Bùng phát coronavirus trong các hộp đêm ở Seoul đã trở thành trường hợp nhiễm virus theo nhóm lớn nhất ở thủ đô của Hàn Quốc. Hơn 160 người đã bị xác định mắc bệnh, nhưng rõ ràng con số sẽ còn tăng hơn nữa. Việc truyền virus đã tới mức F4, và cho tới giờ này vẫn chưa xác định được những người đã tiếp xúc với bệnh nhân và có thể đang mang mầm bệnh.
So với các quốc gia khác, con số trên có vẻ không đáng kể, nhưng đối với Hàn Quốc thì đây là một dấu hiệu rất đáng báo động. Nếu làn sóng đầu tiên của COVID-19 bao trùm chủ yếu là thành phố đô thị của Daegu và vùng lân cận, thì giờ đây sự lây lan không kiểm soát được có thể bắt đầu ở khu vực thủ đô đất nước, với số người đang sinh sống bằng nửa dân số quốc gia. Và nếu 2 tuần trước Hàn Quốc thậm chí có thể tự hào rằng mỗi ngày chỉ ghi nhận hai ca mới, thì giờ đây mỗi ngày con số này đã là 20-30 người.
Bài báo của Sputnik viết về lý do tại sao đất nước sắp chiến thắng coronavirus giờ đây lại phải quay cuồng chống dịch và liệu Hàn Quốc định làm gì để vượt qua những thách thức mới.
Không thể cấm được
Lịch sử lây lan COVID-19 tại Hàn Quốc ngay từ ban đầu liên quan đến tình trạng nhiễm bệnh thành nhóm. Gần một nửa trong số hơn 11 nghìn trường hợp nhiễm bệnh ở nước này là các thành viên của giáo phái địa phương Sincheongji, vốn có thói quen bố trí các tín đồ ngồi rất gần nhau trong các nghi lễ. Do đó, khi chính quyền tìm được ra hầu hết số này và đặt họ dưới sự giám sát y tế, trong bối cảnh khoảng 100 ca mới ghi nhận mỗi ngày vào hồi tháng Ba, thì quyết định đưa ra là áp dụng chế độ "tăng cường giãn cách xã hội".
Chính phủ kêu gọi tất cả các tổ chức mà hoạt động của họ liên quan đến việc tập hợp lượng người đông đúc trong không gian đóng cần ngừng làm việc cho tới khi tình hình ổn định trở lại. Những tổ chức không thể thực hiện việc này thì phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc cơ bản như sau:
- kiểm tra thân nhiệt và các triệu chứng khác của nhân viên hai lần một ngày và ghi chép đầy đủ thông tin này vào sổ sách;
- không cho phép vào sự kiện đối với những người có các triệu chứng của bệnh hô hấp, từng ra nước ngoài trong 2 tuần qua, cũng như những người thuộc nhóm có nguy cơ;
- từ chối cho phép những ai không đeo khẩu trang vào tham gia sự kiện;
- đặt thuốc sát trùng tay ở lối vào và trong tất cả các phòng;
- duy trì khoảng cách tối thiểu 1-2 mét giữa mọi người với nhau;
- khử trùng phòng ít nhất 2 lần một ngày, ghi chép thông tin vào sổ và có điền rõ tên người chịu trách nhiệm làm công việc này;
- bổ nhiệm một người chịu trách nhiệm kiểm soát nhiễm trùng và ghi danh sách tất cả khách thăm, bao gồm họ tên, số điện thoại di động.
Tuy nhiên, ban đầu các biện pháp trên chỉ áp dụng nghiêm ngặt đối với các tổ chức tôn giáo, còn quy định về hoạt động của các tổ chức giáo dục bổ sung, các câu lạc bộ máy tính và câu lạc bộ đêm, karaoke và những nơi khác có đông khách được giao phó cho chính quyền địa phương tự xử lý. Họ phải tiến hành kiểm tra việc tuân thủ các hướng dẫn chống dịch và trong trường hợp vi phạm thì ban hành lệnh hành chính về việc đóng cửa các cơ sở này.
