh liên quan đến các vấn đề cụ thể mà nước này đang phải đối mặt. Giai đoạn đầu của mạng 5G sẽ được xây dựng không phải từ con số 0 mà trên cơ sở hạ tầng của mạng 4G hiện có. Và thị phần của thiết bị Huawei trong cơ sở hạ tầng này là khoảng 45%. Nếu London loại Huawei như Mỹ đòi thì sẽ phải tái cấu trúc hoàn toàn tất cả các mạng viễn thông hiện có, điều này sẽ kéo theo chi phí vật chất khổng lồ, và theo những ước tính khác nhau, Vương quốc Anh có thể bị tụt hậu mạng 5G từ 5 đến 7 năm.
Ở nhiều nước châu Âu có tình huống tương tự như vậy. Đức vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề Huawei, nhưng, Thủ tướng Đức Angela Merkel phản đối lệnh cấm hoàn toàn đối với thiết bị Trung Quốc, mặc dù các cơ quan tình báo của nước này không đồng ý với bà. Canada, một thành viên khác của nhóm Five Eyes, vẫn chưa xác định rõ lập trường của mình. Cơ quan tình báo an ninh Canada (CSIS) đòi phải cấm thiết bị Huawei, còn Cơ quan quản lý an ninh thông tin - truyền thông Canada (CSE) chống lại phương pháp này – họ cho rằng, rủi ro có thể được quản lý. Một số quốc gia châu Âu, như Ý, thậm chí tuyên bố rằng họ không có ý định từ bỏ Huawei và sẽ xuất phát từ lợi ích quốc gia trong các chiến lược viễn thông của họ. Hiện nay, ngoài Hoa Kỳ chỉ có Úc đã chính thức cấm thiết bị Huawei. Theo ghi nhận của truyền thông Anh, giờ đây thật khó tưởng tượng thế giới viễn thông nếu không có thiết bị của Trung Quốc. Trong hai thập kỷ qua, các nước phương Tây đã không bảo vệ và không hỗ trợ đầy đủ cho ngành công nghiệp viễn thông của họ, còn Trung Quốc suy nghĩ chiến lược. Kết quả là bây giờ không có nhà sản xuất châu Âu nào có thể cung cấp đầy đủ các giải pháp và dịch vụ viễn thông.