Giá dầu đã giảm hơn 30% vào thứ Hai. Hợp đồng dầu Brent giao tháng 5 và tháng 4 đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1và tháng 2 năm 2016. Sự sụp đổ có quy mô gần giống như năm 1991 trong thời gian Chiến tranh vùng Vịnh Ba Tư.
Tại sao nhu cầu dầu toàn cầu đã giảm mạnh?
Nhu cầu dầu thế giới giảm mạnh bởi vì doanh nghiệp ở nhiều nước trên thế giới tạm dừng việc kinh doanh do tác động của bệnh dịch. Trong bối cảnh này, vào thứ Sáu, tại cuộc họp ở Vienna theo định dạng OPEC+, Ả Rập Saudi đề xuất cắt giảm sản lượng dầu thêm 1,5 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm nay. Nga không ủng hộ đề xuất này của OPEC và sẽ duy trì khối lượng sản xuất hiện tại. Kết quả là, kể từ ngày 1 tháng 4, không có nước nào trong OPEC hay OPEC+ có nghĩa vụ phải tuân thủ việc giảm sản lượng. Theo các phương tiện truyền thông, Ả Rập Saudi cho biết họ dự định tăng sản lượng và giảm giá dầu.
Trong bối cảnh thị trường dầu mỏ hỗn loạn, các chuyên gia dự báo giá dầu có thể giảm xuống mức 20 USD/thùng. Tuy nhiên, sau sự sụp đổ vào ngày thứ Hai, thị trường đã điều chỉnh dự báo giá dầu Brent trong quí II và III xuống khoảng 30 - 35 USD/thùng. Giá dầu sẽ phục hồi, thậm chí sẽ gia tăng so với mức đỉnh ban đầu. Chuyên gia Pang Changwei, Giám đốc Trung tâm Nga và Trung Á thuộc Viện Dầu khí Trung Quốc đưa ra dự báo này trong cuộc phỏng vấn của Sputnik:
“Mặc dù giá dầu thế giới đang giảm liên tục, Nga và các nước OPEC đã không đạt được sự đồng thuận về việc cắt giảm sản lượng dầu. Thất bại của cuộc đàm phán này đã gây ra sự sụp đổ của giá dầu thế giới. Theo tôi, vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc có thể được hưởng lợi từ giá dầu giảm. Bởi vì trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang bị trì trệ và sự lây lan của dịch COVID-19, tôi chắc chắn rằng, sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc và nền kinh tế thế giới sẽ chậm lại. Ngoài ra, hiện nay nhu cầu dầu của Trung Quốc không quá lớn, vì trong các kho dự trữ có đủ lượng dầu thô. Vì những lý do này, Trung Quốc phản ứng thờ ơ những biến động trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Hiện nay, có một nhiệm vụ quan trọng hơn - chiến thắng dịch bệnh càng sớm càng tốt. Điều này sẽ giúp khôi phục chuỗi sản xuất và hoạt động kinh doanh bình thường. Tôi nghĩ rằng, trong tương lai, giá dầu sẽ không chỉ trở lại mức trước đó (trước khủng hoảng) mà còn sẽ tăng lên mức cao hơn".
Giá dầu giảm mạnh dẫn đến điều gì?
Giá dầu thế giới giảm mạnh dẫn đến việc hàng loạt cổ phiếu từ lớn đến nhỏ bị bán tháo trên các sàn giao dịch chứng khoán ở châu Á, Úc và New Zealand. Đồng thời, nhiều nhà đầu tư lưu ý rằng, lời hứa của Ả Rập Xê Út tăng sản lượng dầu đã hạ giá dầu.
Vào thứ Hai, các chuyên gia đã ghi nhận mức giảm lớn nhất trong các lĩnh vực liên quan đến dầu mỏ, kim loại và công nghệ cao. Cụ thể, trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông, cổ phiếu PetroChina, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC), cũng như Sinopec đã giảm giá.
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia Xu Qinghua, Giám đốc Trung tâm Chiến lược năng lượng thế giới của Đại học Nhân dân Trung Hoa nêu ví dụ với Petrochina và lưu ý rằng, nhu cầu về cổ phiếu của các công ty năng lượng Trung Quốc không phải là tiêu chí chính quyết định vai trò của các công ty này trên thị trường:
“Trước đây, giá cổ phiếu PetroChina (một trong những công ty dầu khí lớn nhất Trung Quốc) cũng không cao lắm. Theo tôi, nguyên nhân của điều này không chỉ là giá dầu. Lý do chính là PetroChina với tư cách doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện nhiệm vụ chiến lược - cung cấp năng lượng cho đất nước. Đối với nhà nước, tiêu chí chính đánh giá hiệu quả hoạt động không chỉ là lợi nhuận, mà là sự phát triển lâu dài và ổn định. Vì vậy, theo tôi, vào thời điểm này, điều quan trọng đối với PetroChina không phải là những biến động giá cổ phiếu trên thị trường mà là việc giải quyết thành công các nhiệm vụ chiến lược của chính phủ”.
Điều đáng chú ý là, trên sàn giao dịch chứng khoán Tadawul của Saudi Arabia, cổ phiếu của tập đoàn dầu mỏ quốc gia Saudi Aramco cũng đi xuống. Cổ phiếu của Aramco lao dốc, đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Aramco thực hiện thành công thương vụ IPO “khủng” vào tháng 12/2019. Nói chung, các nhà đầu tư hoảng loạn bỏ chạy, điều đó dẫn đến việc Hang Seng Index của chứng khoán Hồng Kông, thị trường chứng khoán lớn thứ ba ở châu Á, sụt giảm.
Chỉ số CSI 300, đại diện cho 300 cổ phiếu bluechip trên hai sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến cũng giảm sâu. Chỉ số tổng hợp Thâm Quyến, Nikkei củaTokyo, Kospi của Seoul, S&P/ASX200 của Australia, S&P/NZX50 của New Zealand cũng đã giảm.
Hôm thứ Hai, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang ghi nhận rằng, Bắc Kinh muốn duy trì sự ổn định giá dầu. Trung Quốc, với tư cách là nhà nhập khẩu năng lượng lớn trên thế giới, hy vọng sẽ duy trì sự ổn định trên thị trường năng lượng quốc tế. Nhà ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt to lớn của sự ổn định năng lượng trong khi nền kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn lớn do dịch COVID-19.