Thủ đô Hàn Quốc đã tiếp cận vấn đề này một cách nghiêm túc và bắt đầu tiến hành thực hiện các cuộc thị sát một cách nhất quán. Các cuộc kiểm tra đầu tiên đối với các câu lạc bộ và vũ trường cho thấy chỉ một phần ba trong số này đang hoạt động và thậm chí ở đó, theo sổ ghi chép thông tin khách hàng, số lượng khách hàng giảm 80% và điều này không gây ra mối đe dọa nghiêm trọng. Nhưng chưa đầy một tháng sau, thị trưởng Seoul đã áp đặt lệnh cấm hoạt động đối với tất cả các địa điểm giải trí còn lại. Lý do là vì một nhân viên của rum salon (nơi khách uống rượu trong phòng riêng, có các tiếp viên trẻ làm bầu bạn) bị phát hiện nhiễm coronavirus. May mắn thay, trong số hơn 100 người tiếp xúc với bệnh nhân, chỉ có một nhân viên sống cùng phòng với nữ nhân viên đó bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, ngay khi đó người ta đã hiểu rằng không thể tuân thủ tất cả các quy tắc an toàn trong các cơ sở giải trí vốn có những tiếp xúc gần gũi.
Tuy nhiên, lệnh cấm chỉ kéo dài đến ngày 19 tháng 4, kể từ ngày hôm sau chính phủ đã tuyên bố chuyển từ chế độ giãn cách "tăng cường" sang chế độ giãn cách xã hội bình thường. Nới lỏng quy định được áp dụng chủ yếu đối với các công viên quốc gia và những nơi khác ngoài trời, không có khán giả trên khán đài, các cuộc thi thể thao cũng được phép tổ chức. Khuyến nghị về việc "dừng hoạt động" đối với các cơ sở có nhiều khách thăm được thay bằng yêu cầu "cố gắng" không tiếp khách. Tuy nhiên trong quy định chi tiết đối với các câu lạc bộ, quán rượu sẵn sàng làm việc trở lại với điều kiện tuân thủ yêu cầu dịch tễ, mọi hạn chế vẫn giữ nguyên hiệu lực, ngoài ra còn có thêm yêu cầu đảm bảo khoảng cách tối đa giữa mọi người khi xếp hàng vào cửa.
Tại thời điểm này, Hàn Quốc đã giảm được số lượng các ca nhiễm mới xuống dưới 10 mỗi ngày, mặc dù ban đầu chính phủ đặt mục tiêu là 50. Đạt được điều này không dễ dàng, vì mặc dù không có những hạn chế nghiêm ngặt, hầu hết mọi người đều tự cách ly và đã mệt mỏi về tâm lý. Việc đảm bảo giãn cách xã hội cũng khiến GDP giảm 1,4% trong quý đầu năm nay. Đối với quốc gia coi sự sụt giảm tăng trưởng GDP hàng năm dưới 3% là một thảm kịch quốc gia như Hàn Quốc thì đây là con số rất lớn. Seoul cần chuyển sang phục hồi kinh tế càng sớm càng tốt. Do đó, chính phủ đang có ý nói tới khả năng chuyển đổi sang "các biện pháp chống dịch hàng ngày" sau kỳ nghỉ tháng Năm. Nhưng có vẻ như chính điều này đã làm hại người Hàn Quốc.
Gangnam Style
Hàn Quốc được biết đến là một trong những quốc gia mà người dân có số giờ làm việc trong năm lớn nhất. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi trong "tuần lễ vàng" của họ, vừa là dịp lễ Phật Đản, Ngày Quốc tế Lao động, kỳ nghỉ cuối tuần và Ngày Thiếu nhi quốc tế, hầu hết người Hàn Quốc đã đi nghỉ dưỡng và du lịch. Chính quyền của hòn đảo nghỉ mát Chejujo thậm chí đã phải thuyết phục đồng bào cố gắng không đến nơi này, thậm chí còn dọa sẽ yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu trong tỉnh phát hiện ít nhất một ca nhiễm coronavirus. Kết quả, gần 180 ngàn người đã tới đảo du lịch, và mọi chuyện diễn ra ổn thỏa.
