Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cũng nhấn mạnh, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã và đang chủ động chia sẻ thông tin, phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ tích cực các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam thực hiện công tác bảo hộ công dân của mình giữa đại dịch Covid-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, không để Việt Nam bị vỡ trận, lây lan ra cộng đồng ở mức cao có thể dẫn đến phá vỡ hệ thống cơ sở vật chất phòng, chống dịch bệnh SARS-CoV-2.
Trong khi đó, trong buổi họp với Tiểu Ban Điều trị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Việt Nam đặt ra mục tiêu làm sao để số ca bệnh mắc thấp nhất, có bệnh nhân nặng nhất và đặc biệt là làm sao để hạn chế tối đa tình huống ca bệnh tử vong.
Việt Nam ghi nhận 237 trường hợp mắc Covid-19
Trong 4 trường hợp nhiễm nCoV mới này do Bộ Y tế công bố, có hai trường hợp liên quan đến ổ dịch quán bar Buddha tại TP.HCM.
Theo Bộ Y tế, bệnh nhân số 234 là một phụ nữ, 69 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ cư trú huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk. Ngày 17.3.2020, bệnh nhân từ Paris (Pháp) về Việt Nam trên chuyến bay của Vietnam Airlines, số hiệu VN2106, số ghế 45 và nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 18.3.2020. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được đưa đi cách ly tập trung tại Trường Quân sự Quân khu 7, Quận 12, TP.Hồ Chí Minh. Trong quá trình cách ly, bệnh nhân có sức khỏe ổn định.
Đến ngày 30.3.2020, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được chuyển đến cách ly và theo dõi tại Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ.
Trường hợp mắc nCoV số 235 là một bệnh nhân nam, 25 tuổi, quốc tịch Anh. Ngày 14.3.2020 có đi quán Bar Buddha. Bệnh nhân không có triệu chứng, được cách ly tập trung tại Quận 9. Mẫu bệnh phẩm từ Bệnh viện Quận 9, TP. Hồ Chí Minh gửi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh cho kết dương tính với virus SARS-CoV-2. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.
Bệnh nhân số 236 là nữ, 26 tuổi, quốc tịch Anh, địa chỉ lưu trú tại phường Thảo Điền, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh. Ngày 14.3.2020, bệnh nhân đi quán bar Buddha, tiếp xúc với trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19. Từ ngày 25.3.2020, bệnh nhân được cách ly tập trung tại Học viện Chính trị Quận 9.
Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 29.3.2020: không xác định; được lấy mẫu lần 2 ngày 01.4.2020 cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.
Trường hợp nhiễm Covid-19 số 237 là một nam bệnh nhân, 64 tuổi, quốc tịch Thụy Điển, đến Việt Nam từ cuối tháng 12/2019, di chuyển nhiều địa điểm như: Ninh Bình (17.3.2020), TP. Hồ Chí Minh (21-22.3.2020), quay lại Hà Nội từ 22.3.2020 đến nay. Bệnh nhân bị ung thư máu (bạch cầu cấp).
Ngày 26.3.2020, bệnh nhân bị tai nạn và được chở vào Bệnh viện Việt Pháp bằng xe cấp cứu 115, sau đó quay lại khách sạn. Ngày 31.3.2020, bệnh nhân xuất hiện chảy máu mũi nhiều, được người nhà đưa sang Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, được khám và chuyển đến Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.
Sáng 01.4.2020, bệnh nhân được lấy mẫu máu, kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Như vậy, tính đến thời điểm này, Việt Nam đã ghi nhận 237 trường hợp mắc Covid-19 trong đó có 85 người đã được chữa khỏi và công bố khỏi bệnh.
Việt Nam hỗ trợ tối đa cho người nước ngoài
Ngày 3 tháng 4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng trả lời câu hỏi về việc hỗ trợ của Việt Nam đối với các cơ quan đại diện nước ngoài (tại Việt Nam) trong việc đưa công dân của mình về nước. Theo đó, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, những nỗ lực và thiện chí của Việt Nam được các cơ quan đại diện nước ngoài, người nước ngoài tại Việt Nam đánh giá cao, đồng thời, Chính phủ Việt Nam luôn hỗ trợ tích cực các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam thực hiện công tác bảo hộ công dân của mình.
Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, do dịch Covid-19 diễn biến nhanh và phức tạp trên toàn thế giới, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ phải thay đổi các quy định liên quan tới xuất nhập cảnh, quá cảnh, các hãng hàng không dừng/huỷ chuyến bay, do vậy nhiều người nước ngoài tại Việt Nam gặp khó khăn trong quá trình di chuyển, chưa thể về nước.
“Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã và đang chủ động chia sẻ thông tin, phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ tích cực các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam thực hiện công tác bảo hộ công dân của mình, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cách ly và lưu trú, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân nước ngoài rời khỏi Việt Nam phù hợp với các quy định pháp luật Việt Nam, đảm bảo các yêu cầu y tế phòng dịch”, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
“Những nỗ lực và thiện chí của Việt Nam được các cơ quan đại diện nước ngoài, người nước ngoài tại Việt Nam đánh giá cao”, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định.
3 bệnh nhân mắc Covid-19 nặng tiến triển tốt, cụ bà 88 tuổi diễn biến nặng
Cũng trong ngày 3.4, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đạp họp hội chẩn trực tuyến điều trị ca bệnh nhiễm coronavirus diễn biến nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 cũng tham dự cuộc hội chẩn này.
Tham dự buổi hội chẩn còn có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn-Trưởng Tiểu ban Điều trị. PGS. TS Lương Ngọc Khuê- Phó trưởng Tiểu ban Điều trị, GS.TS Nguyễn Gia Bình- Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, Tổ trưởng tổ Hội chẩn chuyên môn điều trị các ca bệnh Covid-19 diễn biến nặng và lãnh đạo các bệnh viện, các chuyên gia hồi sức, cấp cứu của trên 10 điểm cầu đang điều trị bệnh nhân.
Báo cáo với Phó Thủ tướng, điểm cầu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, TS. Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, sức khỏe của 3/4 bệnh nhân nặng đang được điều trị tại Bệnh viện thời gian qua có nhiều tiến triển tốt, không còn phải thở máy.
Đặc biệt, có 3 bệnh nhân có kết quả âm tính 3 lần liên tiếp với virus corona chủng mới. Bệnh nhân nam còn lại là ca bệnh số 50, người Việt Nam cũng đã cắt sốt, dễ chịu hơn, ăn ngon hơn.
Trong 2 nữ bệnh nhân, trong đó có bác ruột của bệnh nhân số 17 vẫn phải chạy ECMO. Hiện tại, các bệnh nhân vẫn tiếp tục được theo dõi sức khỏe và điều trị các bệnh nền.
Bên cạnh đó, BS. Phạm Ngọc Thạch cũng nhấn mạnh, còn một nữ bệnh nhân khác là cụ bà 88 tuổi, chuyển từ Khoa Thần Kinh – Bệnh viện Bạch Mai sang điều trị từ hôm 25 tháng 3.
“Kết quả chụp CT của bệnh nhân cho thấy xuất huyết đồi thị chụp CT phổi có tổn thương nhỏ phổi trái. Ngày 28.3 xu hướng tổn thương phổi của bệnh nhân tăng hơn, ngày 2.4 bệnh nhân phải thở oxy sau đó mở nội khí quản và chuyển lên khoa Hồi sức tích cực. Hiện tại bệnh nhận đang được duy trì thuốc an thần, dãn cơ. Xét nghiệm bệnh phẩm cho kết quả vẫn dương tính. Ngoài ra bệnh nhân còn có men gan tăng nhẹ, tiền sử chảy máu não thất, tăng huyết áp”, đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho hay.
Báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế cho hay, đa số các bệnh nhân đều có sức khỏe ổn định, 37 trường hợp xét nghiệm âm tính từ 1 lần trở lên và 16 ca âm tính từ 2 lần trở lên.
