Đây là nhận định mà Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố trong buổi họp báo sáng 21/4.
Sáng nay, Bộ Y tế cập nhật tình hình chống dịch Covid-19 sáng 21/4 cho hay: Việt Nam đã có 5 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc nCoV mới, hiện 215/268 trường hợp nhiễm chủng mới virus corona đã được chữa khỏi (chiếm 80% tổng số ca mắc SARS-CoV-2). Tín hiệu rất lạc quan, nhưng Việt Nam không được chủ quan.
Bộ Y tế Việt Nam vừa thành lập Hội đồng chuyên môn về điều trị, quản lý bệnh tâm thần trong khi đại dịch do coronavirus bùng phát và diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Đặc biệt, có nhiều trường hợp gặp vấn đề sức khỏe tâm thần cần có sự hướng dẫn, chăm sóc và hỗ trợ về sức khỏe tâm lý.
5 ngày liên tiếp Việt Nam không có ca mắc coronavirus mới
Theo bản tin sáng nay của Bộ Y tế, đã bước sang ngày thứ 5 liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm coronavirus mới. 268 người nhiễm SARS-CoV-2, không có trường hợp tử vong.
Việt Nam đang đứng thứ 119/212 quốc gia và vùng lãnh thổ có người nhiễm nCoV trên thế giới và 6/11 ở khu vực Đông Nam Á.
Số ca bệnh mắc mới Covid-19 giảm dần từ khi thực hiện chính sách giãn cách xã hội. Từ ngày 1-14/4, số ca mắc mới giảm 40% so với 2 tuần trước đó.
Theo thông tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch chiều ngày 20/4 cho biết, tại Việt Nam, trong tuần qua chỉ ghi nhận thêm 8 trường hợp mắc mới, trong khi đó có 64 bệnh nhân đã khỏi bệnh.
Số mắc mới trong tuần cao nhất được ghi nhận vào ngày 13/4 với 5 trường hợp, 3 ngày sau đó mỗi ngày chỉ ghi nhận thêm 1 trường hợp và liên tiếp 5 ngày từ ngày 17 tháng tư đến 6h ngày 21/4 không ghi nhận trường hợp mắc mới. Điều đó cho thấy tình hình dịch hiện nay tại Việt Nam đang được kiểm soát tốt và hiệu quả của việc thực hiện cách ly xã hội trong những tuần vừa qua.
Về tình hình điều trị, bệnh nhân 188 vẫn được tính là đã khỏi bệnh và đang được theo dõi sau 14 ngày kết thúc điều trị. Xét nghiệm bằng phương pháp Real Time PCR tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vào ngày 19/4 đã cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
53 bệnh nhân mắc coronavirus còn lại của Việt Nam đang được cách ly, điều trị tại 9 cơ sở y tế (trong đó riêng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh có đông bệnh nhân nhất với 44 trường hợp). Đa số bệnh nhân đều có tình trạng sức khoẻ ổn định.
Số ca đã có kết quả xét nghiệm âm tính với chủng mới virus corona là 21 người, trong đó 14 trường hợp đã âm tính lần đầu tiên và 7 trường hợp đã ít nhất hai lần có kết quả xét nghiệm khẳng định không còn dương tính với nCoV.
Ca bệnh nặng của Việt Nam: Phổi của phi công người Anh đã được cải thiện
Sáng nay, 21/4, Bộ Y tế thông tin về tình hình những ca bệnh nặng ở Việt Nam.
Cụ thể, dẫn báo cáo của Sở Y tế TP.HCM cập nhật tình hình của bệnh nhân số 91 (nam phi công người Anh của Hãng Hàng không Vietnam Airlines) đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Bộ Y tế cho hay, ca bệnh có diễn tiến tích cực.
Hiện tại, bệnh nhân ổn định, không sốt, mạch huyết áp bình thường. Đặc biệt, chức năng phổi của người bệnh có cải thiện khá hơn sau tập vật lý trị liệu hô hấp.
Dù phi công người Anh đã qua cơn nguy kịch và được nhận định có tiến triển khả quan, tuy nhiên tình trạng của bệnh nhân vẫn còn rất nặng. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho hay, hiện bệnh nhân nằm yên, có dùng an thần, thở máy, có nhịp tự thở. Bệnh nhân vẫn được hỗ trợ chạy ECMO, đã ngưng vận mạch, không chảy máu mũi miệng.
Ngày 20/4, kết quả xét nghiệm PCR dịch mũi họng của bệnh nhân này dương tính yếu với virus corona, dịch rửa phế quản cho kết quả âm tính lần thứ 4.
