Trước đó, vào tháng 12 năm 2017, thủy phi cơ đã bay thử nghiệm lần đầu trên đất liền, vào tháng 10 năm 2018 - bay thử nghiệm lần đầu ở một hồ chứa nước. Chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin nói với Sputnik về khả năng vận hành thủy phi cơ mới.
Khác với những thông tin trên một số phương tiện truyền thông, AG600 không phải là thủy phi cơ lớn nhất thế giới. Ở giai đoạn thử nghiệm, thủy phi cơ A40 Albatros của Nga đã là thủy phi cơ lớn nhất thế giới với trọng lượng cất cánh tối đa 86 tấn so với 54 tấn của Côn Long.
Tuy nhiên, dự án Albatros đã bị bỏ dở và thủy phu cơ không được đưa vào sản xuất hàng loạt bởi vì vào những năm 1990 - đầu những năm 2000, Nga đã thiếu vốn. Trong một thời gian nhất định, dự án gần như bị lãng quên, nhưng, vào năm 2018, đại diện quân đội và ngành công nghiệp Nga đã đưa ra một số tuyên bố về kế hoạch khôi phục thủy phi cơ A-40 Albatros.
Vẫn chưa rõ khi nào kế hoạch này sẽ được thực hiện. Nga đang sản xuất thủy phi cơ Be-200 được phát triển trên cơ sở Albatros, nhưng có kích thước nhỏ hơn. Be-200 là máy bay dân sự được thiết kế chủ yếu để chống cháy, mặc dù Bộ Quốc phòng Nga cũng mua một số máy bay loại này, chủ yếu là phiên bản tìm kiếm và cứu hộ.
Phiên bản tìm kiếm và cứu hộ của thủy phi cơ Be-200 có một số lợi thế so với Côn Long. Be-200 chở được 12 tấn nước, trong khi chỉ có hai động cơ, trọng lượng nhỏ hơn và tốc độ cao hơn. Vì vậy, thủy phi cơ này là hiệu quả hơn và kinh tế hơn để xử lý nhanh những tình huống khẩn cấp.
Tuy nhiên, lợi thế của nó kết thúc ở đó. Be-200 thua kém hơn Côn Long về khả năng đi biển – thủy phi cơ Trung Quốc có thể hạ cánh trên biển trước những ngọn sóng cao hơn (ít nhất là theo quy định trong dự án). Ngoài ra, máy bay Nga có tầm bay và thời gian bay ngắn hơn. Do đó, việc sử dụng nó để cứu hộ trên biển và tuần tra trên biển bị hạn chế.
Xét theo những tuyên bố của các nhà phát triển Trung Quốc, bao gồm Huang Lingcai, nhà thiết kế chính của AG600, khách hàng chính của họ có thể là Cảnh sát biển Trung Quốc, một phần của Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân. Cảnh sát biển sẽ nhận được thủy phi cơ mạnh mẽ với tầm bay xa và khả năng đi biển tốt. AG600 có thể được sử dụng để tuần tra, hoạt động cứu hộ (trước những ngọn sóng vừa phải), di chuyển từ đất liền đến các hòn đảo xa không có sân bay.
Đồng thời, AG600 có thể hữu ích cho Hải quân. Một thủy phi cơ với tầm bay xa như vậy có thể là một phương tiện đầy hứa hẹn để vận chuyển các đơn vị nhỏ của lực lượng đặc nhiệm đến các hòn đảo ở Thái Bình Dương. Nó rất phù hợp cho các căn cứ tiên tiến trên các đảo Thái Bình Dương mà không có cơ sở hạ tầng được trang bị tốt.
Các thủy phi cơ lớn đã từng là một yếu tố quan trọng trong lực lượng vũ trang của Mỹ và Nhật Bản trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ hai ở Thái Bình Dương, và sự suy giảm dần của lớp thiết bị quân sự này trong thời kỳ hậu chiến là do Bắc Đại Tây Dương đã trở thành đấu trường chính của cuộc chạy đua quân sự, và cuộc đua giành những hòn đảo nhỏ xa xôi không còn đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch quân sự của các bên.
Trung Quốc từ lâu thể hiện sự quan tâm đến việc chế tạo các thủy phi cơ lớn. Vào cuối những năm 1980, Nhà máy Hàng không Cáp Nhĩ Tân đã cho ra mắt một loạt thủy phi cơ cỡ nhỏ SH-5 mà Hải quân PLA đã sử dụng trong một thời gian dài.
Kinh nghiệm sản xuất và vận hành SH-5 được tính đến đầy đủ trong quá trình phát triển AG600, vì thủy phi cơ mới có một số tính năng giống với nó. Do đó, có thể dự đoán rằng, Trung Quốc sẽ thực hiện đúng thời hạn kế hoạch phát triển AG600, và thủy phi cơ này sẽ bắt đầu được sản xuất hàng loạt trong nửa đầu thập niên 2020.