Việt Nam cố gắng hạn chế tối đa số ca tử vong vì Covid-19
Trao đổi tại buổi hội chẩn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ:
“Chúng ta đã có kinh nghiệm nên cứ có 1 ca bệnh chưa xác định được rõ thì coi đó là ổ dịch tiềm năng. Cùng với đó, chúng ta đã có quy trình truy vết tìm các trường hợp cách ly suốt mấy chục ngày nay vì vậy khi xảy ra vụ việc ở Bệnh viện Bạch Mai chúng ta không bỡ ngỡ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch biểu dương và bày tỏ lời cảm ơn đến các y bác sĩ đã tận tuỵ nỗ lực, dành tâm lực- trí lực hơn cả 100% trong thăm khám, sàng lọc, cách ly và đặc biệt là điều trị cho các bệnh nhân. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định người dân Việt Nam đều rất cảm ơn, tự hào về đội ngũ y, bác sĩ, những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch.
Theo đồng chí Vũ Đức Đam, hiện cả thế giới đều đang chưa có phác đồ chuẩn, tuy nhiên các chuyên gia cũng như các thầy thuốc của Việt Nam không thụ động chờ đợi cả phác đồ và thuốc mà phải chủ động tìm tòi...
“Tuy nhiên, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, đối với dự phòng chúng ta đặt ra mục tiêu làm sao để bệnh nhân mắc thấp nhất, đối với điều trị, trong số các ca đã mắc, làm sao để ít có bệnh nhân nặng nhất và đặc biệt là làm sao để trong số các ca bệnh nặng, giảm ít nhất xảy ra tình huống ca bệnh tử vong”, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam nêu rõ.
“Điều đáng tự hào là Việt Nam giữ được số ca nhiễm thấp hơn rất nhiều so với đánh giá ban đầu của các chuyên gia thế giới. Điều quan trọng là chúng ta chưa có ca tử vong. Việc điều trị khỏi hết các bệnh nhân, đặc biệt là các ca bệnh nặng để không có tử vong. Đó không chỉ là cứu sống một con người mà còn là điều mong mỏi, tự hào của ngành y tế và củng cố niềm tin của cả đất nước”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Quyết không để vỡ trận chống Covid-19
Tại phiên họp chiều nay 3/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính Phủ nghe báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, trong đó có việc thực hiện Chỉ thị 16 về cách ly trong xã hội, qua đó Thủ tướng yêu cầu tất cả phải hiểu đúng và không làm suy giảm tinh thần Chỉ thị 16.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng cho biết, hiện nay, nhiều nước triển khai các biện pháp rất mạnh mẽ, quyết liệt như sáng nay, Thủ tướng Thái Lan ra lệnh giới nghiêm; một số nước ra lệnh phong tỏa; Nga đưa ra chế tài, phạt rất nặng...
Trong phiên họp, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành trong việc thực hiện tốt và sáng tạo Chỉ thị 16, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Việc tìm kiếm, khoanh vùng và xử lí các ổ dịch được tiến hành rất tốt.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, một số địa phương còn máy móc, có điểm sai trong thực hiện Chỉ thị 16.
“Chúng ta thực hiện nghiêm nhưng không vận dụng sai, hiểu không đúng nghĩa cụm từ cách ly xã hội. Tinh thần là thực hiện quyết liệt, không được chần chừ và không lo ảnh hưởng kinh tế. Mục tiêu đưa ra là không để vỡ trận, lây lan ra cộng đồng ở mức độ cao có thể dẫn đến phá vỡ hệ thống cơ sở vật chất phòng và điều trị bệnh. Do vậy phải chốt chặt nguồn lây lan từ bên ngoài, khoanh chặt các ổ dịch bên trong”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ.