Về hai ca bệnh nặng nhất ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là bệnh nhân số 20 (bác ruột của ca bệnh số 17) và bệnh nhân số 161 cũng có tiến triển nhưng còn chậm.
Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, ca bệnh số 20 (nữ, 64 tuổi, bác gái bệnh nhân 17 ở phố Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội) hiện vẫn thở máy qua nội khí quản, trong ngày đã tỉnh táo, tiếp xúc được, dừng an thần. Cách đây 2 ngày bệnh nhân đã dừng vận mạch.
Chia sẻ về trường hợp này, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương Phạm Ngọc Thạch cho biết, người bệnh này có thể trạng gầy, nhỏ bé, có bệnh lý nền nên sức đề kháng yếu. Với hơn 45 ngày điều trị bệnh, đây là là người phải điều trị lâu nhất trong số những ca Covid-19 ghi nhận ở Việt Nam.
Về bệnh nhân 161 (nữ, 88 tuổi, quê Hưng Yên) bị xuất huyết não, liệt nửa người trái, hiện thở máy qua nội khí quản, thông khí 2 bên rõ, ít ran nổ, đờm ít, đặc.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng thông tin, đến nay, gọi hỏi bệnh nhân có giao tiếp chậm, vẫn liệt 1/2 người trái, đỡ phù vùng cánh tay trái, mí mắt. Bệnh nhân ăn tiêu qua sonde, đỡ sốt, nhiệt độ cao nhất 37,4 độ C, chức năng thận bình thường. Đáng chú ý, kết quả xét nghiệm Covid-19 từ 25/3 đến 18/4 của bệnh nhân này vẫn dương tính.
Việt Nam sẽ nhận thêm 2000 máy thở chống dịch Covid-19
Ngày 20/4, tại Trụ sở Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản đã diễn ra lễ bàn giao máy thở MV20.
Đây là hai máy thở nằm trong dự án sản xuất 2000 máy thở do Đại học Văn Lang, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đầu tư tài trợ 100% kinh phí tặng cho Chính phủ Việt Nam phục vụ công tác chống dịch Covid-19.
Đại diện Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản thay mặt nhà tài trợ (Đại học Văn Lang, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) để nhận hai máy thở đầu tiên trong dự án 2000 máy thở MV20 được sản xuất bởi công ty Metran Nhật Bản.
Tham dự lễ bàn giao này có Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản ông Vũ Hồng Nam, GS. Kazufuku Nitta Trần Ngọc Phúc, Nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty Metran cùng đại diện tài trợ, đầu tư, khách mời danh dự khác.
Theo thông tin tại sự kiện, 2000 máy thở của Metran sẽ được chuyển giao cho Việt Nam trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay. Đại diện các bên đều nhất trí đồng thuận với tinh thần chống dịch như chống giặc, cùng khắc phục khó khăn, khẩn trương hoàn thành sớm nhất việc sản xuất 2000 máy thở này.
“Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, hơn ai hết chúng tôi hiểu được dịch bệnh này sẽ vô cùng nguy hiểm nếu không được trang bị đầy đủ thiết bị y tế. Do đó, Đại học Văn Lang đã làm việc với một số nhà tài trợ lớn của Việt Nam và nhanh chóng kết nối với ông Trần Ngọc Phúc để bàn bạc, trao đổi về vấn đề hỗ trợ toàn bộ chi phí cho việc sản xuất 2000 máy thở tặng cho Chính phủ Việt Nam”, Tiến sĩ Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Đại học Văn Lang chia sẻ.
Cũng trong lễ bàn giao máy thở MV20, các nhà tài trợ đã thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản trao số tiền 200,000 USD cho Hội người Việt Nam tại Nhật Bản do ông Trần Ngọc Phúc làm chủ tịch nhằm hỗ trợ giảm bớt một phần những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 đang gây ra cho người Việt sinh sống, học tập và làm việc tại xứ sở hoa anh đào.
Theo thông tin từ nhà sản xuất, MV20 là dòng máy thở với các chức năng hữu hiệu nhất, tiên phong kết hợp hai chức năng xâm lấn và không xâm lấn. Nhà phát minh khuyến cáo nên sử dụng chức năng xâm lấn để điều trị coronavirus nhằm tránh lây nhiễm chéo cho bệnh nhân và các y bác sĩ.
