Lên phương án cử các đoàn học sinh dự thi Olympic quốc tế trực tuyến
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã có công văn số 1569/BGDĐT- QLCL ngày 5/5/2020 thông báo không tổ chức Kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự Olympic khu vực và quốc tế (thi chọn học sinh giỏi vòng 2) năm 2020 để bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh.
Do diễn biến của dịch Covid-19 ở Việt Nam và trên thế giới có những diễn biến tích cực, một số nước cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh. Các nước đăng cai tổ chức thi Olympic đã chủ động xin ý kiến các nước tham gia về việc vẫn tổ chức thi với hình thức trực tuyến hoặc thông báo lùi thời gian thi dự kiến đến tháng 10/2020.
Bộ GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục theo dõi, cập nhật tình hình tổ chức Olympic khu vực và quốc tế năm 2020; chủ động các phương án để cử các đoàn cán bộ, học sinh tham gia dự thi trong trường hợp các nước chủ nhà chính thức quyết định tổ chức thi Olympic theo hình thức thi trực tuyến trên máy tính.
Căn cứ thực tế của dịch bệnh Covid-19 và thời gian chính thức tổ chức thi, Bộ GD&ĐT sẽ có phương án phù hợp để thành lập đội tuyển quốc gia; tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đội tuyển tham gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế phù hợp với điều kiện của dịch bệnh Covid-19.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, quyền lợi của các thí sinh được triệu tập tham gia dự thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic (thi vòng 2) và các thí sinh trong đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế sẽ được tiếp tục duy trì, thực hiện.
Học sinh Việt Nam ghi dấu ấn tại các đấu trường thành tích cao
Trong những năm qua, các đội tuyển quốc gia dự kỳ thi Olympic ở các môn hầu hết đều giành giải cao và mang về những thành tích đáng khích lệ, năm sau thường có thành tích tốt hơn các năm trước. Đơn cử như ở mùa Olympic quốc tế năm 2019 vừa qua, Việt Nam có 38/38 thí sinh dự thi đều đoạt giải, trong đó có 9 Huy chương Vàng, 19 Huy chương Bạc, 9 Huy chương Đồng và 1 Bằng khen.
Theo nhận định của Bộ GD&ĐT, ở mùa Olympic quốc tế năm vừa qua, Việt Nam có 3 kết quả được coi là dấu ấn. Thứ nhất, đoàn Olympic Vật lý quốc tế có nữ sinh đạt huy chương vàng, đồng thời được giải học sinh nữ xuất sắc nhất cuộc thi.
Ấn tượng thứ hai là học sinh Việt Nam lần đầu tiên đạt điểm tuyệt đối (40/40) trong phần thi thực hành tại Olympic Hóa học quốc tế. Nam sinh này đồng thời đoạt huy chương vàng, xếp thứ 4 trên tổng số 300 thí sinh của 80 quốc gia và vùng lãnh thổ dự thi.
Dấu ấn thứ ba là lần đầu tiên có học sinh của một tỉnh miền núi phía Bắc (tỉnh Yên Bái) đã đạt huy chương bạc trong kỳ Olympic Hóa học quốc tế. Điều này cho thấy, phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi đã được mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.