Thủ tướng Việt Nam nêu rõ đây là giai đoạn cần huy động tổng lực trong phòng chống dịch. Chúng ta cần phối hợp nhịp nhàng hơn, nhuần nhuyễn hơn để tạo nên sức mạnh. Yêu cầu làm nhanh nhưng chính xác, chung tay góp sức của nhiều người.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hiện tại, tình hình thế giới đang rất phức tạp, số ca dương tính tăng rất nhanh, ở Mỹ ở châu Âu, tình trạng đang rất khó khăn. Nếu Việt Nam không cương quyết, không thực hiện một cách nghiêm túc nhất chủ trương của Đảng, Nhà nước, mắc bệnh chủ quan, thì dịch sẽ lây lan trong cộng đồng.
“Phải có những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn, thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là những Chỉ thị gần đây của Chính phủ. Không làm suy giảm tinh thần Chỉ thị, nhất là Chỉ thị 16 vừa được ban hành. Phải tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các cấp, ngành”, lãnh đạo Chính phủ khẳng định đồng thời nhấn mạnh ngay tối nay, Thủ tướng sẽ ký văn bản hướng dẫn cụ thể hơn để một số tỉnh còn có nhận thức chưa đúng hiểu và vận dụng.
Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 cần xây dựng phương án phòng, chống dịch lan rộng để chủ động, không để rơi vào tình trạng bị động, lúng túng.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nêu rõ, trong công tác phòng, chống Covid-19, vấn đề tiếp tục đẩy mạnh phát hiện sớm, phát hiện các ca trong cộng đồng thì cần phát hiện sớm để khoanh vùng dập dịch. Xã hội chậm lại nhưng những người làm công tác phòng chống dịch, các lực lượng, chính quyền các cấp, đặc biệt là ngành y tế phải tăng tốc tăng tốc hơn nữa, tiếp tục quyết liệt hơn nữa mới có thể ngăn chặn tình trạng lây lan nếu có một người lây nhiễm dương tính tiếp xúc trong cộng đồng.
“Yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tập huấn chăm sóc, các phương án điều trị, nhất là chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản tình huống xấu trong toàn quốc. Chuẩn bị sẵn sàng kịch bản rõ ràng kỹ lưỡng phương án bệnh viện dã chiến”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ.
Cùng với việc dự trữ hàng hóa thiết yếu, đảm bảo đầy đủ, dồi dào nguồn cung, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ quyết tâm bảo vệ đời sống của nhân dân, không để những diễn biến phức tạp về thị trường và an ninh trật tự tác động tiêu cực đến đời sống của người dân.
“Xử lý nghiêm tình trạng gian lận, buôn lậu thương mại, tình trạng đầu cơ, nâng giá trái pháp luật”, Thủ tướng Việt Nam phát biểu.
Ngoài ra, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế sớm hoàn thành công tác chuẩn bị cho tình huống phức tạp, đẩy nhanh hơn việc tự chủ trong sản xuất các trang thiết bị, phòng hộ; có chương trình sản xuất máy thở ở Việt Nam, nhất là khuyến khích các đơn vị tình nguyện tham gia sản xuất.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh một số đơn vị trong nước (Tập đoàn Vingroup) lập phương án sản xuất máy thở tại Việt Nam và yêu cầu đảm bảo chất lượng, giá cả.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm tình trạng khai báo lịch sử dịch tễ không trung thực, kể cả người nước ngoài, để phát hiện, ngăn chặn dịch lây lan hiệu quả, gồm cả hình thức xử lý hình sự.
Thủ tướng cũng đồng ý việc tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài đã hết thời hạn ở Việt Nam sớm rời khỏi Việt Nam. Đặc biệt, cần lưu ý phòng chống dịch lây lan tại các trại dưỡng lão, trung tâm cai nghiện, các trại giam, bệnh viện, nhất là tránh lây lan trong các lực lượng công an, quân đội và y tế.
Chia sẻ về mức tăng trưởng kinh tế 3,82% trong quý I vừa qua, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh, dù mức tăng trưởng thấp trong nhiều năm qua nhưng vẫn là nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực.
“Điều đó cho thấy sự nỗ lực của các cấp, ngành, nhân dân ta trong phòng chống dịch cũng như thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội, thực hiện tốt tinh thần sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.