Được biết, Metran là doanh nghiệp hàng đầu tại Nhật Bản chuyên sản xuất các dòng máy thở, máy trợ thở, máy hô hấp nhân tạo. Công ty Cổ phần Metran có trụ sở chính tại Nhật Bản và đã xây dựng một cơ sở sản xuất tại Bình Dương.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Metran là ông Kazufuku Nitta (tức ông Trần Ngọc Phúc), cho biết là người Việt Nam nên ông mong muốn thể hiện tình cảm với quê hương, đất nước bằng cách ưu tiên hàng đầu cho việc sản xuất nhanh nhất 2.000 máy thở.
Bộ Y tế lập Hội đồng chuyên môn tâm thần liên quan dịch Covid-19
Trong khi dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, chế độ cách ly toàn xã hội ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân, nhiều trường hợp gặp vấn đề sức khỏe tâm thần cần có sự hướng dẫn, chăm sóc và hỗ trợ về sức khỏe tâm thần.
Những nhóm đối tượng như nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc người bệnh, những người hỗ trợ chăm sóc cũng cần được hướng dẫn và trợ giúp. Ngoài ra, còn có nhiều vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe tâm thần như thái độ kỳ thị đối với người bệnh, các vấn đề lo âu khác liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Do đó, quyết định thành lập Hội đồng chuyên môn về điều trị, quản lý bệnh tâm thần trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay của Bộ Y tế là cần thiết.
Được biết, Hội đồng chuyên môn tâm thần liên quan dịch Covid-19 tại Việt Nam gồm 24 thành viên sẽ do TS. Nguyễn Doãn Phương Viện trưởng Viện Sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai làm chủ tịch. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế làm Phó chủ tịch. Các thành viên còn lại đều là Giám đốc, chuyên gia tại các bệnh viện chuyên về tâm thần trên cả nước.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, Hội đồng có nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện, nghiệm thu tài liệu chuyên môn hướng dẫn về điều trị, quản lý bệnh tâm thần trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), ưu tiên hàng đầu trong các đại dịch như Covid-19 là ngăn ngừa và kiểm soát quá trình lây nhiễm, đặc biệt là bảo vệ (giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho các bệnh nhân tâm thần và nhân viên y tế của các cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Ngoài ra, phải tạo điều kiện thuận lợi trong việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho các bệnh nhân, tăng cường chăm sóc sức khỏe tâm thần liên quan đến stress cho cả người dân, nhân viên y tế, các nhân viên phòng, chống dịch.
Hiện tại, các bệnh viện tâm thần không được phân công điều trị những ca bệnh dương tính với virus SARS - CoV-2 mà nhiệm vụ của bệnh viện là thực hiện công tác sàng lọc, phân luồng, cách ly.
Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cũng đề nghị Viện Sức khỏe tâm thần xây dựng các khuyến cáo bảo vệ sức khỏe tâm thần cho người dân, những người mắc tâm lý lo âu do mất việc làm, cách ly nhằm hỗ trợ kịp thời cho những đối tượng dễ bị tổn thương tâm lý này.
Chuyên gia CSIS, Mỹ: Việt Nam ứng phó với dịch bệnh Covid-19 rất tốt
Nhận định về cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam, nhiều chuyên gia, đại diện các tổ chức quốc tế đều đồng thuận cho rằng, Việt Nam ứng phó với dịch bệnh rất tốt, chưa có trường hợp tử vong, mức độ lây nhiễm coronavirus trong cộng đồng thấp.
Chia sẻ về ấn tượng với công tác phòng chống dịch bệnh SARS-CoV-2 tại Việt Nam, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế CSIS – bà Amy Searight biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực đối phó với dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ và nhân dân Việt Nam.
Theo bà Amy Searight, khu vực các quốc gia Đông Nam Á cùng nhiều nước trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch do coronavirus gây ra. Tuần qua, số ca nhiễm tăng cao ở các nước ASEAN như Indonesia, Philippines, Malaysia, Myanmar và Singapore.
“Riêng Thái Lan và Việt Nam đều ghi nhận số ca nhiễm bệnh mới hàng ngày giảm. Đây là hai quốc gia này đang có tiến triển trong việc làm phẳng đường cong diễn biến dịch bệnh Covid-19”, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (CSIS) khẳng định.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia, Singapore và Việt Nam đã sớm thực hiện các biện pháp ứng phó và kiểm soát ban đầu ngay khi dịch bệnh bùng phát dịch và dường như đã kiểm soát tốt dịch bệnh.
