Trong khi đó, Nga đề nghị tổ chức cuộc đàm phán giữa các nhà lãnh đạo Israel và Palestine tại Matxcơva mà không cần điều kiện tiên quyết, ông Vasily Nebenzya, đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc cho biết tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an. Việc xem xét "thỏa thuận thế kỷ" trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tạm hoãn lại.
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, các chuyên gia nói về phản ứng của cộng đồng thế giới trước tình huống này và đưa ra dự đoán khi nào Palestine và Israel có thể ngồi vào bàn đàm phán.
Khi nào Israel và Palestine sẽ ngồi vào bàn đàm phán?
Tiến sĩ Khoa học lịch sử Alexandr Vavilov, giáo sư Học viện Ngoại giao của Bộ Ngoại giao Nga tin chắc rằng, hai bên tham gia cuộc xung đột chỉ có thể ngồi vào bàn đàm phán trên cơ sở các thỏa thuận được luật pháp quốc tế ấn định.
“Palestine có thể ngồi vào bàn đàm phán chỉ trong khuôn khổ kế hoạch do LAS đưa ra. Họ chỉ có thể chấp nhận phương án thành lập hai quốc gia dựa trên biên giới năm 1967. Chương trình này được Liên Hợp Quốc phê duyệt và nó đã trở thành một phần của luật pháp quốc tế. Cộng đồng quốc tế cũng sẽ ủng hộ chương trình này”, - ông Alexandr Vavilov nói với Sputnik.
Nói về hành động của phía Israel, ông giải thích thêm: “Tôi nghĩ rằng, Israel nên có cách tiếp cận thực tế với vấn đề này và cuối cùng nên bình tĩnh ngồi vào bàn đàm phán với Palestine trên những điều kiện này. Tôi rất thích tuyên bố gần đây của ông Mahmoud Abbas: "Đất nước Palestine hậu “thỏa thuận thế kỷ” do Tổng thống Donald Trump đề xuất sẽ chẳng khác nào miếng phô mai Thụy Sỹ. Rõ ràng, kế hoạch của Trump không thể chấp nhận được. Do đó, Mỹ sẽ phải quay lại những đề xuất cơ bản của năm 2002".
Nhà khoa học chính trị Palestine Alif al-Sabagh cũng cho rằng, cuộc đàm phán có thể bắt đầu chỉ trên cơ sở các điều ước quốc tế. Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, ông lưu ý: “Vào thời điểm này, cộng đồng thế giới vì nhiều lý do khác nhau không đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt các cam kết quốc tế hỗ trợ Palestine được quy định trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Không được để những cuộc đàm phán vi phạm luật pháp quốc tế hiện hành. Chúng ta phải giải quyết vấn đề chỉ dựa trên nền tảng này”.
Matxcơva - trung tâm mới cho cuộc đối thoại giữa Palestine và Israel?
Theo tuyên bố của ông Vasily Nebenzya, đại diện thường trực của Nga tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Matxcơva sẵn sàng làm trung gian trong cuộc đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết.
Giáo sư Alexander Vavilov chắc chắn rằng, trong khi Palestine hoàn toàn không tin tưởng vào Mỹ, Matxcơva là nơi duy nhất mà các bên có thể tổ chức cuộc đối thoại trên cơ sở bình đẳng.
“Matxcơva có thể trở thành địa điểm lý tưởng cho cuộc đàm phán giữa Palestine và Israel. Vì cả Mahmoud Abbas và Benjamin Netanyahu đều coi Matxcơva là một đối tác. Đối với người trung gian, điều quan trọng là cả hai bên đều coi mình là đáng tin cậy. Nhưng, tôi xin nhắc lại, trước hết Israel nên đánh giá thực tế tình trạng của vấn đề mà không chuyển giao toàn bộ trách nhiệm cho Trump. Chừng nào chưa có như vậy, Israel và Palestine không thể ngồi vào bàn đàm phán vì sẽ không có gì để thảo luận”, - chuyên gia Nga nhấn mạnh.
Tuy nhiên, chuyên gia Alif al-Sabagh không quá lạc quan. Theo ông, trong hoàn cảnh hiện tại Israel sẽ không bắt đầu đối thoại ngoài khuôn khổ kế hoạch của Trump.
“Chúng tôi thấy rằng, Nga đã sẵn sàng đóng vai trò cầu nối giữa chúng tôi và người Israel. Palestine đánh giá cao sự hòa giải này. Nhưng tôi không chắc chắn rằng, trong bối cảnh Mỹ thúc đẩy “thỏa thuận thế kỷ” trên trường quốc tế, phía Israel sẽ đồng ý đến Matxcơva để đàm phán trên các điều kiện khác”, - ông nói với Sputnik.
Nói về thái độ của Palestine đến đề xuất này, chuyên gia Palestine cho biết: “Tất nhiên, phía Palestine sẵn sàng đàm phán, đặc biệt là, nếu cuộc đàm phán được tổ chức tại một địa điểm đáng tin cậy. Nhưng, điều quan trọng là phải hiểu rõ về chủ đề chính của cuộc đàm phán: thực hiện các cam kết quốc tế hoặc tìm kiếm một giải pháp thay thế cho các quyết định này. Khác với Israel, chúng tôi không chấp nhận phương án thứ hai”.