Biện pháp này có hiệu lực vào thứ Sáu, nhưng các công ty được ân hạn 120 ngày để cơ cấu lại hoạt động kinh doanh theo các hạn chế liên quan. Theo quy định mới, nhà sản xuất từ bất kỳ quốc gia nào cung cấp chip cho Huawei phải được Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho phép, nếu công nghệ Mỹ được sử dụng trong chính con chip hoặc trong quy trình sản xuất. Do đó về mặt lý thuyết, lệnh cấm của Bộ Thương mại Mỹ có thể bao trùm gần như toàn bộ nguồn cung chip điện tử thế hệ mới nhất cho Huawei, bao gồm cả nhà cung cấp chính - Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (Taiwan Semiconductor Manufacturing Corporation - TSMC). Mặc dù một số thiết bị sản xuất chip mua từ Tokyo Electron và Hitachi của Nhật Bản, cũng như ASML của Hà Lan, một số thành phần chính trong thế hệ chip mới nhất được cung cấp độc quyền từ các công ty Mỹ KLA, Lam Research và Applied Materials. Và điều đó có nghĩa là công ty Trung Quốc không thể ra sản phẩm mới nếu không có công nghệ Mỹ.
Huawei vẫn chưa bình luận về các lệnh cấm mới của Mỹ. Ngoài tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc, nói sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích hợp pháp các công ty của mình, Bắc Kinh không công bố bất kỳ biện pháp trả đũa cụ thể nào đối với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, theo tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin, trích dẫn một nguồn tin thân cận với chính phủ, cho biết các công ty công nghệ Mỹ hàng đầu như Apple, Qualcomm hay Cisco có thể nằm trong danh sách các doanh nghiệp không được Trung Quốc tin cậy. Cũng có thông tin cho rằng Trung Quốc có thể ngừng mua máy bay Boeing. Chẳng hạn, với 65% doanh thu của Qualcomm là từ thị trường Trung Quốc, hay việc sản xuất iPhone gắn liền với nhà máy công ty Foxconn Trung Quốc, các biện pháp này có thể làm suy yếu đáng kể hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Mỹ. Trong trường hợp này, sẽ là thích hợp khi nói về một cuộc chiến tranh lạnh công nghệ toàn diện giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, cùng với những thứ khác, sẽ tấn công không chỉ 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, mà còn cả chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là về các sản phẩm công nghệ.
Trung Quốc, tất nhiên phải đáp trả trước những thách thức từ Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh không nên lặp lại hoàn toàn các hành động của Washington, ông Zhu Feng - giám đốc Trung tâm nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh, nói trong cuộc phỏng vấn với Sputnik:
"Quyết định của Hoa Kỳ về hạn chế xuất khẩu mới đối với Huawei, bao gồm cả lệnh cấm cung cấp chip điện tử, là biện pháp rất bất công. Như vậy Hoa Kỳ không chỉ gây áp lực lớn cho Huawei và các công ty công nghệ Trung Quốc khác, mà còn phá hủy hoàn toàn quan hệ thị trường bình thường và cơ chế hợp tác kinh tế giữa hai nước. Đồng thời, tôi không nghĩ việc đưa các công ty Mỹ vào danh sách các tổ chức không đáng tin cậy là biện pháp tốt, vì sự tương tác dựa trên các nguyên tắc thị trường sẽ tích cực tăng cường quan hệ kinh doanh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tất nhiên, Trung Quốc phải đáp trả cuộc tấn công của Mỹ. Và một mặt, chúng tôi phải đưa ra biện pháp khó khăn ở cấp độ chính trị. Nhưng mặt khác, tôi không nghĩ nên hành xử như Hoa Kỳ. Chúng tôi phải thúc đẩy sự phát triển quan hệ thương mại và kinh tế Mỹ - Trung, cũng như trao đổi thương mại thông thường giữa các công ty dựa trên thị trường cạnh tranh".