Bà Amy Searight nêu rõ, cả Việt Nam và Singapore đều thực hiện giám sát chặt chẽ, truy tìm nguồn lây, người tiếp xúc và nhanh chóng cách ly người bệnh hoặc cùng những người từng tiếp xúc với nguồn bệnh theo các cách khác nhau.
Tuy nhiên, số ca mắc mới tăng đột biến trong tuần qua đã khiến Singapore đánh mất đi hình ảnh “kiểu mẫu” – quốc gia đi đầu trên thế giới về kiểm soát dịch bệnh. Singapore thậm chí đã vượt qua Indonesia trở thành nước có số ca mắc Covid-19 được cao nhất ở Đông Nam Á.
Theo Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ), Việt Nam đã đối phó với dịch bệnh rất tốt khi chỉ có 268 ca nhiễm nCoV trên tổng số 95,5 triệu người và chưa có trường hợp tử vong nào.
Ngay từ khi bùng phát dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam đã quyết định đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu và trường học cũng như tiến hành chế độ cách ly quy mô lớn.
Công tác theo dõi, cách ly, giám sát được tăng cường nhằm giúp phát hiện sớm người nhiễm bệnh và những người từng tiếp xúc với nguồn bệnh. Chính phủ Việt Nam cũng huy động các y bác sỹ đã về hưu và các sinh viên trường y tham gia chống dịch, trong khi đó nhiều doanh nghiệp đã triển khai các ATM phát gạo hỗ trợ những đối tượng gặp nhiều khó khăn, bà Searight phân tích.
“Việt Nam từng chịu ảnh hưởng bởi dịch SARS năm 2003 và do đó quyết tâm chuẩn bị kỹ lưỡng và quyết liệt hơn cho đại dịch tiếp theo. Chính phủ Việt Nam được quản lý tập trung, đoàn kết và được tổ chức tốt. Ngoài ra, chính phủ Việt Nam cũng gắn kết chặt chẽ và hiệu quả với người dân trong nỗ lực đối phó với dịch bệnh Covid-19”, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định.
Việt Nam đang dẫn đầu về hiệu quả kiểm soát dịch Covid-19
“Việt Nam cho thấy sự lãnh đạo mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thực hiện những quyết sách và biện pháp kiểm soát tốt đại dịch Covid-19”, New York Times dẫn phát biểu của ông Takeshi Kasai khẳng định.
Theo Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố trong buổi họp báo sáng nay, Việt Nam đang đứng đầu về hiệu quả kiểm soát dịch bệnh với số lượng ca nhiễm coronavirus thấp nhờ nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, sự chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ cùng tinh thần đoàn kết, hợp tác của người dân trong cuộc chiến chống lại Covid-19.
“Theo chúng tôi ghi nhận, Việt Nam đề ra được kế hoạch phù hợp và thực hiện đúng với những gì đã tiên lượng trước với nhiều quyết sách phù hợp trong mỗi giai đoạn”, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận xét.
Ông Takeshi Kasai nhấn mạnh, điều quan trọng là Việt Nam đã luôn học hỏi và cập nhật kế hoạch ứng phó dịch bệnh do coronavirus theo từng diễn biến mới, không chỉ thực hiện xét nghiệm mà còn thực hiện tốt việc truy tìm các đối tượng tiếp xúc với người bệnh lây nhiễm nCoV.
“Tôi còn nhớ có thời điểm Việt Nam phải tiến hành cách ly hơn 80.000 người. Họ thật sự đã phản ứng rất mạnh mẽ trước đại dịch Covid-19. Đó có thể là lý do Việt Nam duy trì được số ca nhiễm bệnh rất thấp. Nhưng tôi cũng muốn nói thêm rằng, đằng sau nỗ lực của Chính phủ cũng là sự đóng góp của người dân Việt Nam. Cuộc sống của họ trong thời điểm áp dụng biện pháp hạn chế đi lại và giãn cách xã hội không hề đơn giản, nhưng người dân Việt Nam đã hoàn thành phận sự của mình đầy trách nhiệm”, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết.
Ông Takeshi Kasai cũng lưu ý Chính phủ Việt Nam nên cẩn trọng khi xem xét nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Theo đó, không nên dỡ bỏ đồng loạt tất cả các biện pháp cùng một thời điểm, có thể sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, khi đó, mọi nỗ lực của Chính phủ và sự cố gắng của người dân thời gian qua sẽ “đổ sông đổ bể”.
“Việt Nam nên thực hiện nới lỏng từng bước một và luôn phải sẵn sàng cho làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 có thể ập đến bất kì lúc nào”, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO lưu ý.