Vào ngày 6 tháng 5, như đã hứa trước đó, chính phủ cuối cùng đã hủy bỏ các khuyến nghị hạn chế, cho phép mọi người đi làm việc với điều kiện tuân theo các hướng dẫn đã được thiết lập trước đó. Tuy nhiên, cùng ngày, được biết rằng một người đàn ông 29 tuổi đến từ thành phố Yongin, nằm cách Seoul vài chục km về phía nam bị xác định nhiễm coronavirus. Rõ ràng là trong những ngày nghỉ, anh đã đi du lịch khắp đất nước, ghé thăm hàng chục nhà hàng và vào đêm ngày mồng 1, sáng mồng 2 tháng 5 anh đã tới 5 câu lạc bộ trong khu giải trí nổi tiếng Itaewon ở trung tâm thủ đô. Không biết cụ thể anh ta nhiễm virus ở đâu, nhưng vài ngày sau người ta xác định ra rằng rõ ràng là anh ta đã kịp lây nhiễm cho nhiều người khác.
Ban đầu các nhà chức trách tính được 1.500 người mà anh ta đã từng tiếp xúc, nhưng sau đó khung thời gian và địa lý được mở rộng. Cuối cùng xác định được danh sách những người bị nghi nhiễm bệnh, đó là 5517 người đã ghé thăm các hộp đêm ở Itaewon từ ngày 24 tháng 4 đến ngày 8 tháng 5, cũng như tất cả những người có thể đã tiếp xúc với họ. Trong số các bệnh nhân đã được xác định, có một trung sĩ chỉ huy hoạt động mạng và một số quân nhân của Bộ Quốc phòng gần đó, một nhân viên của một cửa hàng thương hiệu tại một cửa hàng bách hóa trung tâm và một nhân viên của nhà điều hành di động lớn thứ ba là LG U +.
Khoảng 90 người là những thanh niên ở độ tuổi từ 19 đến 29, họ đã từng ở trong các câu lạc bộ, những người còn lại bị lây từ họ hoặc qua một chuỗi truyền bệnh khác.
Điểm mấu chốt của tình huống là 3 trong số 5 câu lạc bộ được bệnh nhân đến từ Yongin ghé thăm lại là những cơ sở rất được ưa thích đối với các đại diện của nhóm thiểu số tình dục. Và một trong những người bị nhiễm sau đó cũng đã đến một nơi được gọi là phòng tắm hơi đồng tính. Về vấn đề này, chính quyền đã đảm bảo tính ẩn danh của việc xét nghiệm và hứa sẽ tiết lộ thông tin về việc di chuyển một cách tối thiểu để không thể nhận dạng ai đó. Tuy nhiên, không phải ai cũng tin tưởng chính phủ, và có thể có nhiều lý do để che giấu. Ví dụ, một sinh viên, người từng làm gia sư, không dám kể ngay về chuyến thăm Itaewon, vì anh ta sợ rằng điều này có thể ảnh hưởng đến việc học hành và tìm việc làm sau này.
Ngoài ra, các cuộc kiểm tra câu lạc bộ cho thấy khách hàng không chỉ không tuân thủ quy định về khoảng cách và đeo khẩu trang, mà bản thân các cơ sở này cũng không kiểm soát kỹ việc ghi chép thông tin về khách. Trong thực tế, rất ít người kiểm tra tính chính xác của thông tin mà khách ghi lại, đôi khi khách được phép vào mà không cần ghi thông tin liên lạc. Hơn nữa, trong số họ có người nước ngoài, liên lạc với họ sau đó không phải lúc nào cũng dễ dàng. Về vấn đề này, chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế xây dựng các giải pháp CNTT để kiểm tra khách đến các cơ sở có xác suất lây nhiễm cao. Một trong những tùy chọn đã được thử nghiệm ở tỉnh Gangwon-do: sau khi xác thực trên trang web, người dùng nhận được mã QR, được nhân viên tại lối vào kiểm tra. Họ không nhận được quyền truy cập trực tiếp vào thông tin cá nhân và thông tin về chuyến thăm được gửi trực tiếp đến chính quyền địa phương.
Tạm thời, tất cả các địa điểm giải trí đều đóng cửa ở cả thủ đô và hầu hết các khu vực khác. Đến ngày 20 tháng 5 sẽ kết thúc thời hạn hai tuần kể từ cuối kỳ nghỉ tháng Năm. Sắp tới sẽ biết rõ, liệu nỗi lo lắng lâu nay của các nhà dịch tễ học rằng trong nước có nhiều nguồn lây truyền coronavirus địa phương không rõ nguồn gốc có đúng hay không. Nhưng hiện giờ đã có một điều rõ ràng: cho đến khi loài người có vắc-xin hoặc thuốc chữa COVID hiệu quả, không ai được chủ quan.
