Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến Việt Nam. Như vậy, với sự hỗ trợ của UNDP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ thực hiện dự án trong 6 năm, giúp khoảng 222.400 người dân ở các tỉnh chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khắc phục hậu quả.
UNDP hỗ trợ Việt Nam hơn 30 triệu USD chống biến đổi khí hậu
Tại cuộc họp Ban điều hành - lần thứ 25 diễn ra hôm 11.3 ở Geneva, Thụy Sĩ, Quỹ Khí hậu xanh đã quyết định phê duyệt khoản viện trợ 30,2 triệu USD cho dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ trước tình trạng mất an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu ở khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ của Việt Nam” (SACCR).
Theo đó, với hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thực hiện dự án mới này trong 6 năm.
Theo ước tính, dự án này sẽ trực tiếp mang lại lợi ích cho hơn 222.400 người dân ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa - khoảng 10% dân số của các tỉnh, đặc biệt là phụ nữ và người dân tộc thiểu số.
Các mục tiêu của dự án bao gồm: hiện đại hóa hệ thống tưới tiêu, cải thiện an ninh nguồn nước và sinh kế, tăng cường kiến thức về rủi ro khí hậu và áp dụng kỹ thuật nông nghiệp có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, cũng như tiếp cận thông tin khí hậu nông nghiệp và thông tin thị trường.
Bên cạnh đó, dự kiến sẽ có hơn 335.000 người được hưởng lợi gián tiếp từ tăng cường năng lực thông qua đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường tiếp cận thông tin về rủi ro khí hậu và phổ biến rộng rãi các thực hành tốt nhất về nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen cho biết, cách tiếp cận của dự án là tích hợp và hết sức sáng tạo, giúp tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu do Chính phủ Việt Nam đưa ra, được UNDP và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cùng thiết kế.
“Khoản tài trợ không hoàn lại này sẽ bổ trợ và tăng tác dụng cho khản đầu tư của ADB vào hệ thống thủy lợi hiện đại ở các tỉnh chịu ảnh hưởng bởi hạn hán, đảm bảo tăng lợi ích cho những người nghèo và dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là các đối tượng người dân tộc thiểu số và phụ nữ”, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam khẳng định.
Biến đổi khí hậu đang tác động nghiêm trọng đến Việt Nam
Đồng thời, cùng với những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, dự án cũng nhằm tăng cường khả năng chống chịu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển – một dự án mà UNDP đang hỗ trợ và được tài trợ bởi GCF từ năm 2017.
Hiện tại, dự án đang xây dựng những ngôi nhà chống bão lũ, trồng và phục hồi rừng ngập mặn ven biển để bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương, những người có cuộc sống và sinh kế bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, biến đổi khí hậu đang tác động nghiêm trọng đến Việt Nam. Dự án SACCR sẽ giúp đỡ một cách hiệu quả cho các nông hộ quy mô nhỏ - đặc biệt là người dân tộc thiểu số và phụ nữ - ở các tỉnh dễ bị tổn thương nhất của miền Trung Việt Nam để thích ứng với sự thay đổi lượng mưa và hạn hán do biến đổi khí hậu gây ra.
Việt Nam được coi là một câu chuyện thành công của sự phát triển thông qua sự tăng trưởng kinh tế đáng kể đạt được trong những thập kỷ gần đây. Tuy vậy, tại một số cộng đồng, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, vẫn diễn ra tình trạng nghèo đói.
Trong khi đó, Tây Nguyên và Nam Trung bộ dự kiến sẽ hứng chịu những đợt hạn dài, khốc liệt và thường xuyên hơn vào mùa khô và mưa lũ nghiêm trọng hơn vào mùa mưa. Những nguyên nhân đó làm sụt giảm năng suất cây trồng, từ đó ảnh hưởng đến an ninh lương thực và thu nhập của người nông dân. Các nông hộ quy mô nhỏ với diện tích đất dưới 1 héc-ta và phụ thuộc vào 1 hoặc 2 vụ mùa một năm, phụ thuộc vào nước mưa, phải đối mặt với tình hình sản xuất khó khăn hơn.
Ngoài việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, hỗ trợ các nông hộ quy mô nhỏ kết nối với các hệ thống thủy lợi do ADB tài trợ, dự án SACCR còn tập trung vào việc thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng.
Các lớp tập huấn tại đồng ruộng dành cho nông dân sẽ được tổ chức, giúp đào tạo về thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm thông tin khí hậu, sử dụng và quản lý nước một cách hiệu quả, lựa chọn cây trồng và lập kế hoạch. Nông dân nghèo cũng sẽ được đào tạo về kế hoạch kinh doanh nhỏ, bao gồm hỗ trợ tiếp cận tín dụng và liên kết với thị trường. Các nhóm sử dụng nước ở địa phương sẽ quản lý việc cung cấp nước. Bên cạnh đó, các bên liên quan trong chuỗi giá trị cùng hợp tác sẽ giúp đảm bảo việc tiếp cận thị trường và tín dụng.
“Dự án SACCR tập trung vào quản lý nước một cách bền vững và sẽ góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia và Kế hoạch hành độngvề biến đổi khí hậu của Việt Nam và các Mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là các hành động ưu tiên của Việt Nam để xóa đói giảm nghèo (SDG 1), an ninh lương thực (SDG 2), giảm bất bình đẳng (SDG 10), và để hiện thực hóa các cộng đồng bền vững (SDG 11)”, đại diện của UNDP nhấn mạnh khẳng định.
Bên cạnh đó, dự án cũng hỗ trợ thực hiện Đóng góp do quốc gia tự xác định (NDC) của Việt Nam theo Thỏa thuận Paris. Với sự chấp thuận dự án tại Việt Nam - cùng với một dự án khác được phê duyệt gần đây ở Zimbabwe - UNDP đã hỗ trợ 24 quốc gia tiếp cận hơn 800 triệu đô la tài chính của GCF kể từ khi Quỹ này hoạt động.