Theo chuyên gia, Trung Quốc không muốn các tuyên bố dân túy của chính quyền Trump phá vỡ hợp tác làm đình trệ và ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai nước. Trung Quốc sẽ cố gắng đa dạng hóa các nhà cung cấp để đảm bảo an ninh của chính mình. Nhưng khó có thể từ bỏ hoàn toàn các sản phẩm Mỹ và không có lý do gì để làm điều đó.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với các công ty Mỹ, khi họ bất chấp mọi khó khăn chính trị giữa hai nước, không muốn đánh mất thị trường Trung Quốc. Trên thực tế, việc đưa Huawei vào danh sách đen của Bộ Thương mại Hoa Kỳ vào tháng 5 năm ngoái chưa bao giờ thực sự có hiệu lực, vì chính quyền Mỹ đã cấp phép tạm thời cho một số công ty cung cấp cho Huawei, để họ có thời gian cơ cấu lại doanh nghiệp. Sau đó, giấy phép đã được gia hạn nhiều lần. Điều này là dễ hiểu: năm 2018, Huawei đã mua 11 tỷ USD linh kiện từ Mỹ. Mất một khách hàng như vậy chỉ qua một đêm là một thiệt hại không thể tính đếm cho doanh nghiệp. Do lệnh cấm cửa Huawei, sẽ rất khó cho các nhà khai thác viễn thông Mỹ nhỏ yếu, hoạt động chủ yếu ở khu vực nông thôn. Đơn giản là họ sẽ không có đủ vốn để xây dựng lại mạng lưới của mình theo yêu cầu mới của chính quyền. Giờ đây, "trận bom rải thảm" vào Huawei lại bị trì hoãn trong 120 ngày. Đúng vậy, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết đây sẽ là lần cuối cùng.
Tuy nhiên, theo Thời báo Hoàn cầu, các nhân viên Huawei trên mạng xã hội, sau khi các lệnh trừng phạt mới được chính quyền Trump công bố, đã bắt đầu động viên nhau "gạt bỏ ảo tưởng" và chuẩn bị cho một cuộc đấu tranh lâu dài. Công ty công nghệ Trung Quốc có thể sẽ phải tiếp tục tồn tại trong thực tế mới về mối quan hệ xấu đi giữa hai nước và gia tăng bất ổn chính trị. Thị trường Mỹ từng được ưu tiên hàng đầu, nơi Huawei mở một trong những trung tâm R & D đầu tiên và văn phòng đại diện nước ngoài (chi nhánh nước ngoài đầu tiên của công ty được mở tại Nga), nay đang trở nên độc hại. Công ty sẽ phải tìm kiếm nhà cung cấp ở các quốc gia khác, đồng thời nhấn mạnh vào phát triển năng lực và sự độc lập công nghệ của riêng mình, chuyên gia Zhu Feng nói.
"Tôi tự tin vào tương lai của Huawei. Các biện pháp hiện tại của Mỹ chắc chắn sẽ giáng một đòn mạnh vào công ty Trung Quốc, nhưng vấn đề quan trọng nhất vẫn là Huawei đạt được đến ngày hôm nay khi đối mặt với sự răn đe không công bằng của Mỹ, và trừng phạt thương mại. Trong những năm gần đây, Huawei đã thành lập nhóm chuyên gia R & D mạnh mẽ, những người phát triển chip của riêng mình, cũng như hệ điều hành thay thế. Vì vậy tôi cho rằng Huawei sẽ tồn tại".
Nhưng những gì sẽ xảy ra với các nhà cung cấp Mỹ trong dài hạn vẫn chưa rõ ràng. Giám đốc điều hành hiện tại của Huawei Eric Xu, tuyên bố công ty luôn có thể tìm thấy các thành phần tương tự từ nhà cung cấp Nhật Bản, châu Âu hoặc Hàn Quốc. Và công ty thực sự đang xây dựng mối quan hệ với các nhà sản xuất ngoài nước Mỹ. Huawei đã ký kết thỏa thuận với STMicroelectronics của châu Âu về việc cùng phát triển chip.
STMicroelectronics tuyên bố quá trình sản xuất của họ không sử dụng công nghệ Mỹ, do đó chip điện tử do công ty sản xuất ra không bị hạn chế xuất khẩu. Ngoài ra, Trung Quốc đang cố gắng tự mình sản xuất một số linh kiện bán dẫn nhất định. Trước đó có tin cho hay công ty Trung Quốc Yangtze Memory Technologies đã tạo ra nguyên mẫu chip flash 3D NAND 128 lớp, chưa từng được bất kỳ công ty nào trên thế giới sản xuất hàng loạt.
Ngay cả khi chính quyền Trung Quốc không trả đũa bằng các hạn chế chính thức đối với doanh nghiệp Mỹ, tình hình hiện tại vẫn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị thế của họ tại thị trường Trung Quốc. Thật vậy, không thể bỏ qua tâm trạng người tiêu dùng, vốn khá nhạy cảm với cuộc đối đầu công nghệ giữa hai nước. Đã từng có tiền lệ: khi Hàn Quốc đồng ý triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ, khách du lịch Trung Quốc đã dừng việc du lịch tới đất nước này mặc dù không có sự hạn chế chính thức nào của chính quyền, và bắt đầu tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc, gây nguy hiểm cho toàn bộ ngành du lịch và kinh tế Hàn Quốc. Bây giờ, người tiêu dùng Trung Quốc cũng có thể vì ý thức yêu nước ủng hộ nhà sản xuất của họ.