Làm thế nào bây giờ?
"Trên thực tế, mặc dù tới tận ngày 6 tháng 5 Hàn Quốc mới chuyển sang hệ thống giãn cách xã hội hàng ngày, nhưng việc thảo luận về chính thuật ngữ và hướng dẫn chi tiết đã bắt đầu từ lâu trước đó. Dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội, các cuộc họp của Ủy ban về vấn đề kiểm soát dịch bệnh hàng ngày đã được tổ chức và một phần của các cuộc thảo luận đã xuất hiện trên truyền thông. Mọi người theo nhiều cách khác nhau đã nhận được thông điệp về việc nới lỏng giãn cách xã hội tăng cường, các câu lạc bộ và các tổ chức tư nhân khác trên thực tế đã bán công khai khôi phục công việc của họ. Do đó, có thể nói rằng các nhà chức trách chuyên phụ trách về đảm bảo các biện pháp chống dịch bệnh chịu trách nhiệm một phần cho việc này", - ông Kim Dong-Heon, Chủ tịch Hiệp hội dịch tễ học Hàn Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik.
Jeong Jaehun, giáo sư khoa y tế dự phòng tại Bệnh viện Kiel, thuộc Đại học Gachon (Gachon University Gil Medical Center) đồng ý với quan điểm này. Tuy nhiên, ông nói rằng trong tình hình hiện tại rất khó nói phải hành động ra sao, vì chính phủ không thể quên nhiệm vụ phát triển kinh tế.
"Chúng ta đang chứng kiến sự lây lan rộng rãi chưa từng thấy của bệnh truyền nhiễm, chúng ta không có cơ sở khoa học về con đường truyền bệnh và các đặc điểm khác của căn bệnh này, vì vậy chúng ta phải tìm giải pháp chấp nhận được thông qua con đường thử nghiệm. Bất cứ lúc nào dịch bệnh có thể bắt đầu trở lại, và cần phải cực kỳ thận trọng", - ông Jeong nói.
Theo ông, trường hợp của các câu lạc bộ phức tạp hơn một chút so với giáo phái Sincheongji, nhưng việc sử dụng các công nghệ thông tin và truyền thông, đồng thời huy động kịp thời bộ máy hành chính sẽ cho kết quả trong trường hợp này.
"Tôi nghĩ rằng, xét tới chuyện người dân không phản kháng với quy định của luật pháp và cho phép sử dụng dữ liệu cá nhân, có thể đối phó với tình huống này bằng cách sử dụng kinh nghiệm của chúng tôi trong việc theo dõi đường lây nhiễm bằng cách sử dụng định vị điện thoại di động và thông tin về việc sử dụng thẻ tín dụng. Nhưng vấn đề là có những người nước ngoài và những người khác không sử dụng điện thoại di động và thẻ tín dụng", - giáo sư nói.
Chủ tịch Hiệp hội dịch tễ học Hàn Quốc tỏ ra hoài nghi hơn.
"Nếu các tín đồ của Sincheongji là một nhóm có ranh giới nhất định có thể được theo dõi thông qua danh sách tín đồ và và những người tới dự nghi lễ tôn giáo, thì các câu lạc bộ và danh sách khách là không chính xác, và có rất nhiều khách vô danh tụ tập ở đó trên khắp đất nước. Do đó, bất chấp mọi nỗ lực của các nhà dịch tễ học, việc theo dõi họ sẽ không đơn giản. Mặt khác, sau khi có thông báo rằng một số câu lạc bộ là nơi tụ tập của các đại diện của nhóm thiểu số tình dục, một số du khách có thể vì sợ chế độ "coming out" bắt buộc nên sẽ biến mất khỏi tầm nhìn của chính quyền. Để tránh sự kỳ thị xã hội vẫn còn tồn tại trong xã hội Hàn Quốc liên quan đến thiểu số giới tính, cần phải chuẩn bị một kế hoạch để phát hiện ra họ theo cách rất thận trọng. Theo tôi, các phương pháp hiệu quả sẽ không mang tính cưỡng chế, mà là tự nguyện với việc đảm bảo ẩn danh", - ông Kim Dong-Heon nhận định.